Theo New York Times, rừng tre Arashiyama - một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất ở Kyoto (Nhật Bản) - giờ tĩnh lặng đến mức có thể nghe được tiếng tre rì rào trong gió.
Trong khi đó, cáp treo Ngong Ping 360 bắc qua đảo Đại Tự Sơn - nơi có tượng Phật Thiên Đàn nổi tiếng - ở Hong Kong giờ bất động và trống rỗng.
Và ở Siem Reap (Campuchia) nổi tiếng với thắng cảnh Angkor Wat, khách sạn Sala Lodges trước đây luôn cháy phòng, nhưng giờ không có nổi một lượt đặt phòng mới suốt 3 tuần qua.
Đó là những bằng chứng rõ ràng cho thấy dịch virus corona chủng mới đang tàn phá ngành du lịch toàn cầu, ngành công nghiệp đóng góp 8.800 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới năm 2018, theo Hiệp hội Du lịch Thế giới.
Rừng tre Arashiyama ở Kyoto vắng lặng bất thường. Ảnh: CNN. |
Ảnh hưởng toàn châu Á
Các nhà kinh tế quốc tế nhận định dịch bệnh bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) sẽ là cú đòn nặng nề nhất đánh vào tăng trưởng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chỉ riêng các hãng hàng không có thể thiệt hại khoảng 29 tỷ USD trong năm nay.
Các nước châu Á gần Trung Quốc - tâm chấn của dịch Covid-19 và là nguồn du khách lớn nhất thế giới - đang hứng chịu sức ép nặng nề. Tuy nhiên, tác động của dịch đang lan tỏa trên toàn cầu.
Cuối tuần trước, chính quyền thành phố Venice (Italy) hủy 2 ngày cuối của lễ hội truyền thống vì dịch Covid-19. Chính phủ Italy phong tỏa 10 thị trấn ở khu vực Lombardy sau khi số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Trong những năm qua, nhiều quốc gia Đông Nam Á đầu tư mạnh vào các khu nghỉ dưỡng và sòng bạc để thu hút du khách Trung Quốc. Và giờ các hãng hàng không, khách sạn và công ty lữ hành lao đao vì khách Trung Quốc hủy chuyến, hủy phòng, ngừng đặt tour.
Khách Trung Quốc không thể đi du lịch, còn du khách phương Tây không dám đi. Và thiệt hại đang gia tăng. Theo GlobalData, mỗi quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore có thể chịu thiệt hại lên đến 3 tỷ USD vì dịch Covid-19.
Phố người Hoa ở Sihanokuville (Campuchia) trống vắng. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo của Hopper, một ứng dụng đặt chuyến bay và phòng khách sạn, lượt tìm kiếm các chuyến bay đến châu Á - đặc biệt là Trung Quốc - của hành khách Mỹ sụt giảm đáng kể trong vài tuần qua.
Hopper ước tính nhu cầu du lịch tới với các quốc gia như Singapore và Malaysia lao dốc khoảng 20%. Thay vào đó, du khách Mỹ chuyển sang tìm kiếm những điểm đến trong nước.
Năm 2018, du khách Trung Quốc đi 150 triệu chuyến ra nước ngoài và chi hơn 277 tỷ USD. Tuy nhiên, những con số của năm 2019 đã lao dốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Dịch virus corona chủng mới và các biện pháp kiểm soát của chính phủ Trung Quốc khiến ngành du lịch tê liệt. Hàng chục hãng hàng không quốc tế như American Airlines và United Airlines đã hoãn các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi vẫn ổn ở Việt Nam"
Cuối tuần qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ra cảnh báo cấp độ 2 với Nhật Bản và Hàn Quốc. CDC khuyến cáo người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính nên hoãn các chuyến đi không cần thiết tới hai quốc gia này.
Theo New York Times, hai du khách Jenni Honkanen và Tobias Solvefjord cùng 39 tuổi, ở Skovde (Thụy Điển) - bay từ Hong Kong đến TP.HCM sáng ngày 19/2. Họ không biết có bị hạn chế đi lại hay không, nhưng không hề lo lắng.
"Chúng tôi biết đến nay Việt Nam mới chỉ có 16 ca nhiễm virus corona chủng mới. Con số này rất thấp so với 77.000 trường hợp ở Trung Quốc. Chúng tôi thà bị cách ly ở vùng nhiệt đới còn hơn là chịu đựng mùa đông ảm đạm tại Skovde”, bà Honkanen đùa.
“Chúng tôi sẽ ổn thôi. Tôi nghĩ Việt Nam cũng vẫn ổn, hi vọng là vậy”, bà Honkanen mói thêm.
Trong vài năm qua, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn du khách lớn nhất của Hội An. Bà Patricia Clegg, 64 tuổi, một người Pháp gốc Việt, cho biết hiện Hội An - một trong những điểm đến nổi tiếng nhất tại Việt Nam - không còn đông đúc như vài tuần trước.
Hội An vẫn thu hút du khách phương Tây, dù số lượng du khách châu Á giảm đi. Ảnh: Thanh Đức. |
"Tôi không còn thấy nhiều du khách châu Á, nhưng ở Hội An vẫn có nhiều du khách phương Tây", bà Clegg cho biết.
Trong khi đó, ở Kyoto (Nhật Bản), tháng 2 thường là thời điểm khách du lịch quốc tế - chủ yếu là người Trung Quốc - đổ xô đến để ngắm hoa mận nở. Năm 2018, du khách Trung Quốc chiếm 25% trong số 32 triệu lượt khách đến Nhật Bản.
Nhưng giờ các ngôi đền Chion và Nison vắng tanh ở Kyoto vắng tanh. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản kêu gọi công chúng tránh tập trung nơi đông người nếu không cần thiết.
Ở Hong Kong, người đứng đầu Tổng cục Du lịch Dane Cheng nhận định du lịch thành phố sẽ chịu cú sốc lớn hơn so với dịch SARS 17 năm trước. Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 2, chỉ khoảng 3.000 du khách đến thăm Hong Kong mỗi ngày.
Hi vọng dịch sẽ sớm trôi qua
Hồi tháng 1, Hong Kong đón trung bình 65.000 du khách/ngày. Con số này vốn đã bị giảm nhiều so với trước đây do bất ổn chính trị và kinh tế. Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm Covid-19.
Các địa điểm du lịch do chính quyền thành phố quản lý như Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong, công viên giải trí sinh vật biển Ocean Park và cáp treo Ngong Ping 360 đều bị đóng cửa.
Ông Tim Cheung, làm việc tại một nhà hàng ở Lan Quế Phường - khu phố đêm nổi tiếng ở Hong Kong - cho biết hoạt động kinh doanh bị giảm sút 70-80% kể từ Tết Nguyên Đán.
“Chúng tôi cơ bản không biết những gì sẽ xảy đến vào ngày mai. Có thể tôi sẽ bị thất nghiệp. Tôi sẽ cố gắng làm việc càng lâu càng tốt. Đa số người Hong Kong giờ đây đều như vậy”, ông thừa nhận.
Singapore, quốc gia ghi nhận 90 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, vừa công bố gói tài chính trị giá vài tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình, ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tại Jewel, một khu mua sắm quy mô lớn ở sân bay Changi, nhân viên làm việc còn đông hơn hành khách. Bên cạnh thác nước trong nhà Rain Vortex, hành khách có thể thoải mái chụp ảnh một mình mà không sợ bị chen lấn.
Số trường hợp nhiễm virus corona ở Nhật Bản đã lên đến 159 trường hợp. Ảnh: Reuters. |
Bà Jeanne Liu, chủ cửa hàng Rich & Good Cake Shop, tiết lộ doanh thu cửa hàng đã giảm 50%. “Mọi người đều rất chản nản và sợ hãi, họ không đến những nơi đông đúc nữa”, bà than vãn.
Hành khách Robert, 73 tuổi và Jane Murray, 70 tuổi, chuẩn bị bay từ Australia đến Ấn Độ để tham dự một đám cưới ở Singapore. “Dịch bệnh khiến chúng tôi muốn hủy chuyến. Nhưng chúng tôi đã liên lạc với bác sĩ, họ nói chúng tôi chỉ cần phòng ngừa cẩn thận, rửa tay rồi sẽ ổn”, ông Robert nói.
Sân bay ở Siem Reap (Campuchia) cũng vắng khách. Ông Arne Lugeon, 56 tuổi, chủ sở hữu của Sala Lodges, cho biết khách sạn đã không nhận được lượt đặt phòng mới trong vòng 3 tuần. “Tôi chỉ có thể hy vọng rằng dịch virus corona sẽ sớm được ngăn chặn”, ông than thở.
Tại Thái Lan, quốc gia thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc nhất ở Đông Nam Á, trung tâm thương mại Platinum Mall ở Bangkok trước đây thường tấp nập du khách. “Nhưng giờ đây, nó trông như một nghĩa trang”, Siriwan Saensuwan, một người bán quần áo 65 tuổi, kể lại. “Chẳng có ai đi lại cả”, bà buồn rầu nói.