Căn phòng khóa - Emma Donoghue
Cuốn sách Căn phòng khóa lấy cảm hứng từ vụ án Josef Fritzl năm 2008. |
Căn phòng khóa lấy cảm hứng từ câu chuyện gây chấn động thế giới năm 2008 về một người đàn ông Áo là Josef Fritzl đã bắt cóc và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm ròng. Hắn đã giam cầm cô và 7 đứa con nhỏ trong một căn hầm tối tăm. Năm 2010, bộ phim tài liệu phỏng vấn người thân, bác sĩ và các nạn nhân của Fritzl đã ra mắt mang tựa đề Josef Fritzl: Story of a Monster.
Cuốn sách của Emma Donoghue kể về cậu bé 5 tuổi Jack được sinh ra và lớn lên trong một căm phòng khóa kín cùng với người mẹ. Tình mẫu tử, giấc mơ trốn thoát và lòng dũng cảm chính là chìa khóa đã giúp Jack và mẹ thoát khỏi căn phòng đáng sợ đó.
Năm 2015, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên được đề cử 3 hạnh mục Oscar bao gồm cả Bộ phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Cuối cùng, Căn phòng khóa đã mang lại tượng vàng danh giá cho nữ diễn viên Brie Larson cho Nữ viễn viên chính xuất sắc nhất.
Cô gái mất tích - Gillian Fynn
Cô gái mất tích của Gillian Fynn có liên quan đến vụ án Scott và Laci Peterson. |
Scott Peterson là một người Mỹ trung lưu bị buộc tội giết vợ mình là Laci sau khi đã báo cảnh sát về vụ mất tích của người vợ vào đêm Giáng sinh năm 2002. Laci đang mang thai đứa con đầu lòng, còn Scott lại bị phát hiện đã lừa dối vợ và ngoại tình với bác sĩ tâm lý của mình. Phải đến tháng 4/2003, cảnh sát mới phát hiện được thi thể của Laci cách căn nhà cô từng sống khoảng 90 dặm.
Cô gái mất tích cũng có nhiều điểm tương đồng với vụ án, dù Gillian Fynn khẳng định cuốn sách của mình không hoàn toàn dựa trên sự kiện đó. Anh chồng Nick cũng đã bị buộc tội giết người vợ xinh đẹp Amy khi báo chí phát hiện ra tình nhân của anh. Tuy nhiên, Cô gái mất tích có nhiều điểm khác biệt khi tập trung khai thác tâm lý của các tuyến nhân vật, và đương nhiên, người vợ Amy cũng không hề bị giết.
Năm 2014, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim với sự tham gia của các diễn viên Ben Affleck và Rosamund Pike. Bộ phim gặt hái được nhiều thành công nhưng lại kém may mắn với giải Oscar.
Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông - Agatha Christie
Agatha Christe viết Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông khi vụ án bắt cóc nổi tiếng năm 1932 gây chấn động nước Mỹ. |
Tác phẩm nổi tiếng của nữ hoàng trinh thám Agatha Christie được khai thác dựa trên một vụ bắt cóc trẻ em có thật vào năm 1932. Cậu bé Charles Augustus Lindbergh, 20 tháng tuổi, con trai của một phi hành gia nổi tiếng đã bị bắt cóc và giết hại. Sự việc dấy lên sự kích động giữa những bậc phụ huynh có con nhỏ, đồng thời dồn ép gánh nặng lên cảnh sát để tìm ra hung thủ.
Trong khi đó, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông kể về hành khách Ratchett bị giết hại dã man trên con tàu tốc hành cùng 12 vị khách bí ẩn. Với suy luận sắc bén, thám tử Poirot đã giải quyết vụ án thành công, liên hệ với một vụ bắt cóc có liên quan mật thiết đến nguyên nhân cái chết của vị khách xấu số.
Năm 2017, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông một lần nữa được dựng thành phim, sau thành công của bản chuyển thể năm 1974. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên Johnny Depp, Daisy Ridle, Michelle Pleiffer,...
Triệu phú khu ổ chuột - Vikas Swarup
Triệu phú khu ổ chuột được sáng tác nhờ vào một vụ bê bối truyền hình vào năm 2001. |
Năm 2001, một cựu chiến binh người Anh, Charles Ingram bị buộc tội gian lận khi đã giành chiến thắng trong chương trình Who wants to be a Millionaire? (Ai là triệu phú?). Sự kiện này đã tạo cảm hứng cho Vikas Swarup viết tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột.
“Nếu một cựu chiến binh Anh còn có thể bị buộc tội gian lận, thì một cậu bé phục vụ bàn ở khu ổ chuột lớn nhất thế giới chắc chắn cũng sẽ bị nghi ngờ gian lận.”
Triệu phú khu ổ chuột kể về Ram Mohammad Thomas đã sử dụng kiến thức đến từ những sự kiện đời sống chứ không qua sách vở để chiến thắng chương trình Who will win a billion? của Ấn Độ. Nhưng không ai tin được một cậu bé nghèo khổ tại khu ổ chuột lại có thể trả lời hết được toàn bộ câu hỏi trong game show, vậy nên anh đã bị bắt vì tội gian lận dù cảnh sát hoàn toàn không có bằng chứng. Từ đây Ram Mohammad kể lại câu chuyện cuộc đời gắn liền với các câu hỏi để chứng minh sự trong sạch của mình.
Năm 2008, bộ phim Triệu phú khu ổ chuột dựng từ nguyên tác của cuốn sách đã giành được giải 8 Oscar bao gồm cả hạng mục Bộ phim xuất sắc nhất của năm.
Giết con chim nhại - Harper Lee
Giết con chim nhại được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật do Harper Lee quan sát được khi còn nhỏ. |
Cuốn sách của Harper Lee có nhiều sự trùng hợp với các sự kiện xảy ra thời thơ ấu của bà tài vùng Alabama. Cha của bà, Amasa Coleman Lee, là một luật sư giống như nhân vật Atticus Finch. Vào năm 1919, ông bảo vệ cho hai bị cáo người da đen bị nghi ngờ giết người. Hai người này sau đó bị buộc tội, bị treo cổ và bị bôi nhọ; ông không tham gia vào vụ án nào nữa.
Nhân vật Dill trong truyện cũng được lấy hình ảnh từ người bạn thuở ấu thơ, Truman Capote, người mà sau này Lee đã đi cùng để điều tra vụ án mạng tại Kansas trong cuốn sách Máu lạnh của ông.
Giết con chim nhại là bài học cuộc đời mà anh em Jean Louise và Jem đã học được từ chính cha và những người hàng xóm của mình. Cuốn sách đề cao lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự thức tỉnh lương tâm con người trong thời đại rối ren tại miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ.
Cuốn sách đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu vào năm 1961 và được dựng thành phim năm 1962. Năm 2015, Harper Lee cho ra mắt cuốn sách Hãy đi đặt người canh gác, được xem như phần 2 của Giết con chim nhại đã ra đời hơn nửa thập kỷ trước.