Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều cần biết khi trẻ bị viêm amidan

Viêm amidan là tình trạng phổ biến ở trẻ với các triệu chứng như đau họng, có thể kèm sốt, khó nuốt.

Trẻ có thể bị sốt khi viêm amidan. Ảnh: iStock.

Viêm amidan là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở amidan, có thể dẫn đến amidan sưng to. Amidan là miếng đệm hình bầu dục ở hai bên cổ họng. Chúng là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào mũi và miệng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm amidan.

Triệu chứng và nguyên nhân

Theo Stanfordchildrens, viêm amidan có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau. Điển hình nhất là đau họng, đôi khi kèm theo sốt, đau khi nuốt, sưng hạch bạch huyết. Đôi khi, trẻ chỉ gặp một số triệu chứng như ngáy hoặc ho khan, ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn gây khó chịu.

Viêm amidan thường là kết quả của nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus hoặc vi khuẩn. Một số loại virus có thể gây viêm amidan, bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, adenovirus, parainfluenza và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm cả liên cầu khuẩn, cũng có thể gây viêm amidan.

tre bi viem amidan anh 1

Trẻ có thể bị viêm amidan do virus hoặc vi khuẩn. Ảnh: Medlineplus.

Trong khi nguyên nhân từ virus phổ biến hơn, nhiễm trùng amidan do vi khuẩn lại gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Trẻ có thể phải đến bệnh viện điều trị.

Bản thân bệnh amidan không lây nhưng nó kèm theo các bệnh có thể lây. Ví dụ, khi trẻ ho, giọt bắn văng ra không khí có thể dẫn đến lây lan virus hoặc vi khuẩn tiềm ẩn. Việc dùng chung đồ uống, thức ăn, dụng cụ và rửa tay không kỹ cũng có thể làm lây lan bệnh viêm amidan.

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bị viêm amidan. Nhưng những trẻ có hệ miễn dịch bị tổn hại, bao gồm cả những trẻ được cấy ghép nội tạng, có thể dễ bị viêm amidan hơn hoặc có triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Viêm amidan thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 15. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng không phổ biến như ở trẻ em.

Bệnh kéo dài bao lâu tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu do vi khuẩn, trẻ có thể dùng kháng sinh và hồi phục trong vòng 2-3 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị.

Vì các trường hợp viêm amidan do virus không được điều trị bằng thuốc kháng sinh, bác sĩ thường chỉ theo dõi và điều trị theo triệu chứng. Trẻ có thể mất đến 7 ngày để bệnh thuyên giảm. Nếu tình hình không cải thiện, bác sĩ sẽ tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh khác.

Ngoài ra, một số trẻ bị viêm amidan mạn tính, đặc trưng bởi các đợt đau họng thường xuyên và sưng amidan hoặc thậm chí khó chịu ở cổ họng gần như liên tục. Một số gia đình thường bị viêm amidan nhiều hơn nhà khác dù đây không phải là bệnh di truyền.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý tình trạng viêm họng hạt. Đây là một dạng cụ thể của viêm amidan. Thực chất, viêm họng hạt còn được gọi là viêm amidan do liên cầu khuẩn.

Khi nghi ngờ trẻ viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ thường xét nghiệm nhanh liên cầu khuẩn và/hoặc cấy dịch họng để kiểm tra vi khuẩn liên cầu. Các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm đau họng, sốt, amidan có màu trắng và sưng hạch bạch huyết.

tre bi viem amidan anh 2

Cha mẹ cần đưa con đến khám bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 38,3 độ C hoặc các triệu chứng không giảm sau vài ngày hay nặng hơn. Ảnh: HBF.

Viêm amidan có biến chứng không?

Viêm amidan do liên cầu khuẩn có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nhưng không phổ biến, bao gồm sốt ban đỏ, sốt thấp khớp. Một biến chứng khác là áp xe phúc mạc, nơi amidan hoặc các khoảng xung quanh chứa đầy mủ và có thể phải dẫn lưu. Nhưng trường hợp này tương đối hiếm.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường kiểm tra xem amidan sưng không và xem xét tiền sử các triệu chứng của trẻ.

Nếu xác định trẻ viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ sử dụng kháng sinh. Nếu nguyên nhân là virus, bác sĩ theo dõi, kê thuốc hỗ trợ, có thể bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt để giảm bớt triệu chứng.

Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ chỉ định cắt bỏ amidan. Ngày nay, việc cắt bỏ amidan không phổ biến như trước đây. Bác sĩ chỉ cân nhắc chỉ định cắt amidan khi trẻ đã có biến chứng.

Căn cứ dễ thấy là nếu trẻ viêm amidan ít nhất 7 lần/năm hoặc 5 đợt/năm trong 2 năm liên tục hay 3 đợt/năm trong vòng 3 năm cùng với các triệu chứng (sốt, sưng hạch bạch huyết, dịch tiết amidan hoặc dương tính khi xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A).

Trẻ có những vùng khác nhau để bảo vệ cơ thể. Việc cắt amidan không gây ra tình trạng ức chế miễn dịch. Nói cách khác, cắt amidan không ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng của trẻ sau này.

Tuy nhiên, bác sĩ thường khuyên trẻ thực hiện một số việc tại nhà để cảm thấy dễ chịu hơn khi bị viêm amidan. Đó có thể là súc miệng bằng nước muối, dùng viên ngậm họng. Nếu cơn đau không giảm, phụ huynh có thể cho con dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Quan trọng nhất, cha mẹ cần đảm bảo con được cung cấp đủ nước.

Nếu các triệu chứng của con không cải thiện sau một vài ngày hoặc ngày càng nặng hơn, phụ huynh phải đưa đi khám. Cụ thể, nếu trẻ sốt từ 38,3 độ C trở lên, cha mẹ cần dẫn con tới gặp bác sĩ để loại trừ chứng viêm họng do liên cầu khuẩn. Nếu con bạn bị viêm amidan mạn tính hoặc có triệu chứng nặng, bác sĩ có thể giới thiệu con sang điều trị với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Triệu chứng, cách điều trị khi trẻ bị viêm phế quản

Viêm phế quản cấp tính là bệnh xảy ra khi phế quản (ống dẫn khí đến phổi) sưng lên, tạo ra chất nhầy dư thừa. Trẻ mắc bệnh thường bị ho.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm