Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điệp viên mắc kẹt ở Hàn Quốc mòn mỏi chờ cơ hội về Triều Tiên

Mắc kẹt hàng chục năm tại Hàn Quốc, những điệp viên hoặc cảm tình viên của Triều Tiên trông đợi sự cải thiện trong quan hệ liên Triều để có cơ hội trở về miền Bắc.

Kim Young Sik lớn lên khi quê hương ông đã bị chia thành hai miền Nam - Bắc. Cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa, Kim tin rằng những lực lượng nước ngoài đã chia cắt đất nước và khiến nhân dân hai miền trải qua khói lửa chiến tranh.

Năm 1962, Kim cùng nhóm điệp viên Triều Tiên lên đường hướng về phía Nam vĩ tuyến 38, tìm cách xâm nhập Hàn Quốc, tin rằng họ đang đóng góp vào công cuộc thống nhất hai miền.

Điệp viên Triều Tiên mắc kẹt tại Hàn Quốc

Đối với chàng trai đang tuổi đôi mươi, gia đình là niềm hạnh phúc, nguồn vui và điều thiêng liêng không thể tách rời. Dẫu vậy, Kim vẫn lên đường với niềm tin vào trách nhiệm với đất nước.

"Tôi thực sự căm thù những lực lượng nước ngoài đã chia cắt đất nước và khiến nhân dân hai miền đánh lẫn nhau", Kim nói.

Diep vien Trieu Tien anh 1
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Yong Sik. Ảnh: BBC.

Chiếc thuyền chở theo các điệp viên Triều Tiên lặng lẽ đi về phía cảng Ulsan, tìm mọi cách để qua mặt lực lượng tuần duyên Hàn Quốc và tránh bị phát hiện. Họ thậm chí đi vòng về phía Nhật Bản, trước khi trở lại vùng biển Đông Nam Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhóm điệp viên Triều Tiên bị phát hiện trước khi kịp triển khai bất cứ hoạt động do thám nào. Kim cùng các cộng sự bị bắt giữ và lĩnh án 26 năm trong nhà tù Hàn Quốc. 

Nay đã được trả tự do và trở thành công dân Hàn Quốc, Kim vẫn đau đáu nhớ về quê hương ở bên kia giới tuyến. "Cuộc sống ngục tù thực sự khó khăn. Sống trong xã hội Hàn Quốc, người ta buộc phải thay đổi lý tưởng. Nhưng tôi không làm vậy", Kim nói.

Kim là một trong 19 điệp viên Triều Tiên, bị bắt giữ hoặc đào tẩu sang Hàn Quốc, nay muốn trở lại miền Bắc. Đối với họ, những diễn biến hòa dịu gần đây trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là những cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, mở ra cơ hội tìm đường về nhà.

"Nếu bây giờ anh đi tới biên giới, anh sẽ thấy họ lắp hàng rào dây thép gai ở mọi nơi. Có phải chúng ta xây lên hàng rào đó không? Những cường quốc nước ngoài xây lên chúng, họ ngăn chúng ta đi lại tự do giữa hai miền", Kim nói.

Cựu điệp viên, nay đã ở tuổi 80, tức giận khi nói về hiệp định đình chiến năm 1953 đã tạo ra khu vực phân giới phi quân sự chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên. Hiệp định này được ký bởi Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên.

"Đến tận lúc chết, tôi vẫn thấy sự chia cắt này thực sự tồi tệ. Người nước ngoài tới đây, chia cắt chúng ta, khiến chúng ta đánh lẫn nhau. Đó là lý do chúng tôi xây dựng vũ khí hạt nhân. Nếu họ tử tế và giúp đỡ, chúng tôi sẽ không cần sản xuất bom hạt nhân", Kim nói.

Người Hàn Quốc với giấc mộng Triều Tiên

Yang Soon Gil là một trường hợp đặc biệt, ông muốn đến Triều Tiên sống dù ngôi nhà thực sự của ông ở phía Nam vĩ tuyến 38.

Sau hiệp định đình chiến 1953, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và về mặt kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Yang cùng người anh trai có chuyến thăm Bình Nhưỡng trong bối cảnh Hàn Quốc kiểm soát chặt chẽ mọi liên hệ với miền Bắc.

Diep vien Trieu Tien anh 2
Hàng rào dây thép gai tại biên giới liên Triều. Ảnh: AP.

Khi trở về từ chuyến thăm Triều Tiên, Yang bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Chính quyền Hàn Quốc kết tội Yang là gián điệp và tuyên án 37 năm tù giam.

"Tôi ước có thể sống tại nơi mọi người có chung lý tưởng và niềm tin với mình. Tôi muốn tro cốt mình được chôn cất ở đó", Yang nói.

Yang đã có vợ và gia đình ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, người đàn ông từng sống gần 4 thập kỷ trong nhà giam tuyên bố sẵn sàng vứt bỏ tất cả để chuyển đến sinh sống ở Triều Tiên nếu điều kiện cho phép.

"Người đàn ông biết mình muốn gì, luôn gắn bó với nguyên tắc và theo đuổi niềm tin của mình. Niềm tin của tôi được nuôi dưỡng khi bị giam trong tù", ông Yang nói.

Rào cản thực sự cho thống nhất

Yang, Kim và những người đồng chí hướng đã tìm tới nhau, họ cùng tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài bộ Thống nhất Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, cơ quan phụ trách quan hệ với miền Bắc. Họ trông đợi trường hợp của mình sẽ được đề cập trong những cuộc đối thoại liên Triều, với niềm tin rằng một thỏa thuận đạt được sẽ mở ra cánh cửa cho họ trở về Triều Tiên.

Những trường hợp như Yang và Kim vừa là điều gây ra lo lắng, vừa là cái gai trong mắt các đảng phái bảo thủ tại Hàn Quốc. Chống Triều Tiên, tới hiện tại, vẫn là tâm lý phổ biến và ăn sâu bén rễ trong một bộ phận người dân miền Nam.

Diep vien Trieu Tien anh 3
Người dân Hàn Quốc quan sát về phía Triều Tiên bằng ống nhòm. Ảnh: Getty.

Từ hàng chục năm trước, Luật An ninh Quốc gia được Hàn Quốc ban hành nhằm ngăn chặn và loại bỏ tư tưởng và ảnh hưởng chính trị của Triều Tiên tại miền Nam. Năm 1975, hàng chục người bất đồng chính kiến đã bị bắt giữ với cáo buộc có hoạt động ủng hộ Triều Tiên. 8 trong số đó bị hành quyết trong ngày.

Chế độ độc tài quân sự nay đã bị thay thế bằng chính quyền dân sự, xã hội Hàn Quốc hiện đã cởi mở hơn rất nhiều so với thập niên 70. Mặc dù vậy, những gì được coi là "tư tưởng chính trị Triều Tiên" vẫn là khái niệm khiến không ít người Hàn Quốc nhíu mày.

Người dân hai miền Nam - Bắc đã chờ đợi hàng chục năm cho một nền hòa bình, mà không dưới một lần tưởng như đã ở trước mắt. Sẽ không có gì bất ngờ khi người dân hai miền tổ chức những màn đại tiệc ăn mừng vào giờ khắc hiệp định hòa bình được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Nhưng, dù cho những hàng rào dây thép gai chạy dọc biên giới có được dỡ bỏ, khoảng cách về xã hội và tư tưởng giữa hai miền Nam - Bắc mới thực sự là rào cản cho sự hòa giải và thống nhất dân tộc.

90s: Những biểu tượng hòa bình của thượng đỉnh liên Triều Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In ngày 27/4 cho thấy nhiều biểu tượng hòa bình, thống nhất và hữu nghị.

Chuyên cơ của Kim Jong Un và thách thức bay 5.000 km tới Singapore

Các chuyên gia đặt dấu hỏi về khả năng chuyên cơ của ông Kim có thể bay thẳng từ Triều Tiên tới Singapore và dự đoán những phương án di chuyển của nhà lãnh đạo này.

Ngoại trưởng Singapore đến Bình Nhưỡng, chạy đua cho cuộc gặp Mỹ-Triều

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore sẽ có chuyến thăm Bình Nhưỡng, vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.



Duy Anh

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm