Những cuộc chiến tranh đã đi qua dưới tháp chuông Nhà thờ Đức Bà Paris
Thứ tư, 17/4/2019 18:00 (GMT+7)
18:00 17/4/2019
Với lịch sử hơn 850 năm, là “viên ngọc quý” của kiến trúc châu Âu, Nhà thờ Đức Bà Paris, vừa bị lửa tàn phá ngày 15/4, là chứng nhân của nhiều diễn biến trọng đại trong lịch sử.
Nhà thờ Đức Bà, với khoảng 13 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, là công trình đã chứng kiến những sự kiện quan trọng của nước Pháp, vài lần cách mạng và hai cuộc chiến tranh thế giới, theo báo New York Times. Trong ảnh, hình vẽ minh họa Vua Henry VI của Anh lên ngôi vua nước Pháp ở Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1431. Ảnh: Getty Images.
Nhà thờ Đức Bà được xây dựng năm 1163 dưới thời Vua Louis VII và hoàn thành năm 1345, và được coi là viên ngọc quý của kiến trúc Gothic trung đại. Trong ảnh là bức vẽ của danh họa Jean-Baptiste Jouvenet về một thánh lễ ở Nhà thờ Đức Bà vào năm 1708. Ảnh: Getty Images.
Trong Cách mạng Pháp 1789-1799, hàng trăm nghìn người bị bắt giữ, và hàng chục nghìn người bị xử tử. Nổi bật trong số đó là Thomas de Mahy, hầu tước của dòng họ de Favras, bị xử tử năm 1790 vì đã lên kế hoạch giải cứu Vua Louis XVI và vợ, theo Vintage News và trung tâm ảnh tư liệu Granger Historical Picture Archive. Trong ảnh, ông phải xin lỗi công khai trước Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Bộ sưu tập tạp chí LIFE/Getty Images.
Bức họa về một buổi lễ Nhà thờ Đức Bà ban phước lành cho lá cờ của Vệ binh Quốc gia Pháp năm 1789. Nhà thờ Đức Bà hiện nay thực ra đã thay thế một nhà thờ khác bị lửa phá hủy trước đó. Nhà thờ này lại bị cháy một lần vào thế kỷ 13, và phải được khôi phục giữa những năm 1230-1240, theo New York Times. Ảnh: Getty Images.
Lễ tấn phong Napoléon Bonaparte, người đã lên ngôi Hoàng đế nước Pháp, tại Nhà thờ Đức Bà năm 1804, trong bức họa được vẽ bởi Jacques-Louis David. Theo trang tin ABC (Australia), khi Napoléon Bonaparte lên nắm quyền, đảo Île de la Cité nằm trên dòng sông Seine, nơi ngự trị của Nhà thờ Đức Bà là khu ổ chuột. Bản thân nhà thờ đang xuống cấp nghiêm trọng và bị coi là có nguy cơ cao về cháy nổ. Hoàng đế Napoléon lên ngôi đã quyết tâm khôi phục sự hoàng kim thời trung đại cho nhà thờ. Ảnh: Getty Images.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chính Victor Hugo, người sáng tác “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” năm 1831, mới là người có công lớn nhất, khi đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự xuống cấp của công trình từng là niềm tự hào quốc gia này. Thành công của tiểu thuyết đã khiến hàng nghìn du khách đến Paris để tận mắt chứng kiến nơi anh chàng gù Quasimodo gặp cô nàng Esmeralda. Sức ép của dư luận buộc Pháp phải chi tiền khôi phục, trùng tu nhà thờ. Trong ảnh là cảnh bên ngoài Nhà thờ Đức Bà vào khoảng năm 1900.Ảnh: Getty Images.
Nhà thờ Đức Bà đi qua Thế chiến I mà không bị hư hại gì, mặc dù máy bay Đức đã tàn phá Paris và phá hủy các địa danh khác như nhà thờ Saint-Gervais, theo trang tin ABC. Ảnh: Nhóm hướng dẫn tour "Un jour de plus a Paris" (Thêm một ngày ở Paris)
Nhà thờ Đức Bà cũng sống sót qua Thế chiến II, dù Paris đã bị chiếm đóng, cờ phát-xít Đức đã bay trên các tòa nhà chính phủ Pháp, và đồng hồ ở đây bị đổi theo giờ Berlin. "Vào những ngày giải phóng Paris năm 1944, có giao tranh ác liệt trên đường phố Paris khi lính Đức cố bám giữ", giáo sư sử học Peter McPhee từ Đại học Melbourne nói với trang ABC. "Vì vậy Nhà thờ Đức Bà đã có chút hư hại". Ảnh được chụp tháng 8/1944, ngay trước khi Paris được giải phóng. Ảnh: Getty Images.
Một phụ nữ Paris bên cạnh một người lính trên một chiếc xe tăng Anh trước Nhà thờ Đức Bà mùa hè năm 1944, sau khi quân Đồng minh giải phóng Paris. Ảnh: Alamy.
Giáo Hoàng John Paul II vẫy chào đám đông khi ông tới Nhà thờ Đức Bà năm 1980. Ảnh: Getty Images
Bữa tối Trắng trước Nhà thờ Đức Bà năm 2011. Bữa tối Trắng là sự kiện đã diễn ra 30 năm trong đó những người tham gia cùng tới ăn tối, nhưng phải mặc đồ trắng và địa điểm chỉ được thông báo vào phút cuối. Ảnh: Reuters.
Một người lính đi tuần trước Nhà thờ Đức Bà tháng 11/2015 sau một loạt vụ khủng bố ở thủ đô nước Pháp. Ảnh: Reuters.
Một buổi thắp nến cầu nguyện trong dịp lễ Phục sinh ở Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Alamy.
Nhà thờ Đức Bà chứng kiến đoàn người biểu tình “Áo khoác vàng” phản đối các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron vào tháng 3/2019. Ảnh: Getty Images.
Emmanuel Jean-Michel Frédéric Macron tổng thống nước Pháp từ năm 2017 với 66,1% phiếu bầu ở vòng hai. Ở tuổi 39, ông trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Trước đây ông từng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số từ năm 2014 đến năm 2016.
Ba gia đình giàu nhất ở Pháp đang góp tiền khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy tối 15/4 (giờ địa phương), dẫn đầu một nỗ lực gây quỹ từ doanh nghiệp đã đạt 700 triệu Euro.
Đã có báo động 23 phút trước khi Nhà thờ Đức Bà ở Paris bùng cháy dữ dội tối 15/4 (giờ địa phương), nhưng các quan chức đã không tìm thấy dấu hiệu nào của đám cháy.
Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho quan chức cấp cao (CIO) của Hàn Quốc đã gửi lệnh triệu tập lần thứ 3 yêu cầu ông Tổng thống Yoon Suk Yeol có mặt tại trụ sở CIO vào lúc 10h sáng 29/12.