Tại phiên điều trần ở tòa án thuộc Tây Palm Beach, thẩm phán Bruce Reinhart nói rằng ông đang có kế hoạch công khai một số nội dung trong tờ khai mà FBI đệ trình lên tòa án để xin trát khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump.
Ông cho biết muốn nghe thêm từ Bộ Tư pháp rằng các điều tra viên muốn bảo mật tài liệu như thế nào, bao gồm những tài liệu nói về các thủ tục và phương pháp dẫn đến một cuộc điều tra.
“Tôi không thực sự thấy cần phải bảo mật toàn bộ tờ khai”, ông nói, đồng thời cho biết thêm có thể công bố một vài nội dung trong tờ khai với công chúng.
Thông báo của ông Reinhart được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ những chi tiết mới nhưng còn mơ hồ về vụ điều tra việc ông Trump giữ các tài liệu mật ở Mar-a-Lago.
Những công tố viên có thể đề xuất các phiên bản của tờ khai được chỉnh sửa, và phải giải thích về những thông tin không công khai. Thời hạn đề xuất là đến hết chiều 25/8.
Ông Reinhart nói rằng sau thời gian trên, ông có thể phải có các cuộc thảo luận riêng với Bộ Tư pháp trước khi quyết định công khai nội dung nào của tài liệu mà FBI đưa lên tòa án.
Nhắm vào ông Trump
Những tài liệu được công bố hôm 18/8 cung cấp chi tiết về những cáo trạng mà Bộ Tư pháp đang điều tra, bao gồm “cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng”. Các chuyên gia pháp lý nói rằng thông tin đã hướng sự tập trung về cựu Tổng thống Trump như một đối tượng khả thi của cuộc điều tra hình sự.
Trước đó, lệnh khám xét chỉ liệt kê các đạo luật liên bang mà ông Trump có thể vi phạm, tiêu biểu là Đạo luật Gián điệp. Tài liệu trên để ngỏ việc ông Trump và những người thân cận có thể vi phạm các đạo luật của Mỹ, bao gồm cản trở tư pháp.
Ông Trump ở tư dinh Mar-a-Lago hồi tháng 12/2016. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, "cố ý lưu giữ" được cho là lời cáo buộc cụ thể hơn, và nhắm vào đích danh vị cựu tổng thống, người có quyền sở hữu các tài liệu quốc phòng khi đang tại nhiệm, nhưng không được đem ra khỏi Nhà Trắng.
Thông tin mới về “cản trở tư pháp”
Một luật sư của Bộ Tư pháp nói trong phiên điều trần rằng tờ khai để lấy trát khám nhà ông Trump đề cập đến việc các công tố viên có thể tìm thấy chứng cứ ở Mar-a-Lago cho cáo “cản trở tư pháp” - một trong những cáo buộc từ trát khám xét của FBI.
"Trong trường hợp này, tòa án đã tìm ra nguyên nhân có thể cấu thành việc vi phạm một trong các quy định về cản trở tư pháp, và bằng chứng có thể được tìm thấy ở Mar-a-Lago", Jay Bratt, người đứng đầu bộ phận phản gián thuộc Bộ Tư pháp, nói.
Cản trở tư pháp là một trong ba đạo luật được tòa án đưa ra trong lệnh khám xét Mar-a-Lago. Ông Bratt nói rằng cơ quan chức năng đang điều tra về cáo buộc này, nhấn mạnh Bộ Tư pháp Mỹ lo ngại những nhân chứng sẽ không cung cấp thông tin nếu hiện tại cơ quan này đưa ra quá nhiều thông tin về cuộc điều tra.
Tờ khai “chứa thông tin quan trọng”
Ông Bratt nói rằng tờ khai đệ trình lên tòa án rất chi tiết, dài và chứa “thông tin quan trọng từ bồi thẩm đoàn". Ông nói rằng việc công bố toàn bộ tờ khai sẽ "cung cấp một lộ trình của cuộc điều tra" cho công chúng.
Theo ông Bratt, việc minh bạch là cần thiết, nhưng "có những lợi ích khác" khi cuộc điều tra được tiến hành mà không gặp cản trở.
Ô tô những người ủng hộ ông Trump đi qua tòa án ở Tây Palm Beach, nơi diễn ra phiên điều trần ngày 18/8. Ảnh: AFP. |
Ông đã cảnh báo rằng công bố tờ khai sẽ ảnh hưởng đến các nhân chứng cũng như những cuộc điều tra sắp tới. Ông cho biết một vài nhân chứng nắm giữ thông tin rất cụ thể mà nếu tiết lộ, mọi người sẽ biết nhân chứng đó là ai.
Ông cũng bày tỏ lo ngại với những rủi ro mà FBI phải đối mặt sau khi khám xét nhà ông Trump, chẳng hạn vụ tấn công văn phòng FBI ở Cincinnati, hay những lời dọa giết trên mạng.
Ông Bratt nói với thẩm phán rằng nếu công bố những tài liệu về vụ điều tra, Bộ Tư pháp muốn chỉnh sửa để bảo vệ thông tin của những đặc vụ liên quan đến vụ việc này.
Luật sư của ông Trump "kín tiếng"
Một luật sư của ông Trump, bà Christina Bobb, đã có mặt trong phiên điều trần, song không lên tiếng trong suốt phiên tòa. Trước đó, trả lời phóng viên, bà nói rằng chỉ đến buổi điều trần để quan sát.
Vị cựu tổng thống Mỹ không phải đối tượng liên quan trực tiếp trong vụ tranh cãi về việc công khai lệnh khám xét.
Trước đó, khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu thẩm phán công bố lệnh khám xét và biên nhận các vật dụng thu được từ Mar-a-Lago, thẩm phán đã yêu cầu bộ này trao đổi với ông Trump và tòa án nếu cựu tổng thống phản đối việc công khai tài liệu trên.
Ngoài ra, đội ngũ của ông Trump cũng không phản đối các hồ sơ từ Bộ Tư pháp trong phiên điều trần hôm 18/8, một phần là do ông Trump cùng cộng sự trước đó đã lên tiếng ủng hộ việc công bố trát khám xét khu nghỉ dưỡng.