Qua cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 2 do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Đào tạo Quốc tế - Đại học Kinh tế tổ chức, Ban tổ chức cuộc thi nhận thấy rất nhiều thí sinh nhiều thắc mắc, băn khoăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Ban tổ chức cuộc thi giới thiệu bài viết tổng hợp về những điều cần lưu ý đối với các bạn học sinh trước thềm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Bạn đang theo đuổi ngành học vì ước mơ? Vì nguyện vọng từ gia đình? Bạn thực sự đam mê với nghề nghiệp tương lai của mình? Đâu sẽ là con đường đi tốt nhất? Chính vì vậy mà việc lựa chọn ghề nghiệp rất quan trọng nhưng thực chất không phải ai cũng suy nghĩ thật chín chắn, đặc biệt là những bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Người xưa có câu, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, bởi vậy, việc phân tích các yếu tố “ta” và “người” sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc lựa chọn cũng như phát triển nghề nghiệp tương lai của bạn. Trong quá trình lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai, các bạn có thể sử dụng công cụ mô hình SWOT để phân tích yếu tố bên trong (điểm mạnh, điểm yếu) và yếu tố bên ngoài (cơ hội, thách thức), từ đó, bạn sẽ lựa chọn được những nghề nghiệp phù hợp.
Hiểu rõ bản thân
Đầu tiên, bạn có thể phân tích ưu điểm của mình (điểm mạnh), những điểm tích cực mà bạn có thể kiểm soát được và tận dụng trong kế hoạch nghề nghiệp của mình, sự định hướng, giáo dục của gia đình (truyền thống gia đình), kiến thức về ngành nghề mà bạn biết (luật, các quy định của pháp luật trong ngành Luật học, lập trình, công nghệ trong ngành IT…), kỹ năng thực hành xã hội (kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, làm việc nhóm…), tính cách (tính sáng tạo, chịu khó, khả năng chịu áp lực, cách tạo dựng mối quan hệ…).
Tiếp theo, bạn hiểu được những điểm hạn chế (điểm yếu), những mặt tiêu cực mà bạn không thể kiểm soát và khó cải thiện, ví dụ hạn chế về kiến thức nganh nghề không sâu, sống thiếu mục đích, kỹ năng kém, cá tính tiêu cực: thiếu ý chí vươn lên, thiếu nhẫn nại, tính kỷ luật kém, không có khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm…
Thí sinh Vũ Thị Huyền Trang - Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) vận dụng mô hình SWOT phân tích yếu tố nhu cầu xã hội với nghề Tổ chức sự kiện mà bạn mơ ước. |
Kiểm soát được cơ hội và thách thức
Sau khi đã hiểu rõ bản thân mình, bạn bắt đầu phân tích các yếu tố bên ngoài (cơ hội và thách thức) trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch nghề nghiệp của mình. Bạn cần quan tâm đến các điều kiện tích cực bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát nhưng có thể tận dụng cơ hội phát triển, xu hướng tích cực trong nghề nghiệp, cơ hội để bạn phát triển nghề nghiệp bằng cách nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng thực hành xã hội của bạn, thuận lợi về địa lý, mối quan hệ xã hội…
Bên cạnh đó, những thách thức bạn có thể vượt qua được trong tiến trình phát triển nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để bạn chọn nghề. Đó là các điều kiện tiêu cực bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát nhưng bạn có thể hạn chế tác hại của chúng, các xu hướng tiêu cực trong ngành của bạn khiến làm giảm cơ hội nghề nghiệp, sự cạnh tranh của những sinh viên tốt nghiệp cùng lứa với bạn, đối thủ cạnh tranh với bạn (kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, môi trường giáo dục,…), thị trường hạn chế cho cơ hội tiến thân, những đơn vị không mặn mà với chuyên ngành của bạn.
Một số việc cần tránh khi chọn nghề
Song song với việc phân tích các yếu tố theo mô hình SWOT trên, bạn trẻ cần lưu ý một số vấn đề cần tránh như sau:
Chọn nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố, mẹ và người thân. Do gia đình có nghề nghiệp truyền thống hoặc có mối quan hệ sẵn có nên thường áp đặt con cái theo ý muốn của mình mà bản thân con cái không phù hợp với ngành nghề đó.
- Chọn nghề theo sự rủ rê của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
- Chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình.
- Chọn nghề may rủi theo kiểu chọn đại.
- Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”, theo phong trào.
- Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không.
- Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế, cá nhân hoặc gia đình.
- Chọn nghề không gắn với nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, để bạn có thể tham khảo ý kiến của người thân và bạn bè xung quanh, chia sẻ và lắng nghe họ nhận xét, đánh giá về năng lực, sở thích của bạn phù hợp với những ngành nghề nào, hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua việc tiếp cận và trao đổi với một số người thành đạt trong nghề để tìm hiểu cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển…
Sở hữu chất giọng truyền cảm - Trần Thị Thương Thương (Trường THPT Ngô Quyền - Đồng Nai) mong muốn sẽ trở thành một Phát Thanh Viên giỏi |
Điều cuối cùng, chọn ngôi trường xứng đáng có thể trao bạn có thể nắm chắc tấm vé vào đại học? Bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.
- Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.
- Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường.
- Sự quan tâm của nhà trường đối với đầu ra của sinh viên.
- Những hoạt động thanh niên, sinh viên tại trường (học tập chuyên đề kỹ năng thực hành xã hội, hoạt động ngoại khóa…) có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng thực hành.
- Học phí, học bổng.
- Bằng cấp và cơ hội nâng cao trình độ học vấn.
Tìm hiểu khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong năm năm liên tiếp. Hãy tự giải quyết các bài thi tuyển sinh của các năm trước đây và so sánh kết quả của bạn tương ứng với điểm đầu vào của trường từng năm, bạn có thể phần nào đánh giá được năng lực của mình có thể nắm chắc tấm vé vào trường hay không.
Thí sinh tham gia cuộc thi tập huấn kỹ năng làm việc nhóm |
Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là lựa chọn tương lai cho chính bạn, hãy đủ kiến thức và trách nhiệm với tương lai. Và hãy can đảm bước trên trên con đường mình đã chọn đến với những vùng đất mới, không ngại đối đầu với thử thách và khám phá hết khả năng của bản thân.
Kết thúc phần bình chọn thí sinh trong vòng bán kết 2, cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 2 năm 2013-2014 đã chọn ra 05 thí sinh xuất sắc tiếp tục bước vào vòng thi chung Vòng chung kết sẽ diễn ra lúc 8g30 ngày 23 tháng 3 năm 2014 tại Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4, Phạm Ngọc Thạch, quận 1). Khán giả tham gia sẽ nhận được những quà tặng may mắn tại chương trình, trường tham gia cổ vũ đông nhất sẽ giành được giải thưởng trị giá 3 triệu đồng. Ba thí sinh xuất sắc đầu giải tại vòng chung kết sẽ nhận được giải thưởng bao gồm tiền mặt (giải nhất: 10 triệu đồng, giải nhì: 5 triệu đồng, giải ba: 4 triệu đồng), 01 suất học bổng tiếng Anh 4 tuần tại Đại học Western Sydney (Úc) và quà tặng của các đơn vị tài trợ.
Thông tin chi tiết tại website www.thuchienuocmo.vn
Tư liệu: SAC