Chương trình của linh mục Knox ngày 16/1/1926
Linh mục và nhà bình luận của BBC, Cha Ronald Knox, khiến cả nước Anh sốc khi tường thuật về cuộc biểu tình của công nhân thất nghiệp tại London. Knox mô tả cụ thể sự tàn phá tháp Big Ben và các tòa nhà chính phủ quan trọng. Do vậy, dù Knox gợi ý rằng bản tin chỉ là một thông báo giả, phần lớn khán giả đều tin và hoảng sợ do người dân Anh vẫn lo ngại về cuộc Cách mạng Nga trong thời điểm đó.
Tổng đài BBC liên tục nhận các cuộc gọi của khán giả. Người dân càng thêm lo âu khi trời đổ tuyết dầy đặc khiến việc giao báo chậm trễ. Sau khi BBC giải thích rõ ràng về nội dung bản tin, công chúng chỉ trích Knox gay gắt. Sau này, thỉnh thoảng Knox vẫn tung ra những "bản tin chơi khăm" và BBC thậm chí còn vinh danh ông là một trong những phát thanh viên thành công nhất trong ngày Cá tháng Tư.
Linh mục Ronald Knox. Ảnh: Ronald Knox Society |
Quái vật biển tấn công Tokyo
Ngày 20/5/1947, đài phát thanh WVTR của quân đội Mỹ loan tin một con quái vật khổng lồ xuất hiện từ bờ biển ngoài khơi Tokyo và đang tàn phá điên cuồng khi nó tiến về trung tâm thủ đô. Ý định ban đầu của nhóm thực hiện bản tin là tạo trò vui nhân kỷ niệm ngày thành lập trạm.
Tuy nhiên, sự việc gây hoảng loạn trong dân chúng địa phương và cả quân đội. Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và cảnh sát địa phương đã phối hợp để theo dõi dấu vết con quái vật. Một sĩ quan Anh gọi điện thoại tới đài để xác thực bản tin vì các binh sĩ của ông yêu cầu cấp vũ khí để chống trả quái vật. Đài WVTR vội vàng đính chính thông tin. Sau sự cố này, các lãnh đạo quân đội Mỹ quyết định trừng phạt nhóm loan tin bằng cách thuyên chuyển công tác.
Người dân Nhật Bản hoảng sợ vì tưởng quái vật khổng lồ sắp tấn công. Ảnh: remoteradio |
Thú "Tứ bất tượng" xuất hiện tại Trung Quốc, ngày 19/9/1994
Cư dân tỉnh Thái Nguyên, Trung Quốc vô cùng hoảng sợ khi đài truyền hình địa phương đưa tin con thú Tứ bất tượng (Sibuxiang) đang đến gần thành phố. Người dân khóa chặt cửa, trong khi những người khác liên lạc với nhà chức trách. Trên thực tế, con thú đang đến gần thành phố, nhưng đó chỉ là hình thức quảng cáo rượu của một công ty.
Các đoạn phim về Tứ bất tượng trên truyền hình chỉ là quảng cáo, nhưng nhiều người lại nhầm tưởng đó là bản tin thật. Mặc dù ông chủ công ty thiết kế mẫu quảng cáo, Jing Huiwen, xin lỗi công khai và nộp tiền phạt, nhưng rượu “Tứ bất tượng” nhanh chóng trở thành sản phẩm ưa chuộng. Các nhà phân tích nước ngoài ca ngợi sự kiện này là khởi đầu của chủ nghĩa tư bản sáng tạo tại Trung Quốc.
Cú lừa núi lửa thức giấc, ngày 1/4/1980
Kênh 7 của đài Boston khiến cư dân tại Milton, Massachusetts sợ hãi khi thông báo trong bản tin thời sự vào tối 1/4/1980 rằng núi lửa Great Blue Hill gần đó vừa bùng nổ. Để bản tin trở nên thuyết phục hơn, kênh này chiếu những đoạn phim tư liệu cũ về núi lửa St Helens và nói đây là nguyên nhân kéo theo sự thức giấc của núi lửa Great Blue Hill. Họ còn lồng thêm tiếng của Tổng thống Carter và thống đốc bang để người dân tưởng rằng hai ông đang bày sự quan ngại về tình hình.
Mặc dù ê kíp ghi rõ bản tin là trò lừa ngày Cá Tháng Tư ở cuối chương trình, nhưng hậu quả đã vượt mức tưởng tượng của họ. Vì quá hoảng sợ nên người dân liên tục gọi tới chính quyền yêu cầu chỉ lối sơ tán nhanh nhất. Nhiều người dân đóng gói đồ đạc và lái xe để rời thành phố. Sau này, khi sự việc sáng tỏ, đài đã xin lỗi công chúng và sa thải người chịu trách nhiệm sản xuất bản tin.
Bản tin giả về núi lửa thức giấc khiến người dân Milton hoảng sơ. Ảnh: listverse |
Thế chiến thứ ba đến gần?
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô liên tục trong tình trạng đối đầu. Do vậy, khi các đài truyền hình và phát thanh Mỹ ngày 20/2/1971 bất ngờ nói rằng họ chuẩn bị phát sóng thông báo khẩn cấp từ chính phủ thì người dân vô cùng lo lắng. Đối với họ, “khẩn cấp” chỉ đồng nghĩa với tin duy nhất: Chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ.
Nhưng 44 phút trôi qua và đài không công bố tin nào. Sau đó phát thanh viên nói họ hủy thông báo khẩn cấp. Dân chúng cả nước thở phào nhẹ nhõm. Sự cố phát sinh do Wayne Eberhardt, một nhân viên tại Trung tâm Cảnh báo quốc gia ở bang Colorado, vô tình phát nhầm một đoạn băng cảnh báo thực sự, thay vì cảnh báo mô phỏng, và truyền sóng đến các đài truyền hình và phát thanh cả nước. Eberhardt không mất việc sau sự cố. Sếp của anh đã cất cuộn băng ở nơi khác để sự việc tương tự không tái diễn.
Còn tiếp!