Việc các cầu thủ không nghe lời HLV đã không còn xa lạ ở bóng đá thế giới. Nó thậm chí còn diễn ra ở những CLB, đội tuyển vốn được cho là rất chuyên nghiệp, chinh chiến ở các giải đấu hàng đầu thế giới.
Khi mệnh lệnh HLV không có trọng lượng
Câu chuyện "bật thầy" nổi tiếng nhất thời gian qua là việc Lionel Messi chiếm quyền chỉ đạo đội tuyển Argentina từ tay HLV Jorge Sampaoli, tại World Cup 2018. Chuyện không ai mong muốn này đến từ thành tích nghèo nàn của Argentina trong những trận đầu tiên ở World Cup.
Sau trận thua 0-3 của Argentina trước Croatia ở vòng bảng khiến đội bóng Nam Mỹ đối mặt nguy cơ bị loại, Messi đã đứng lên chiếm quyền của ông Sampaoli. Báo chí Argentina đưa tin siêu sao của Barcelona đã triệu tập một cuộc họp gồm các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng.
Messi từng không tin vào khả năng của HLV Sampaoli tại World Cup 2018. |
Messi tuyên bố trước toàn thể thành viên: "Sampaoli, chúng tôi không hiểu những gì ông nói và cũng chẳng còn tin ông nữa. Chúng tôi muốn được quyết định".
"Quyết định cái gì cơ?", HLV Sampaoli hỏi lại. Câu trả lời của Messi là "mọi thứ".
Sau buổi đảo chính nói trên, tuyển Argentina đã lách qua khe cửa hẹp, đánh bại Nigeria để vào vòng 16 đội. Cũng ở trận đấu ấy, ống kính máy quay bắt được hình ảnh HLV Sampaoli phải hỏi ý kiến Messi để đưa ra sự thay đổi người.
Trong mùa giải trước, bóng đá châu Âu chứng kiến vụ việc thủ môn Kepa của Chelsea được HLV Maurizio Sarri rút ra sân, nhưng anh không chịu rời khỏi vị trí của mình và yêu cầu HLV không thay người
HLV Sarri phát cáu khi thủ môn Kepa không chịu rời sân. |
Quyết định của Kepa khiến HLV Sarri nổi giận. Ông thể hiện sự vùng vằng, đập ghế, tự lẩm bẩm còn trợ lý Zola lao ra đường biên quát tháo thủ thành người Tây Ban Nha.
Báo chí Anh thì cho rằng hành vi của Kepa là thể hiện sự chống đối với HLV người Italy. Không chỉ mình Kepa, nhiều cầu thủ Chelsea cũng được cho là bất phục với nhà cầm quân này sau chuỗi trận nghèo nàn. Câu chuyện này không phải vô căn cứ khi Sarri một mực muốn rời đội bóng vào cuối mùa giải trước và đã rời đi thật.
Không thích là phản
Ngoài việc trực tiếp không nghe mệnh lệnh của HLV, các cầu thủ còn có những cách để làm phản, hay nói cách khác là chống lại các quyết định của HLV. Đơn giản nhất là không đá đúng sức, kéo theo thành tích đội bóng đi xuống và HLV bị sa thải.
Real Madrid là đội bóng có "truyền thống" khiến các HLV bị bay ghế. Mourinho là người thấm thía cảm giác này khi ông gây hấn với nhóm quyền lực đen của CLB, được cho là gồm Sergio Ramos, Iker Casillas, Cristiano Ronaldo. Thành tích mùa cuối của Mourinho tại đây rất tệ và nhà cầm quân này phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.
Benitez phải rời Real vì làm mất lòng ngôi sao sáng nhất là Ronaldo. |
Một thời gian sau khi Mourinho ra đi, HLV Rafa Benitez là người tiếp theo gánh hậu quả vì gây hấn với nhóm quyền lực trong phòng thay đồ Real. Báo chí Tây Ban Nha tiết lộ Benitez dạy lại cách dứt điểm cho Ronaldo và điều đó khiến siêu sao này tức giận. Mối quan hệ của Benitez với các "ông sao" khác cũng không tốt đẹp.
Real chơi bết bát dưới thời Benitez, nhưng lập tức chơi khởi sắc khi ông ra đi, thậm chí vô địch Champions League. HLV Real tiếp theo bị mất việc do không được lòng cầu thủ là cựu HLV tuyển Tây Ban Nha, Julen Lopetegui.
Bayern Munich hay Chelsea cũng là mảnh đất chẳng lành với các HLV không lấy được lòng cầu thủ. Ở Bayern Munich, hai HLV gần nhất đã mất ghế với một phần nguyên nhân được cho là từ các cầu thủ. HLV danh tiếng Carlo Ancelotti chẳng thể trụ lại đội bóng quá lâu, trong khi ông Niko Kovac mới đây cũng mất ghế với thành tích sa sút đến khó tin của "Hùm xám".
Ancelotti mất việc sau chỉ hơn 1 mùa tại Bayern Munich. |
Ở Chelsea, nhóm quyền lực đen tại đây (được cho là dẫn đầu bởi John Terry) đã khiến nhiều HLV mất việc như Mourinho, Andre Villas Boas, Luiz Felipe Scolari.
Tại châu Á, câu chuyện phản thầy cũng từng xuất hiện. Ở Asian Cup 2019, các cầu thủ Thái Lan có dấu hiệu phản lại HLV Milovan Rajevac khi cố tình chơi tệ trong trận đầu Asian Cup. Nhà cầm quân này bị sa thải và Thái Lan lập tức đá như lên đồng, vượt qua vòng bảng từ chỗ có nguy cơ bị loại.
Ngày 25/11, trong trận mở màn bảng B môn bóng đá nam SEA Games 30 với U22 Việt Nam, U22 Brunei ra sân với một cầu thủ mà chính HLV trưởng của đội bóng này cũng không hiểu vì sao anh lại xuất hiện dù không được đăng ký. Đó là Faiq Bolkiah, cháu trai của quốc vương Brunei.