Những cựu sinh viên Cambridge nổi tiếng thế giới
Đại học Cambridge (Anh) được xem là cái nôi đào tạo nhân tài, với các cựu sinh viên nổi tiếng như nhà khoa học thiên tài Isaac Newton, Charles Darwin hay cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
>>Những cựu sinh viên Harvard lừng danh thế giới
Đại học Cambridge là một viện đại học tại thành phố Cambridge, Anh, gồm 31 trường thành viên và là viện đại học lâu đời thứ 2 ở các quốc gia nói tiếng Anh, sau Đại học Oxford. Cambridge là đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và là niềm mơ ước của sinh viên trên toàn thế giới.
Theo kết quả đánh giá của QS World University Rankings 2011/2012, một trong những bảng xếp hạng thường niên uy tín nhất thế giới về các trường đại học, Cambridge vẫn là trường có chất lượng đứng đầu thế giới, trên cả Đại học Harvard, MIT và Yale của Mỹ, những trường xếp ở vị trí thứ 2, 3, 4. Một trường đại học danh tiếng khác của Anh là Oxford đứng ở vị trí thứ 5.
Những thế hệ sinh viên đã được đào tạo tại Đại học Cambridge thành công trên rất nhiều lĩnh vực. Dưới đây là những cựu sinh viên tiêu biểu nổi tiếng thế giới và cũng góp phần làm rạng danh thêm cho Đại học Cambridge.
Isaac Newton
Isaac Newton (25/12/1642 - 20/3/1727) là một nhà vật lý học, thiên văn học, toán học, thần học nổi tiếng người Anh. Người ta biết đến ông nhiều nhất qua định luật vạn vật hấp dẫn và các định luật Newton. Những phát hiện của ông được coi là nền tảng cơ học cổ điển thống trị các quan niệm về vật lý, khoa học trong suốt 3 thế kỷ sau.
Isaac Newton sinh ra ở một vùng nông thôn thuộc Woolsthorpe, Anh. May mắn cho nhân loại là ông được gia đình cho học ở trường Trinity, thuộc Đại học Cambridge, cái nôi giúp cho ông có những cống hiến và ảnh hưởng lớn đến thế giới sau này. Ban đầu, ông định theo học ngành luật sư, nhưng sau đó đã bị hút hồn bởi toán học của Descartes, thiên văn học của Galileo và cả quang học của Kepler. Sau khi tốt nghiệp, ông đã có thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Cambridge.
Với những thành tựu khoa học mà ông đã để lại cho đời, năm 2005, trong một cuộc thăm dò ý kiến của Hội hoàng gia về nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học thế giới, Newton được cho rằng có nhiều ảnh hưởng hơn cả Albert Einstein.
Charles Darwin
Charles Darwin (12/2/1809 - 19/4/1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tự nhiên. Ông chính là cha đẻ của thuyết tiến hóa, trong đó đã chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ tổ tiên chúng qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Khám phá của Darwin là lý thuyết thống nhất cho các ngành khoa học sinh vật, vì có thể đưa ra lời giải thích cho sự đa dạng của các loài.
Thiên tài Darwin đã có thời gian học tại Đại học Edinburgh. Sau đó, ông tiếp tục theo học ở Đại học Cambridge, nơi rất khuyến khích sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học. Ông đã có nhiều cuốn sách nổi tiếng như Nguồn gốc muôn loài, Dòng dõi của con người, Quá trình chọn lọc liên quan đến giới tính…
Để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của nhà khoa học Darwin với thế giới, khi ông qua đời, đám tang của ông đã được cử hành theo nghi lễ quốc tang, thi hài được chôn ở Tu viện Westminter, cạnh ngôi mộ của Isaac Newton.
Thái tử Anh Charles
Thái tử Charles sinh ngày 14/11/1948, là con trai trưởng của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, là người sẽ kế vị ngai vàng của Nữ hoàng Elizabeth II.
Thái tử Charles nổi tiếng nhờ những việc làm từ thiện ở nhiều nơi trên thế giới, và ngày càng đảm đương nhiều việc do Nữ hoàng giao phó. Tuy nhiên, đời sống cá nhân của vị vua tương lai này cũng là chủ đề đàm tiếu của nhiều tờ báo, nhất là trong cuộc hôn nhân với công nương quá cố Diana và cuộc hôn nhân hiện tại với công nương Camilla Parker.
Thái tử Charles đã từng học trường Trinity thuộc Đại học Cambridge.
Lý Quang Diệu - Cựu thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923, là thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore. Ông đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990. Mặc dù hiện giờ không còn là thủ tướng của quốc đảo này, nhưng ông vẫn được coi là chính khách có ảnh hưởng nhất ở đất nước Singapore. Hiện ông đang giữ chức Bộ trưởng cố vấn cho chính phủ do con trai ông là Lý Hiển Long lãnh đạo. Lý Hiển Long là người thứ 2 trong gia tộc họ Lý đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singapore và là thủ tướng thứ 3 của đất nước này.
Lý Quang Diệu đã từng học ngành luật tại trường Đại học Fitzwilliam, thuộc Đại học Cambridge. Qua hơn 30 năm cầm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới, mặc dù đây chỉ là một quốc đảo nhỏ bé. Ông nhận được rất nhiều sự kính trọng và yêu mến của người dân Singapore.
Cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung
Kim Dae-jung (3/12/1925 - 18/8/2009) là cựu tổng thống của Hàn Quốc. Ông đảm nhiệm chức vụ tổng thống Hàn Quốc từ 25/2/1998 đến 25/2/2003. Ông là vị tổng thống được người dân Hàn Quốc yêu mến, từng giành giải Nobel hòa bình vì sự nghiệp thúc đẩy dân chủ và quyền con người ở Hàn Quốc, đặc biệt là nối lại hòa bình với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Khi còn đương nhiệm, ông đã thực hiện chính sách giảm bớt quyền lực của các tập đoàn sở hữu gia đình đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Ông được khen ngợi vì đã lèo lái con thuyền kinh tế của Hàn Quốc thoát khỏi cơn khủng hoảng. Ông qua đời ngày 18/8/2009 trong sự tiếc thương của người dân Hàn Quốc.
Manmohan Singh - Đương kim thủ tướng Ấn Độ
Manmohan Singh sinh ngày 26/9/1932, là thủ tướng thứ 17 của Ấn Độ. Ông là người theo đạo Sikh đầu tiên giữ chức vụ thủ tướng của đát nước này. Trước đó, ông Singh đã từng làm Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ từ năm 1982 đến 1985, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ từ năm 1991 đến 1996.
Manmohan Singh có kiến thức sâu rộng về kinh tế, từng tốt nghiệp trường Punjab, Đại học Cambridge. Ông được người dân Ấn Độ yêu mến và được coi là vị kiến trúc sư trưởng của các cải cách kinh tế ở đất nước đông dân hàng đầu thế giới này. Ông Singh trở thành thủ tướng Ấn Độ từ năm 2004 và được bổ nhiệm liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ.
Nhà kinh tế học John Keynes
John Keynes (5/6/1883 - 21/4/1946) là một nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh. Thừa hưởng gen của bố là giảng viên Đại học Cambridge, mẹ là một tác giả và nhà cải cách xã hội nên ông bộc lộ tài năng từ nhỏ. Năm 1902, ông vào Đại học Cambridge để nghiên cứu toán học, nhưng sau đó lại rất quan tâm đến kinh tế học. Niềm đam mê cộng với môi trường giáo dục tốt tại Đại học Cambridge đã đưa ông đến với kinh tế học. Ông chính là người sau đó đã hình thành nên Kinh tế học Keynes - học thuyết có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại, chính trị cũng như những chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Hệ lý luận của ông trở thành căn cứ cho những chính sách kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa. Ông được xem là vị cứu tinh của chủ nghĩa tư bản.
Ông hoàng vật lý Stephen Hawking
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942, là một nhà vật lý nổi tiếng người Anh. Ông được coi là ông hoàng của vật lý lý thuyết của thế giới. Hiện ông là giáo sư Lucasian, chức danh danh dự dành cho giáo sư toán học của Đại học Cambridge. Trước đây, nhà khoa học xuất chúng Isaac Newton đã từng đảm nhiệm chức danh này. Ông được coi là một trong những nhà vật lý, toán học có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, và được thế giới biết đến với các công trình nghiên cứu về các lỗ đen vũ trụ.
Mặc dù sớm bị mắc bệnh xơ cứng teo cơ, khiến ông gần như bị liệt hoàn toàn, nhưng điều đó không cản trở niềm đam mê khoa học của ông hoàng vật lý Hawking. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Cambridge, nơi ông đã từng học.
Căn bệnh xơ cứng teo cơ đã gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt của ông. Ông không còn khả năng nói chuyện bình thường, mà chỉ có thể nói được qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với máy tính mà ông gõ chữ vào đó. Cuộc sống của ông gắn chặt với chiếc xe lăn, nhưng ông vẫn làm việc, vẫn nghiên cứu và là niềm ngưỡng mộ của bao người yêu khoa học.
đỗ quyên
Theo Bưu Điện Việt Nam