Chiều 15/4, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ họp, quyết định về việc kéo dài thời gian cách ly xã hội để đảm bảo giải pháp chống dịch Covid-19.
Lần này, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch kiến nghị Thủ tướng phân loại và có giải pháp đối với địa phương theo từng nhóm nguy cơ.
Theo đó, Ban chỉ đạo quốc gia thống nhất chia các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.
Cụ thể, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
Trong nhóm này, Hà Nội hiện là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước với 115 ca. Đặc biệt, địa phương này đang có ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) có diễn biến phức tạp.
Hà Nội là một trong 12 địa phương được đánh giá là có nguy cơ cao về dịch Covid-19, đặc biệt khi nơi đây đang có thêm ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Việt Linh. |
Nhóm có nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.
Nhóm có nguy cơ thấp là 36 tỉnh còn lại, hầu hết là những địa phương chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Long, Trà Vinh, Điện Biên...
Việc phân chia địa phương theo các nhóm nguy cơ dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó gồm các yếu tố căn bản như:
- Có ca nhiễm đặc biệt là nhiễm mới trong cộng đồng;
- Có giao lưu trong ngoài tỉnh, đi lại, cảng hàng không;
- Có biên giới, nhiều người qua lại biên giới (đường bộ);
- Có nhiều người nước ngoài du lịch, cư trú 2 tháng qua;
- Có các khu công nghiệp, các nhà máy đông công nhân;
- Có mật độ dân số cao;
- Đáp ứng, triển khai nhanh cũng như việc thực hiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; năng lực của đội ngũ cán bộ và các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi.
Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu; việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ; việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng; việc tập trung đông người.
Nhưng tất cả các nhóm đều phải thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm: Hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 m; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Ngoài các giải pháp triển khai chống dịch ở địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia kiến nghị không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh; tiếp tục ngăn chặn các ca xâm nhập qua biên giới thông qua các biện pháp dừng, kiểm soát người nhập cảnh cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh trong vòng 14 ngày.
Đồng thời, tiếp tục đánh giá tác động và tăng cường theo dõi, giám sát ca bệnh triệt để thông qua truy vết và cách ly các trường hợp tiếp xúc vòng 1, tiếp xúc vòng 2, giám sát bệnh giống cúm và các trường hợp viêm phổi thông qua hiệu thuốc, khai báo y tế.
Kể từ 1 đến 14/4, Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới (chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng (chiếm gần 50% tổng số mắc).
Trong 14 ngày thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (1-3/4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhân số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày.
Đáng lưu ý, ghi nhận ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội với 12 trường hợp mắc (2 trường hợp được phát hiện trong khu vực khoanh vùng, cách ly tại thôn Hạ Lôi), dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông.