Bản My (xã Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai) nằm chênh vênh trên sườn núi Khe Quýt. Đường vào bản là lối mòn nhỏ xíu, quanh co hun hút. Sự cách trở đường sá khiến bản My bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống. Các nhà khoa học của Lào Cai và cả trung ương, mỗi khi nghiên cứu văn hóa Dao thường về bản My thu thập thông tin.
Bản My hấp dẫn các nhà nghiên cứu bởi nơi đây có khá nhiều thầy cúng, hay còn gọi là thầy mo. Với văn hóa Dao, thầy cúng như vị thần, được mọi người tôn trọng. Còn đối với các nhà nghiên cứu, thầy cúng là một “bảo tàng sống của văn hóa Dao”.
Lâu nay, xã hội có cái nhìn phiến diện về thầy cúng, thầy mo và coi họ là “biểu tượng” của mê tín dị đoan, song theo các nhà khoa học, thầy mo người Dao chính là “bảo tàng” lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các thầy mo đều là người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao cổ, do vậy, họ lĩnh hội các tri thức quý giá đậm văn hóa Dao từ đời trước truyền lại cho thế hệ sau.
Nhà thầy cúng Đặng Văn Chung nằm cuối bản My. Nhà thầy tuềnh toàng, nằm sát bìa rừng. Tôi vào nhà, vợ thầy và đám con cứ tròn xoe mắt vì không biết tiếng phổ thông. Thầy cúng Chung vẫn nằm còng queo trên giường. Chả là buổi trưa thầy nhậu ở đám ma hơi quá chén.
Tủ sách cổ của thầy cúng Đăng Văn Chung |
Mỗi khi có đám trong bản, các thầy cúng vất vả nhất. Họ phải cúng bái suốt 3 ngày 3 đêm. Các bài cúng đều ghi ở trong các cuốn sách cổ. Thầy cúng làm các nghi lễ theo hướng dẫn của sách và đọc các bài cúng như trong sách dạy.
Bà vợ đánh thức thầy cúng Đặng Văn Chung dậy. Thầy cúng Chung có khuôn mặt hốc hác, dáng như cây sậy già. Khi hỏi đến chuyện sách cổ, thầy tỉnh như sáo.
Chúng tôi phải trình giấy tờ, giới thiệu công việc thầy mới trèo lên giường rồi móc lấy chiếc chìa khóa ở mãi trên vách nhà. Thầy bảo, thời gian gần đây có nhiều người dưới xuôi vào gạ mua sách cổ, thậm chí một số nhà còn mất trộm sách cổ nên thầy phải cảnh giác.
Thầy cúng Chung mở chiếc tủ ọp ẹp, chúng tôi khá bất ngờ: cả một ngăn tủ đầy ắp sách cổ. Bê ra, kín cả bàn. Một số cuốn rách tươm rách nát, mối mọt gặm nhôm nhoam. Các trang sách đều lên màu vàng nhạt, bìa đen xỉn trông rất cổ. Nhìn đống sách có cảm giác nhiều năm nay thầy cúng không động đến chúng. Ông gói những cuốn sách này bằng mấy lượt túi nilon, nhưng cũng không ngăn được mối mọt và hơi ẩm.
Thầy cúng Đặng Văn Chung đọc sách cổ dùng trong các nghi lễ tang ma |
Thầy cúng Chung cũng không biết những cuốn sách này có tuổi đời bao nhiêu năm, đã truyền lại được bao nhiêu đời, chỉ biết rằng, cụ tổ truyền lại cho bố, rồi khi bố ông mất đi, nó thuộc về ông. Đời nọ, đời kia đều giữ như bảo vật gia truyền, nên ông cũng coi những cuốn sách này là vật thiêng.
Đời cụ, đời ông đều là thầy mo, nhưng cha ông không chịu học, không biết chữ Nôm Dao nên không được là thầy mo. Với ý định tìm hiểu xem những cuốn sách này viết gì mà tổ tiên quý như vậy, ông quyết tâm học chữ Nôm Dao.
Vừa học từ các thầy cúng, vừa tự dùi mài kinh sử, vậy mà ông Chung trở thành người rất giỏi chữ Nôm Dao cổ. Thông hiểu chữ Nôm Dao, ông trở thành thầy cúng có uy tín trong bản. Mọi lễ hội, chuyện lớn, chuyện bé của các gia đình, bản làng, ông và những thầy cúng là người cầm trịch.
Tôi đếm đống sách cổ của thầy cúng Chung thấy tròn 80 cuốn. Trong số đó, chiếm 1/4 là các loại sách liên quan đến tục làm tang ma. Riêng sách hướng dẫn đưa tang đã có tới 6 cuốn, chỉ dẫn rất tỉ mỉ từng bước tiến hành để người chết được lên thiên đàng, con cháu ở lại an vui.
Những cuốn sách hát cũng chiếm phần lớn số lượng. Xưa kia, người Dao thường trò chuyện bằng các câu hát, câu đối. Trai gái tán tỉnh nhau cũng dùng câu hát. Gặp nhau giữa đường cũng chào nhau bằng câu hát hoặc câu đối. Ngồi uống rượu suông cũng có bài hát riêng…
Tóm lại, những cuốn sách này dạy con người trò chuyện bằng những câu hát rất ý nghĩa, nhân văn và đậm chất văn hóa Dao. Tuy nhiên, ngày nay người Dao chỉ còn hát trong các lễ hội mà thôi. Ít người đọc được sách, vài thầy mo không đủ sức truyền bá lại cho con cháu nên những cuốn sách hát này nằm im trong tủ và như vậy, văn hóa Dao đã rơi rụng phần nào.
Trong đống sách cổ của thầy cúng Chung còn có những cuốn kinh thư. Bộ kinh thư đầy đủ của người Dao có tới 27 cuốn, tuy nhiên, thầy cúng Chung chỉ có 14 cuốn. Mỗi cuốn kinh thư đều có tên riêng.
Thầy cúng Chung kể rằng, có lần, mấy nhà nghiên cứu văn hóa của Trung Quốc sang đây nghiên cứu đống sách cổ của ông và khẳng định nội dung các cuốn kinh thư đều không giống kinh thư của Trung Quốc. Phải chăng những cuốn kinh thư này do người Dao cổ sáng tạo ra? Các nhà khoa học cần nghiên cứu, bởi có thể đây là những pho sách chứa đựng những tri thức uyên thâm của người Dao cổ.
Đặc biệt quý hiếm là 3 cuốn sách khổ lớn, khá dày, được thầy cúng Đặng Văn Chung bọc rất cẩn thận, mặc dù ông không dùng đến nó bao giờ. Ông bảo đây là sách niệm. Hầu như không tìm thấy ở đâu có 3 cuốn sách này nữa.
3 cuốn sách niệm có tên: Hồng ân đại hội huyền bí (nội dung về những thiên cơ không thể tiết lộ), Tang gia kim ngôn nhất bản (Lời vàng trong đám tang) và Lương duyên huyền bí (các phép tắc cúng chay tổ tiên để siêu độ các linh hồn, cô hồn, vong linh…).
Bìa một cuốn sách bị nguyền rủa |
Điều đặc biệt là người dùng sách không được đọc sách thành lời, mà chỉ nhìn các chữ và ngẫm trong đầu.
Trong cuốn Hồng ân đại hội huyền bí trang đầu có đề: Nguyên bản của ông Lý Viện Minh phép phó (cấp cho) ông Hoàng Thắng Thái năm Tuế thứ kỷ tị niên bính dần nguyệt.
Những cuốn sách quý đều có ghi tên người chép sách, cấp sách cho ai và chỉ những người được cấp sách mới được dùng. Khi người dùng chết đi thì truyền lại cho con cháu. Những người không được truyền lại sách đều không dám động đến những cuốn sách này bởi trang đầu cuốn sách có ghi lời chú mang nội dung nguyền rủa. Lời nguyền nói rằng, nếu ai không được cấp sách này mà mang đi sẽ gặp tai họa.
Như vậy, các cuốn sách đều có nguồn gốc rõ ràng và nó gắn với sứ mệnh của dòng họ và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Chính vì thế, những cuốn sách cổ được các thầy cúng giữ gìn rất cẩn thận và coi nó là tài sản vô giá.