Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có lợi nhuận gộp trong quý III/2013 đạt 657 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm tập đoàn này lãi gần 1.500 tỷ đồng, tăng gần 80% so với 3 quý đầu năm 2012 và hoàn thành vượt khoảng 27% so với kế hoạch cả năm.
Thông tin HPG hoạt động tốt trong suốt những tháng từ đầu năm tới nay khá bất ngờ với giới đầu tư bởi lĩnh vực mà DN hoạt động là sản xuất thép, vật liệu xây dựng và một phần liên quan tới BĐS vốn đang chìm ngập trong khó khăn do thị trường trầm lắng, hàng hóa khó tiêu thụ.
Trước đó, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niêm 2013, nhiều NĐT lo ngại kế hoạch lợi nhuận lên tới 1.200 tỷ đồng của HPG là quá cao. Tuy nhiên, thực tế kế quả kinh doanh trong 9 tháng qua đã chứng minh điều ngược lại. Không những thế, HPG còn dự kiến trong năm 2013 công ty sẽ đạt lợi nhuận khoảng từ 1.700 đến 1.800 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra trước đó từ 40 đến 50%.
Không kém HPG, Vinamilk (VNM) trong quý III và 9 tháng đầu năm 2013 có doanh thu tăng trên 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của DN này cũng đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng gần 21,1% so với cùng kỳ - một con số tăng trưởng đầy ấn tượng.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vinamilk đạt trên 5.060 tỷ đồng, tăng 21,4% và có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu đạt 6.076 đồng, thuộc hàng cao nhất trên TTCK, bất kể DN lớn nhỏ.
Tất nhiên, lãi lớn VNM cũng chia cổ tức khủng. Tổng số tiền DN này chia cho cổ đông trong 9 tháng qua cũng lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và là một điểm sáng trên TTCK Việt Nam.
Ông lớn Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dù vay nợ nhiều và ở trong một ngành điện đầy phức tạp cũng chứng kiến lợi nhuận sau thuế quý III/2013 đột phá so với cùng kỳ cho dù quý này phải ghi nhận âm hơn 46 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá (đồng Yen Nhật). Lũy kế 9 tháng, PPC có lợi nhuận sau thuế gần 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 18,9 lần so với cùng kỳ.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của doanh nhân phật tử Lê Phước Vũ cũng ước tính lợi nhuận luỹ kế 12 tháng niên độ tài chính 2012-2013 đạt 580 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch 400 tỷ đồng cả niên độ.
Các DN lớn khác như GAS, DPM, PVD, REE, PGS, KDC, CSM, VIC, HAG… đều có kết quả kinh doanh 6 tháng tốt và được dự báo sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2013.
Với PVD, theo đánh giá của CTCK VCBS, DN này sẽ đạt khoảng gần 1.800 tỷ đồng lãi ròng, tăng khoảng 32% so với kế hoạch năm.
Bí quyết vượt bóng đen khủng hoảng
Không chỉ các ông lớn, có khá nhiều DN vừa và nhỏ cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2013. Những quyết định thoái vốn khỏi đa ngành, giảm bớt nợ nần, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi cũng như chi phí tài chính giảm là các nguyên nhân mang đến sự tích cực cho đơn vị này.
Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) là một ví dụ. DN quy mô vốn hơn 110 tỷ đồng này riêng trong quý III/2013 lãi sau thuế hơn 22,3 tỷ đồng, tăng 126% và lũy kế 9 tháng lãi hơn 70 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và vượt 33% kế hoạch năm được giao.
Cũng như RAL, nhiều DN khác đã vượt kế hoạch kinh doanh ngoạn mục chỉ trong 9 tháng đầu năm nhờ vào việc giảm các loại chi phí (trong đó có lãi vay), biên lãi gộp tăng mạnh như: Thủy điện Thác Bà (TBC), Sông Đà 505 (S55), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Bột giặt NET (NET), Đường Ninh Hòa (NHS), Vận tải Dầu khí (mã PVT)…
Không chỉ có lãi tăng nhờ giảm chi phí, nhiều DN còn chứng kiến doanh thu tăng khá như trong trường hợp Nước giải khát Chương Dương SCD (doanh thu 9 tháng tăng 32% so với cùng kỳ), PVT (quý III tăng 24%), Casumina (CSM), RAL (quý III tăng 12%), KMR (quý III tăng 20%)… Và một số DN chứng kiến hoàn nhập dự phòng như: HPG (264 tỷ vụ bầu Kiên), KMR (thu được một khoản nợ khó đòi), SBS (hoàn nhập 65 tỷ trong quý III).
Ba trường hợp VNM, HSG và HPG, các DN này đều có sự phát triển tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình (riêng HPG có sang BĐS nhưng cũng đã sắp chốt lại xong dự án này). Không chỉ tập trung mở rộng thị phần trong nước, các đơn vị này khá chú trọng tới thị trường nước ngoài. Doanh thu tăng là một yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận của các DN này tăng.
Một số DN thậm chí thoát cửa tử, từ kế hoạch lỗ chuyển sang lãi lớn nhờ thoái vốn ở một số dự án và DN như trường hợp Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG). Trong 9 tháng qua, VHG đã thanh lý cổ phiếu các công ty Nhựa Kim Tín và VLXD Việt Hàn và ghi nhận lãi ròng 75,5 tỷ đồng (so với mức lỗ 21,8 tỷ cùng kỳ). Cùng với quyết định chuyển hướng mới cách đây vài tháng, VHG đã thay đổi hoàn toàn cục diện tình hình hoạt động kinh doanh. DN này quyết tâm “bám sàn” chứng khoán, thay vì chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu trước đó.
Gần đây cũng có khá nhiều DN thực hiện việc thoái vốn để tái cấu trúc DN như: Vinaconex (vừa bán Xi măng Cẩm Phả cho Viettel), Sacom bán cổ phiếu HPG, SD5 thoái vốn tại S55…
Bên cạnh những DN lãi lớn, vượt kế hoạch năm nhờ tập trung vào thế mạnh, cắt giảm chi phí và thoát khỏi đa ngành, cũng có một số DN vượt lên trên khủng hoảng nhờ có yếu tố độc quyền như một số đơn vị hoạt động trong ngành dầu khí, khí gas như PVD, PGS và GAS.