Khi Michael Kwan từ Hong Kong chuyển tới Mỹ vào năm 2012 để theo học đại học, bố mẹ anh đã hào phóng chu cấp cho Kwan một khoản tiền lớn cho chi phí sinh hoạt. Số tiền cao hơn nhiều lần so với những gì anh cần cho cuộc sống của mình tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign. Vì vậy, Kwan dùng số tiền thừa để mua một chiếc Cadillac Escalade với giá 80.000 USD.
Theo Kwan, việc sở hữu một chiếc ôtô lớn là để phù hợp với văn hóa Mỹ. Nhưng anh nhanh chóng nhận ra mình nằm trong nhóm sinh viên sở hữu ôtô đắt tiền nhất trong trường. Tất cả thành viên trong nhóm này đều là người đại lục Trung Quốc và lái những chiếc xe thể thao nhỏ hơn như Nissan GTGT-Rs và BMW M5s.
Vào cuối năm nhất, Michael Kwan đã bán chiếc Escalade để mua Maserati Quattroporte với giá 100.000 USD.
95% khách hàng của New York Auto Depot là các sinh viên du học Trung Quốc. Trong đó các xe có giá hơn 100.000 USD chiếm 20% lượng bán ra. Ảnh: Tom Starkweather. |
Những người bạn học Mỹ khác của Kwan đều tỏ ra khá ghen tị với anh. “Có rất nhiều bạn rất muốn ngồi lên chiếc xe của tôi” - anh nói.
Anh cho biết mình và các bạn người Trung Quốc khác đều giàu có và phô trương hơn nhiều so với người dân địa phương.
Những sinh viên du học như Kwan và các bạn người đại lục của anh được truyền thông Trung Quốc gọi là “phú nhị đại” (thế hệ giàu có thứ hai). Đây là nhóm những người trẻ Trung Quốc có lối sống xa xỉ và được thừa hưởng gia tài từ bố mẹ. Bố mẹ họ đều là những người rất thành công và giàu có, được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế kì diệu ở Trung Quốc trong suốt gần 3 thập kỷ qua. Truyền thông và công chúng tỏ ra khá bất bình trước sự ngạo mạn và chi tiêu phóng khoáng của họ.
Kinh tế tăng trưởng nhanh chóng đã khiến số lượng tỷ phú của Trung Quốc tăng đáng kể, nhất là trong hơn một thập kỷ qua. Rất nhiều người giàu Trung Quốc muốn chuyển gia đình và tài sản của mình tới các nước phương Tây, như Mỹ hay Canada. Bởi họ có thể tận hưởng môi trường trong sạch, thể chế luật pháp tốt và giáo dục hiệu quả. Đặc biệt là đối với những người chịu áp lực từ các cuộc kiểm tra của đảng và các chiến dịch chống tham nhũng, họ sẽ thoải mái tiêu xài ở nước ngoài hơn là trong nước.
Theo thống kê của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), trong năm học 2014 - 2015, hơn 304.000 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ, tăng 5 lần so với thập kỷ trước đó. Riêng Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc trong tổng số 440.000 sinh viên, trở thành một trong những đại học đông sinh viên Trung Quốc nhất nước Mỹ.
Thế hệ của những đại gia Gastby
Những sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ hay Canada được ví như những đại gia Gastby khi họ tiêu nhiều tiền vào những thứ đắt đỏ và xa xỉ, từ quần áo, ôtô cho đến đồ ăn. Họ dùng hàng hiệu để thể hiện đẳng cấp và vị thế xã hội khác biệt của mình.
Các tiểu thư giàu có Trung Quốc trong chương trình Ultra Rich Asian Girls of Vancouver. |
Tiền của các gia đình Trung Quốc thậm chí còn gây nên khủng hoảng giá nhà tại Vancouver, thành phố được biết đến với giá nhà ở đắt đỏ nhất ở Canada.
Theo Ủy ban Bất động sản Great Vancouver, giá nhà trung bình ở đây tăng gấp hai lần trong vòng 10 năm, rơi vào khoảng 1,2 triệu USD vào năm 2015. Cư dân Vancouver tỏ rất giận dữ khi nhiều người Trung Quốc mua nhà nhưng lại không ở. Họ còn lập chiến dịch phản đối trên Twitter với hashtag #DontHave1Million.
Tuy nhiên, giới giàu có Trung Quốc tại Vancouver vẫn không thay đổi, tiếp tục tậu thêm nhà và ôtô hạng sang. Bởi với họ, tiền không phải là vấn đề.
Nhiều sinh viên Mỹ xem những chiếc siêu xe như một món hàng đắt đỏ, còn đối với sinh viên Trung Quốc, họ coi đó là món hời hiếm gặp trong đời. Bởi thuế đánh vào ôtô nhập khẩu và hàng hóa xa xỉ ở Trung Quốc rất cao, nên những chiếc siêu xe thường có giá rẻ hơn một nửa tại nước ngoài.
Ngoài ra, ở đất nước Bắc Mỹ này, người ra ít khi thắc mắc về cách thức kiếm tiền của những người giàu.
Thuế quan cao ngất ngưởng đối với những hàng hóa cao cấp đã khiến một chiếc Ferrari 458 có giá bán lẻ 290.000 USD ở Boston, trong khi về tới Bắc Kinh, chiếc xe này có giá hơn 700.000 USD. Vì vậy, nhiều sinh viên Trung Quốc coi bốn năm đại học tại trời Tây là cơ hội để sở hữu một chiếc ôtô mơ ước, mua quần áo hàng hiệu và sống theo phong cách xa xỉ, sang trọng bậc nhất.
Ở Canada có câu lạc bộ ôtô Vancouver Dynamic bao gồm 440 thành viên, trong đó có đến 90% là người Trung Quốc. Người sáng lập của câu lạc bộ này, David Dai, cho biết để gia nhập, mỗi thành viên phải sở hữu một ôtô có giá hơn 100.000 đôla Canada (tương đương với 77.000 USD).
Nói về thế hệ giàu có thứ hai của Trung Quốc, David nhận xét: “Họ không làm việc mà đơn thuần chỉ tiêu xài tiền của bố mẹ mình”.
Năm 2014, một đoạn video được quay bởi Vocativ đã thu hút nhiều sự chú ý khi cho thấy một dàn siêu xe sở hữu bởi những sinh viên Trung Quốc tại California, Mỹ. Video được quay tại một bữa tiệc dành cho các chủ siêu xe, mà đa phần trong số họ là những sinh viên Trung Quốc. Những chiếc xe được lái đến bữa tiệc đều có giá hàng trăm nghìn USD. Hai chiếc Ferrari Californias (giá 200.000 USD) và Ferrari 458 Italias (giá 250.000 USD) được nhìn thấy nhiều nhất trong số một dàn các xe “khủng” khác.
Hầu như tất cả sinh viên được phỏng vấn đều trả lời có một chiếc xe riêng để đến trường và siêu xe xuất hiện trong buổi tối hôm đó không phải chiếc xe đắt tiền duy nhất mà họ có.
Vocativ cho biết những người trẻ này thực sự “đốt” tiền của bố mẹ. Mối quan tâm lớn nhất của họ không phải là thu xếp tiền để mua xe mới, mà là sẽ lái xe gì vào ngày mai.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên Trung Quốc khác cho rằng mua siêu xe không phải là cách tiêu tiền thông minh, bởi giá trị của chúng sẽ giảm theo thời gian. Diana Wang, sinh viên Đại học British Columbia, là một trong những người có cách nghĩ như vậy. “Dùng 500.000 USD để mua hai chiếc đồng hồ đắt tiền hay vài viên kim cương còn đáng giá hơn là ôtô”, cô nói.
Ngoài ra, cô cho biết mình sở hữu hơn 30 chiếc túi hiệu Chanel, và một chiếc đồng hồ Richard Mille đính kim cương có giá 200.000 USD.
Đại học vực dậy nhờ các du học sinh
Việc các sinh viên Trung Quốc du học tại nước ngoài cũng đã giúp các trường đại học ở đây vượt qua cơn khủng hoảng tài chính. Trong suốt cuộc suy thoái, phần lớn các trường đại học công tại miền trung nước Mỹ đã tăng cường tuyển du học sinh quốc tế với học phí nhiều hơn so với các sinh viên Mỹ khác.
Đại học Iowa, đã tăng từ dưới 600 sinh viên Trung Quốc vào năm 2007, lên gần 3.000 sinh viên vào năm 2016. Sự thay đổi này đã mang lại nhiều thay đổi và gây xôn xao khắp nước Mỹ, nhất là hình ảnh dàn siêu xe trong bãi đỗ xe của trường.
Tom Snee, nhân viên thuộc Dịch vụ tin tức Đại học Iowa, cho biết: “Đây thực sự là câu chuyện về phát triển kinh tế”. Ông nói, 8 trong số 10 nhà hàng gần văn phòng của ông phục vụ đồ ăn Trung Quốc. Trước đây chỉ có một quán Starbucks trong thị trấn nhưng giờ đã có thêm 3 quán trà sữa khác được mở ra. Trong khi đó, các đại lý ôtô đều báo cáo lượng khách hàng tăng nhanh chóng, chủ yếu là các du học sinh quốc tế, theo thông tin từ Hiệp hội Đại lý ôtô Iowa.
Cậu ấm cô chiêu và những mặt tối
Theo thống kê, giới giàu có của Trung Quốc chỉ chiếm 1% dân số nước này. Tuy hình ảnh cuộc sống xa hoa của các “cậu ấm, cô chiêu” cho thấy sức tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc. Nhưng nó cũng phản ánh khoảng cách giàu nghèo gia tăng khi vẫn có hơn 43 triệu người sống ở mức nghèo đói (với thu nhập dưới 340 USD/năm) ở Trung Quốc vào năm 2016. Phần lớn trong số họ không có khả năng lao động, là những người tàn tật, già yếu, nằm trong cảnh đói nghèo cùng cực.
Chú chó của con trai tỷ phú Vương Kiện Lâm được đeo hai chiếc đồng hồ Apple ở chân. |
Đến nay, đói nghèo hiện vẫn là thách thức đối với Trung Quốc. Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình hiện vẫn tập trung chính sách và tham vọng xóa sạch nghèo đói trước năm 2020. Trong khi những thanh niên Trung Quốc đang sống trong nhung lụa, “vung” tiền phung phí mỗi ngày, thì hàng triệu người dân ở quê hương đang vật lộn để duy trì cuộc sống.
Ngoài ra, đối với nhiều người Trung Quốc, “phú nhị đại” tượng trưng cho một thế hệ đánh mất những giá trị cốt lõi của dân tộc: chăm chỉ, khiêm nhường và kín đáo. Họ chỉ trích những người trẻ này đang quá hưởng thụ mà không làm việc. Họ được coi như những tấm gương xấu sẽ gây ảnh hưởng tới tiêu chuẩn đạo đức của người Trung Hoa.
Truyền thông đã nhiều lần chứng kiến sự ngông cuồng của các cậu ấm, cô chiêu, và tỏ ra vô cùng giận dữ trước những hành động này. Điển hình là vào năm 2015, khi cậu con trai duy nhất của tỷ phú Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã đeo hai chiếc đồng hồ Apple vào chân của một chú chó cưng trong nhà. Hình ảnh này ngay lập tức đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ.
Hay câu chuyện khác về con trai của một quan chức địa phương, đã dùng danh tiếng của cha mình để được thoát tù tội sau khi đâm chết hai sinh viên trong một vụ tai nạn ôtô.
Hoặc câu chuyện hồi năm 2011, khi cảnh sát đã bắt một đoàn 13 chiếc siêu xe Lamborghinis, Maseratis và xe “khủng” khác, vì tội đua xe trên đường cao tốc của Vancouver với tốc độ 200 km/giờ. Người lái xe đều là thành viên của câu lạc bộ siêu xe Trung Quốc và không ai trong số họ trên 21 tuổi.
Sự thác loạn của những người trẻ Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Ngay cả ông Tập cũng bày tỏ quan tâm, và đưa ra giải pháp “hướng dẫn thế hệ trẻ về sở hữu doanh nghiệp tư nhân, giúp họ nhận ra tiền được kiếm ra sao và sống một cuộc sống tích cực”. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc gần đây đã tổ chức một chương trình giáo dục dành cho 70 thanh niên trẻ là con của các tỷ phú. Trước đó, những người này đã được tham gia một khóa học về các giá trị truyền thống Trung Quốc và trách nhiệm xã hội.