Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cựu tù quyết ở lại chốn 'địa ngục trần gian'

May mắn sống sót sau những năm tháng tù đày, một số cựu tù kháng chiến quyết định ở lại mảnh đất Côn Đảo.

Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975, tại Côn Đảo, những tướng lĩnh đầu sỏ ở phe địch đều bỏ chạy. 1h sáng 1/5/1975, Đảng ủy Côn Đảo phát lệnh nổi dậy đồng loạt, đến 9h, toàn bộ Côn Đảo được giải phóng.

Ngày 4/5/1975, quân giải phóng tiếp quản Côn Đảo. Uỷ ban Quân quản được thành lập, lực lượng tù chính trị giải phóng được tổ chức thành “Đoàn chiến sĩ chiến thắng".

Trong số những cựu tù Côn Đảo, 157 người đã tình nguyện ở lại. Đây chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng chính quyền Côn Đảo trong những ngày đầu giải phóng. Hiện nay còn 5 cựu tù chính trị đang sinh sống trên mảnh đất anh hùng này.

Nữ cựu tù kháng chiến Côn Đảo Nguyễn Thị Ny thăm lại nhà tù nơi từng giam giữ bà và các đồng đội. Bà là một trong những cựu tù đang sống ở Côn Đảo.
Nữ cựu tù kháng chiến Côn Đảo Nguyễn Thị Ny thăm lại nhà tù nơi từng giam giữ bà và các đồng đội. Bà là một trong những người đang sống ở Côn Đảo sau những năm tháng chịu giam cầm ở "địa ngục trần gian".

"Tầng địa ngục thứ 10"

“Bà Tư” là tên gọi thường ngày của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ny, năm nay 76 tuổi. Bà bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1959 ở quê nhà là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nhiệm vụ đầu tiên của bà là quyên góp, tạo lập cơ sở cho các chiến sĩ hoạt động cách mạng. Bà bị địch bắt vào đầu tháng 6/1971 trong một lần làm nhiệm vụ. “Bản thân tôi xác định, nếu chẳng may rơi vào tay địch thì phải cắn răng chịu đựng kiên quyết không khai”.

“Chúng bắt, tra khảo, rồi đánh đập đủ kiểu. Sau thời gian dài không khai thác được gì, chúng chuyển tôi đến nhà giam ở Thủ Đức, nhà giam Tân Hiệp (Đồng Nai, một trong những nhà tù lớn nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hoà bấy giờ - PV), rồi cuối cùng đưa ra Côn Đảo vào khoảng tháng 9. Cùng với tôi là 36 chị em khác”, bà Tư kể lại.

Bà Tư nói, nếu như có câu "Chín tầng địa ngục" thì nhà tù Côn Đảo là "tầng địa ngục thứ 10". Phòng 6 là buồng giam tập thể đầu tiên của bà Tư khi bị đưa đến nhà tù Phú Hải. Đây được coi là “trại chết điển hình" vì các chiến sĩ hy sinh nhiều nhất so với các buồng còn lại.

Ngoài đánh đập, cai ngục cũng nghĩ ra nhiều hình thức để đàn áp tinh thần người tù. Lợi dụng đặc điểm sinh lý phụ nữ, một trong những hình thức đày ải là hạn chế thời gian tắm. Có lúc một tuần chỉ được tắm và giặt một lần, mỗi lần khoảng 15 phút. Chúng còn đâm thủng lỗ thùng, khiến cho việc xách nước mất công sức mà không lấy được bao nhiêu.

Nữ cựu tù kháng chiến Côn Đảo kể về những ngày tù đày Bà Nguyễn Thị Ny, một trong những người tù Côn Đảo, nói tinh thần chiến đấu của những người tù luôn sôi sục dù chịu nhiều tra tấn của địch và hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

Trong những năm tháng tù đày, có thời điểm bà Tư và đồng đội tiễn biệt đến 3 người chỉ trong 10 ngày. Cuộc sống nhà giam khắc nghiệt, bị đánh đập, tra tấn mà lại không được ăn uống đầy đủ, thêm bệnh tật nên nhiều người mất sớm, không kịp chờ đến ngày giải phóng.

Bản thân bà cũng phải chịu nhiều đòn roi tra tấn tàn khốc của cai tù. Trong một lần tra tấn dữ dội nhất, lính địch cảnh báo nếu không khai báo thì sẽ đánh cho đến mức không thể sinh con được. Và bọn địch thực sự không hề nương tay, “chúng đánh vào những chỗ hiểm, tuy không làm tôi chết nhưng tôi cũng mất thiên chức làm mẹ”.

“Tôi luôn tự nhủ với bản thân, dù không thể sinh con cũng dứt khoát không khai hay đầu hàng địch. Bởi vì nếu đầu hàng thì sau này không bao giờ có thể trở về với nhân dân, với mẹ hiền, trở về với Đảng được nữa”, bà Tư kể lại.

Tình cảm với đồng đội đã hy sinh

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các bên thực hiện trao trả tù binh. Tuy nhiên, ban quản lý nhà tù Côn Đảo cố tình tìm mọi cách kéo dài việc thả người tù kháng chiến. Mãi đến tháng 3/1974, bà cùng các chiến sĩ mới được trao trả và đưa về đất liền.

Ban đầu, bà về xã Tân Thới Nhất ở huyện Hóc Môn học thêm văn hoá và chính trị. Chính quyền phân công bà làm trại phó trại chăn nuôi huyện Hóc Môn.

Những ký ức về chốn lao tù và tình cảm sống chết có nhau giữa những đồng đội là điều khiến bà Nguyễn Thị Ny quyết chọn Côn Đảo làm quê hương thứ 2. Ảnh: Tấn Khoa
Bà Nguyễn Thị Ny thăm một xà lim trong trại giam Phú Hải.

Trong những ngày vừa công tác vừa học bổ túc chính trị, bà gặp gỡ và quen biết với ông Tư Hoàng, khi đó đang là Phó bí thư Huyện uỷ Côn Đảo và đã qua một đời vợ. Hai ông bà tổ chức kết hôn vào tháng 3/1983. Đến năm 1984, ông đưa vợ cùng ra đảo công tác, sinh sống.

Đối với những người cựu tù Côn Đảo, ký ức về những ngày tháng gian khổ trong nhà giam và những tình cảm dành cho đồng đội đã vào sinh ra tử cùng nhau là điều không thể nào quên. Ngoài ý chí muốn đóng góp xây dựng huyện Côn Đảo, một lý do quan trọng khiến bà Tư đồng ý ra đảo cùng chồng chính là tình cảm dành cho những đồng đội đã hy sinh. 

“Tôi tự nhủ rằng, mình chuyển ra đảo là để tới thăm các chị đã hy sinh thường xuyên hơn, chứ nếu ở trong đất liền, xa xôi và đi lại khó khăn thì không biết có thể ra thăm được bao nhiêu lần”.

"Những ký ức về chốn lao tù và tình cảm sống chết có nhau giữa những đồng đội là điều khiến bà Nguyễn Thị Ny quyết chọn Côn Đảo làm quê hương thứ hai.

Quyết tâm là vậy, nhưng bà Tư cũng tâm sự: “Hồi mới ra, tôi nhớ nhà, nhớ má lắm. Nhiều đêm nhớ mà ngủ không được”.

Những ngày đầu ở đảo, bà Tư được phân công làm Phó chủ tịch Liên đoàn lao động huyện. Do neo người nên bà phải kiêm thêm nhiều việc khác. Năm 1988, chính quyền có ý muốn đưa bà về đất liền công tác, chồng cũng khuyến khích vợ về làm việc ở Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng bà Tư kiên quyết không đồng ý. “Tôi khóc lóc, làm dữ lắm. Tôi nói là mình sống ở đây quen rồi, chuyển vào đất liền thì không còn được gặp lại những bạn tù, khó có dịp thăm nom các đồng chí đã hy sinh. Rồi ông ấy cũng phải chịu. Thế là hai vợ chồng tiếp tục công tác ở đảo rồi nghỉ hưu đến giờ”.

Tuy không thể sinh con nhưng bà Tư nói rằng tình cảm gia đình luôn trọn vẹn. Con riêng của ông Tư với người vợ đầu cũng yêu thương bà. "Các con vẫn gọi tui là mẹ, mỗi ngày qua phụ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… Bây giờ tôi đang chờ đến đám cưới của đứa cháu ngoại. Tôi nói với hai đứa là, tụi bây ráng cưới sớm sớm để bà còn sống mà được chung vui”.

Kỳ sau: Ông Phan Hoàng Oanh, người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và đưa vào nhà tù Côn Đảo khi con còn trong bụng vợ. Ngày trao trả tù binh, ông may mắn sống sót để trở về nhà. Nhưng con gái khăng khăng không nhận cha.

Cảnh Toàn

Video: Thiên Bảo - Ảnh: Tấn Khoa

Bạn có thể quan tâm