Ngoài bộ phim kinh điển có độ dài 8 tập Ván bài lật ngửa được đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng), khán giả yêu phim tình báo Việt Nam còn nhớ đến những bộ phim nổi bật khác như Biệt động Sài Gòn, Bí mật thành phố cấm, Ông cố vấn, Vị tướng tình báo và hai bà vợ…
Trong số các bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam, Biệt động Sài Gòn vẫn là bộ phim được khán giả yêu thích và giới làm phim đánh giá cao hơn cả về diễn xuất và dàn dựng.
Dù nói về hoạt động của lực lượng biệt động, là lực lượng trực tiếp chiến đấu đối diện với kẻ địch, nhưng một phần trong đó vẫn là hình ảnh của những chiến sĩ tình báo hoạt động công khai, như vợ chồng nhà tư sản Tư Chung (Quang Thái đóng) – Ngọc Mai (Hà Xuyên).
Bộ phim 4 tập Biệt động Sài Gòn, nói về cuộc chiến của các chiến sĩ tình báo, biệt động, đã làm say mê rất nhiều khán giả những năm 1990. |
Dù có nhiều tình tiết hư cấu, thì hình ảnh nhân vật Tư Chung cũng có một số phần được xây dựng từ nguyên mẫu nhân vật Tư Chu - Nguyễn Đức Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, và một chiến sĩ biệt động khác nhà thầu khoán Trần Văn Lai.
Phim phát hành tập 1 mang tên Điểm hẹn năm 1986, và 3 tập sau lần lượt có tên là Tình lặng, Cơn dông, Trả lại tên cho em, đều gây cơn sốt tại các rạp trên khắp cả nước những năm cuối thập niên 1990.
Nhiều nhân vật trong phim như chiến sĩ biệt động Sáu Tâm (Thương Tín), ni cô Huyền Trang (Thanh Loan), tên phản bội Ba Cẩn (Hai Nhất) em bé bán báo, cậu chiến sĩ biệt động trẻ đọc bài thơ dưới hầm… đã ghi dấu ấn đặc sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ.
Cũng giống như trường hợp phim Ván bài lật ngửa, sau khi phim ra mắt, truyện phim được ra thành sách mang tên Biệt động Sài Gòn, do các nhà xuất bản Long An, Thanh Hóa phát hành, và được in kèm với các hình ảnh đẹp trích từ trong phim, rồi sau đó là sách ảnh "kể chuyện phim", đều được độc giả náo nức đón nhận.
Tuy nhiên năm 2008, đã xảy ra một vụ tranh chấp giữa nhà báo Nguyễn Thanh (báo QĐND) và nhà biên kịch Lê Phương về bản quyền kịch bản bộ phim.
Các bộ phim Ông cố vấn, Vị tướng tình báo và hai bà vợ đều là phim truyền hình dài tập, được chuyển thể từ các bộ tiểu thuyết tình báo – tiểu sử nhân vật nổi tiếng của các nhà văn quân đội Hữu Mai và Nguyễn Trần Thiết.
Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên là câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ (Hai Long), người hoạt động trong mảng công giáo và từng có quan hệ thân cận với cả hai tổng thống chính quyền VNCH là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.
Bộ tiểu thuyết 3 tập được chuyển thể thành 20 tập phim truyền hình, quay và chiếu vào những năm cuối thập kỷ 1990, do chính nhà văn Hữu Mai chuyển thể kịch bản kiêm Giám đốc sản xuất, đạo diễn Lê Dân. Các diễn viên chính trong phim đều thể hiện rất thành công như Vũ Đình Thân vai Hai Long, Nguyễn Bá Lộc vai Ngô Đình Nhu, Nguyễn Bá Phong vai Ngô Đình Diệm và đặc biệt là Minh Hòa trong vai Trần Lệ Xuân. Tuy nhiên, bộ phim chỉ làm được đến 10 tập vì thiếu kinh phí.
Tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của Nguyễn Trần Thiết lại có nguyên mẫu là Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc), người được cài vào hoạt động trong Phủ Đặc ủy trung ương tình báo VNCH và cung cấp cho cấp trên những tin tức tình báo hết sức giá trị. Ngoài những chi tiết hấp dẫn về cuộc chiến tình báo, cuốn sách còn hấp dẫn người đọc với câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình của nhân vật Hai Lâm với một bà vợ phải chia tay chồng ở lại miền Bắc và một bà vợ ở trong Nam, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình họ sau khi nước nhà thống nhất.
Khi được xây dựng thành phim truyền hình dài 29 tập năm 2003 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Bùi Cường và kịch bản chuyển thể của Nguyễn Anh Dũng với tên gọi Vị tướng tình báo và hai bà vợ, bộ phim đã thu hút sự chú ý của khán giả với diễn xuất thành công của các diễn viên Xuân Trường (vai Hai Lâm), Hoàng Xuân (vai Maria Nhung).
Bộ phim truyền hình dài 15 tập Người đẹp Tây Đô ra đời năm 1996 cũng có nhân vật chính là chiến sĩ điệp báo Lâm Thị Phấn, người hoạt động trong lòng địch tại Cần Thơ thời cuối những năm 1950.
Phim được xây dựng dựa trên hồi ký của nhân vật thật, do Lê Cung Bắc đạo diễn, ghi dấu trong lòng khán giả với diễn xuất ăn ý của cặp diễn viên Lê Công Tuấn Anh - Việt Trinh.
Trong khi đó, bộ phim điện ảnh về đề tài tình báo hoạt động trong lòng địch thời kháng chiến chống Mỹ Bí mật thành phố cấm ra mắt năm 1990 được chuyển thể từ cuốn truyện tình báo của tác giả Nga Andrey Levin.
Câu chuyện phức tạp xoay quanh gia đình một chiến sĩ tình báo QĐND Việt Nam có con trai lại đang là sĩ quan an ninh VNCH và yêu một cô con gái một sĩ quan cao cấp CIA hoạt động tại Sài Gòn, người cũng đang giăng lưới săn lùng ông.
Biên kịch và đạo diễn của bộ phim này chính là nhà thơ nổi tiếng Phan Vũ, tác giả của trường ca Em ơi, Hà Nội phố. Bộ phim đánh dấu lần đầu xuất hiện trên màn bạc rất thành công của diễn viên Lê Tuấn Anh, bên cạnh các diễn viên Diễm My, Thế Anh, Thanh Loan, Robert Hải.