Những tình tiết trong văn học dân gian đã trở thành chất liệu để các nhà văn Việt khai thác hiệu quả trong tác phẩm của mình.
Vàng và máu
Vàng và máu là cuốn sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách là tập hợp một số truyện ngắn ly kỳ khác của Thế Lữ.
Bìa sách Vàng và máu. Nguồn ảnh: NN. |
Ở Vàng và máu, câu chuyện xoay quanh hành trình đi tìm nơi chôn giấu vàng của người Hoa. Nơi được cho là cất chứa kho báu chính là ngọn núi Văn Dú, ngọn núi luôn mang một vẻ u uẩn, "mù mù lam tím nhô lên trên những hàng rừng xanh chi chít um tùm".
Người Thổ coi Núi Văn Dú như một sinh vật có linh hồn, khó tính, khó chiều, có quyền năng quyết định số phận của con người nơi đây.
Không ít người phải bỏ mạng nơi đây vì biết nguy hiểm nhưng vẫn tò mò, cố chấp đến gần ngọn núi. Thế Lữ miêu tả đến lũ quạ cũng không dám bén mảng tới miệng hang.
Bằng cách phân mảnh cốt truyện, tuyến nhân vật được triển khai ở nhiều tầng lớp xã hội. Cuốn sách trở nên cuốn hút và thuyết phục hơn nhờ có góc nhìn đa chiều.
Trại hoa đỏ
Trại hoa đỏ của Di Li mở ra không khí của một miền quê xa xôi, bụi bặm và rùng rợn với nhiều chi tiết huyền bí.
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là gia đình Lưu, Vĩ và cậu con trai tên Bảo. Cả gia đình họ đang trong hành trình từ thành phố trở về một miền quê xa xôi để cải tạo xây dựng mảnh đất mà họ mới mua được. Ở vùng đất ấy, có thể nói là văn minh chưa có cơ hội đặt chân tới.
Không khí của cuốn tiểu thuyết được kéo căng từ đầu tới cuối bởi những chi tiết gay cấn, ám ảnh và đầy ma mị. Từ đầu truyện, hình ảnh một người đàn ông điên, nhe hàm răng áp chặt mặt vào cửa kính xe khiến Bảo bỗng tím tái mặt mày, chân tay lạnh ngắt.
Những con người lầm lũi thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng đêm. Khi đi sâu vào trong làng, dưới đêm tối, hai mẹ con được nghe rất nhiều câu chuyện về những lời nguyền khác.
Những câu chuyện như đứa trẻ không thể lớn lên, những dòng tộc luôn có phụ nữ tự tử bằng cách treo cổ, người đàn bà tự sát để bảo vệ đứa con hoang của mình… khiến độc giả không thể rời mắt khỏi tiểu thuyết.
Trại hoa đỏ đã phơi bày được sự thật đau lòng, rằng suy cho cùng, sự mù quáng, tăm tối, lạc hậu, bảo thủ của con người chính là nguồn cơn đưa đẩy họ tới những bi kịch. Mặt khác, những điều ấy là công cụ hữu ích để những kẻ ác độc lợi dụng, điều khiển.
Sách Có tiếng người trong gió. Ảnh: T.O. |
Có tiếng người trong gió
Cuốn tiểu thuyết được tác giả Nguyễn Xuân Thủy cho ra mắt vào năm 2016. Tác phẩm là câu chuyện về vấn nạn buôn nội tạng người, những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã bị cướp đi.
Tiểu thuyết dựng nên những không gian rợn người. Vườn Mả là nơi an nghỉ cuối cùng của những đứa trẻ tha hương, khi chúng chẳng còn công dụng gì nữa.
Với giọng văn tha thiết, chậm, cùng những chi tiết đầy ám ảnh, tác giả đã thành công khi lên án tội ác ghê rợn của những kẻ bị đồng tiền làm cho tha hóa. Đồng thời, tác giả cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu vẫn luôn quẩn quanh để con người níu lòng bước tiếp.
Đại Nam dị truyện
Cuốn tiểu thuyết của Phan Cuồng được lấy bối cảnh từ năm Cảnh Hưng thứ 43. Thế giới trong cuốn tiểu thuyết chìm đắm trong bầu không khí tâm linh, tín ngưỡng đầy ma mị.
Ở đó, hai thế giới âm - dương vẫn có những liên kết với nhau. Việc liên kết ấy được diễn ra thông qua những con người dị năng. Đó là nhân vật Phạm Đình Phong, mắc tật “nghiện” ngửi mùi thối.
Phong có thể giúp người làng làm chuyện kết nối với người âm. Và việc làm ấy đã trở thành nghề, nghề khâm niệm. Chính nghề ấy đã nuôi sống dòng họ Phạm tới 8 đời vẫn chưa dứt.
Cuốn sách lấy bối cảnh lịch sử nhưng theo tác giả Phan Cuồng từng khẳng định: “Đây không phải cuốn sách về lịch sử và cũng không có giá trị tham khảo về mặt lịch sử”.
Sách Lý triều dị truyện. Ảnh: Nhã Nam. |
Lý triều dị truyện
Là sự tiếp nối thành công của Đại Nam dị truyện, cuốn Lý triều dị truyện ra mắt độc giả năm 2017. Nhân vật trong Lý triều dị truyện vẫn là những con người có xuất thân thấp kém nhưng dị năng.
Bối cảnh của tiểu thuyết diễn ra dưới triều Lý. Những dị truyện vẫn là điểm nhấn của cuốn sách. Thân Lợi là một lão phù thủy “mê tâm thuật” để dễ bề sai khiến.
Trải qua quá trình tu tập cùng pháp lực bẩm sinh, Thân Lợi đã được làm giáo chủ của Xương Cuồng giáo. Tuy nhiên, y còn muốn trở thành thần Xương Cuồng.
Trong hành trình ấy, đã có không ít những chuyện xảy ra. Đó là câu chuyện bản hủi cô lập, kết hôn cận huyết sinh ra những đứa con dị dạng; chuyện linh miêu, một loài có sở thích đặc biệt với loại thịt đã thối rữa…