Trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP.HCM là địa phương có số lượng bệnh nhân Covid-19 cao thứ 2 cả nước. Ngoài ra, Bình Dương, Tiền Giang, Long An..., là một số tỉnh ở khu vực phía Nam có số lượng ca mắc tăng nhanh.
12 địa phương tại khu vực phía Nam có dịch Covid-19
TP.HCM: Trong đợt đầu của làn sóng dịch thứ 4, TP.HCM ghi nhận số ca mắc mới ít. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM đối mặt với đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay.
Đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 575 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch này. Với tính chất phức tạp từ các hoạt động tôn giáo và lịch trình của thành viên nhóm này, virus đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác ở cả 3 miền.
TP.HCM liên tục ghi nhận các ca mắc mới và vươn lên vị trí số 2 về tổng số bệnh nhân Covid-19 trên cả nước. Ảnh: Hoàng Giám. |
Hiện ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thành phố lại tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm nhỏ lẻ. SARS-CoV-2 thậm chí đã xâm nhập vào một trong những cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với 107 ca mắc.
Sau 2 tháng bùng phát dịch, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 3.372 ca mắc Covid-19 mới, xếp thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM đã có nhiều biện pháp quyết liệt như áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 ở một số khu vực, tăng năng suất xét nghiệm, thí điểm cách ly F1 tại nhà, mở rộng quy mô giường bệnh điều trị Covid-19.
Ngoài ra, từ 19-27/6, TP.HCM đã tổ chức đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Trong chiến dịch này, hơn 710.000 người đã tiêm phòng.
Bình Dương: Trong vòng hơn 2 tuần qua, địa phương này trở thành điểm nóng khi ghi nhận tổng cộng 294 ca Covid-19.
Ngày 12/6, Bình Dương phát hiện ca bệnh đầu tiên là BN10584, có địa chỉ ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, làm nghề bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một.
Từ đó, địa phương này liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới và tạo ra hàng loạt chuỗi lây nhiễm như Công ty House Wares, Công ty Hiền Hòa Anh, Công ty xử lý rác thải, Công ty Puku thuộc khu công nghiệp Đồng An (TP Thuận An)...
Bình Dương đang tập trung xử lý hai chuỗi lây nhiễm lớn, phức tạp là phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) và Công ty Việt Nam House Wares (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An).
Thống kê số bệnh nhân Covid-19 được phát hiện ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Đồ họa: Quốc Toàn. |
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá vấn đề nguy hiểm nhất của Bình Dương là số lượng khu công nghiệp tại đây rất lớn cùng mật độ công nhân đông đúc.
Tiền Giang: Ngày 5/6, Tiền Giang ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Người này mang mã số 8430, là sinh viên và từng tiếp xúc gần một trường hợp F0.
Chỉ gần 2 tuần sau, tỉnh đã khoanh vùng được 6 ổ dịch với 4 nguồn lây và ghi nhận thêm 41 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến 28/6, Tiền Giang có tổng cộng 67 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Long An: Ngày 30/5, Long An ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Đó là cặp vợ chồng quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh. Họ sống tại TP.HCM và về thăm nhà ở Long An.
Đến nay, địa phương này đã ghi nhận tổng cộng 67 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn. Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Long An cũng cho biết đã phong tỏa một khu dân cư tại ấp Phước Lý, xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc) khi khu vực này phát hiện 18 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Đồng Tháp: Ngày 1/6, Đồng Tháp phát hiện trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 là người đàn ông 31 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười và từng tiếp xúc 2 bệnh nhân liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (TP.HCM).
Mới đây, tỉnh này cũng đã phải phong tỏa Bệnh viện Sa Đéc và tạm dừng hoạt động của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Tháp do liên quan ca mắc Covid-19. Tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 11 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Đồng Nai: Trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 trong cộng đồng của tỉnh Đồng Nai được phát hiện ngày 5/5. Người này trú tại phường Xuân Thanh, TP Long Khánh và từng làm việc ở quán bar New Phương Đông (Hải Châu, Đà Nẵng), có tiếp xúc với F0.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến kiểm tra và hỗ trợ Đồng Nai trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: BYT. |
Đến nay, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 4 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dù số ca mắc còn thấp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý Đồng Nai không được chủ quan do đặc điểm của địa phương này giáp ranh với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ngoài ra, một số địa phương thuộc khu vực phía Nam cũng xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thời gian qua gồm: Tây Ninh (8), Trà Vinh (3), Kiên Giang (2), Bạc Liêu (1), An Giang (1) và Vĩnh Long (1).
Các địa phương đều có nguy cơ bùng phát dịch
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định tất cả địa phương lân cận, liên quan TP.HCM đều có nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng và bùng phát dịch cao.
“Tốc độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 lần này là rất nhanh. Do đó, việc dịch bùng phát tại TP.HCM với lượng giao thông lớn sẽ khiến virus phát tán ra các tỉnh, thành phố. Do đó, các địa phương hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng của TP.HCM hiện nay nếu không nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng sớm”, bác sĩ Khanh nhận định.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại một khu dân cư. Ảnh: Hoàng Giám. |
“Chúng ta buộc phải chủ động khoanh vùng, truy vết, tìm bằng được F0 nếu muốn nhanh chóng dập dịch. Việc chỉ chờ đợi bệnh nhân Covid-19 tìm đến ngành y tế sẽ khiến công tác dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí làm virus lây lan rộng hơn”, bác sĩ này nói.
Với các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai..., vấn đề nguy hiểm nhất là virus lây lan trong khu công nghiệp. Do đó, nếu ngành y tế và lực lượng chức năng không bao vây, khoanh vùng các ca bệnh kịp thời, những địa phương này hoàn toàn có thể trở thành điểm nóng tiếp theo sau Bắc Giang, Bắc Ninh hay TP.HCM.