Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cuốn sách hay về báo chí

Các cuốn sách cung cấp kiến thức về cách làm báo hiện đại, đạo đức nghề báo, lịch sử báo chí một thời.

Những cuốn sách của NXB Trẻ về nghề báo khá đa dạng. Ở đó có cả giáo trình dạy làm báo được cập nhật theo xu hướng hiện đại, hay những công trình nghiên cứu về làng báo trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Báo chí lương tâm

Báo chí lương tâm của nhà báo Đỗ Đình Tấn (nguyên Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ) đề cập những vấn đề thời sự của người làm báo. Cuốn sách đưa ra những phân tích, lý giải, cách giải quyết xoay quanh cuộc tranh luận về đạo đức truyền thông.

Tác phẩm góp phần khắc họa sự giằng xé, gian nan về trách nhiệm của nhà báo trong đời sống thông tin hiện nay. Cuốn sách dành cho những ai quan tâm vấn đề đạo đức của các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, nhất là với người thường vào mạng xã hội.

Sach hay ve bao chi anh 1

Sách Báo chí lương tâm của Đỗ Đình Tấn.

Hơn cả tin tức - tương lai của báo chí

Sách của Mitchell Stephens là nghiên cứu, đôi khi có tính phê phán báo chí đương đại. Cuốn sách giúp độc giả hiểu về nghề báo qua những ví dụ từ các bài báo từ thế kỷ 18, thế kỷ 20 và qua báo chí, blog của thế kỷ 21.

Quay lại quá khứ để tìm ra mô hình cho tương lai, cuốn sách đề xuất những thay đổi mà báo chí cần áp dụng để phục vụ công chúng tốt hơn.

Tác giả Mitchell Stephens cũng đề xuất một tiêu chuẩn mới cho ngành báo chí hiện nay, đó là “báo chí trí tuệ”.

Nhà báo hiện đại

Nhà báo hiện đại là bản giáo trình nổi tiếng News Reporting and Writing do nhóm The Missouri Group thuộc khoa Báo chí, Đại học Missouri biên soạn. Cuốn giáo trình ra mắt đã 25 năm, qua 8 lần chỉnh biên để cập nhật cho phù hợp xu thế phát triển của báo chí thế giới.

Nhà báo hiện đại qua lần hiệu chỉnh mới nhất là cẩm nang dạy nghề cho những nhà báo của thế kỷ 21 - thế kỷ bùng nổ thông tin khi máy tính, mạng Internet, các phương tiện truyền thông trực tuyến đã trở thành công cụ không thể thiếu của phóng viên thế hệ mới.

Các chương sách đưa ra những ví dụ cụ thể cách tác nghiệp với sự hỗ trợ của máy tính, những cơ sở dữ liệu trên mạng Internet. Cách làm tin và viết tin cho báo trực tuyến cũng được hướng dẫn, cũng như cách tân phương pháp làm báo in, truyền hình.

Những kỹ thuật cốt lõi của nghề báo như cách chuẩn bị và xúc tiến một cuộc phỏng vấn, xử lý và thông tin những số liệu, cách giải quyết thông cáo báo chí..., đều được trình bày chi tiết dựa trên kinh nghiệm thực tế.

Sach hay ve bao chi anh 2

Sách Nhà báo hiện đại. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Làng báo Sài Gòn 1916-1930

Những năm 1916-1930, trong bối cảnh bi thương mà hào hùng, đất nước bị đô hộ nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ, những người trí thức đã có một thời kỳ làm báo sôi nổi. Cuốn Làng báo Sài Gòn 1916-1930 là một biên niên sử báo chí công phu về giai đoạn này.

Công trình về báo chí Sài Gòn thời kỳ đầu tiên được tác giả Philippe M.F.Peycam nghiên cứu và viết trong suốt 7 năm.

Di sản chung của những nhà tiên phong ở làng báo miền Nam vẫn còn mãi. Suốt gần 30 năm, Sài Gòn tiếp tục đóng vai trò đặc biệt như diễn đàn phản biện độc lập của Việt Nam.

Diễn đàn này gắn liền hành động can thiệp từ nước ngoài và những thao túng gây bất ổn trong nội bộ, bất chấp hàng loạt chính thể chuyên chế và tình hình chính trị băng hoại thời chiến.

Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19

Đến năm 2015, báo “quấc ngữ” (viết theo mẫu tự Langsa) vừa đúng 150 tuổi, gần một nửa số tuổi của miền Nam. Lịch sử báo quốc ngữ ở miền Nam không chỉ là lịch sử của nghề báo, nhà báo mà còn là lịch sử phát triển chữ quốc ngữ, lịch sử văn học của nước nhà.

Báo quấc ngữ ở Sài Gòn thế kỷ 19 là kết quả dày công nghiên cứu của tác giả Trần Nhật Vy. Qua những bài báo xưa, độc giả hôm nay có cái nhìn bao quát về xã hội Nam Kỳ cuối thế kỷ 19, về sự đổi thay từng ngày của miền đất này, cách người dân loay hoay kiếm sống trong tình hình mới, nạn cờ bạc, những thay đổi trong sinh hoạt, kể cả tệ nạn…

Sach hay ve bao chi anh 3

Sách Báo quấc ngữ ở Sài Gòn thế kỷ 19.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu hơn những cuộc kháng chiến của nhân dân, về những người bị chính quyền thuộc địa coi là “giặc”, những cuộc nổi dậy có thể không lớn mạnh nhưng chưa bao giờ im tiếng.

Ảnh hiếm về những tòa soạn báo ngày đầu thành lập

Nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố tại triển lãm “95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam từ tư liệu, tài liệu lưu trữ nhà nước” trong đó có nhiều ảnh hiếm về những người làm báo.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm