Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cú lừa kinh điển ngày Cá tháng Tư

Nixon tái tranh cử tổng thống, thu hoạch mì ống hay hồi sinh voi ma mút... Đó là những cú lừa nổi tiếng từng được tung ra trong ngày 1/4.

Nhiều trò đùa lố thường xuất hiện trong ngày ngày Cá tháng tư Ảnh: Aprilfoolsdayidea

Cho đến cuối thế kỷ 16, ngày đầu năm mới được tổ chức vào ngày 25/3 tại hầu hết các thị trấn châu Âu. Ở một số khu vực của nước Pháp, kỳ nghỉ năm mới kéo dài một tuần tới ngày 1/4.

Năm 1564, nhà vua Pháp Charles IX ban hành quy định ngày 1/1 là ngày đầu năm, thống nhất trên toàn quốc. Quyết định này được áp dụng vào năm 1567.

Do phương tiện liên lạc thời đó rất lạc hậu, nhiều người không nhận được tin đổi lịch nên vẫn coi ngày 1/4 là năm mới, do đó bị người khác cười nhạo. Nhiều người cho rằng ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ đây.

Dù vậy, cũng có nhiều tranh cãi và giả thuyết khác về nguồn gốc ngày Cá tháng Tư. Hàng năm, ngày 1/4 trên thế giới luôn xuất hiện những "quả lừa" kinh điển. 

Ngay ca thang tu anh 1
Lá thư mời đến Lễ hội tắm sư tử trong trò đùa ngày 1/4/1856. Ảnh: Guardian

Lễ tắm sư tử

Người dân London từng nhận được lời mời đến Toà tháp London để tham dự lễ tắm sư tử vào ngày 1/4/1698. Tuy nhiên, đây hoàn toàn chỉ là một trò bịp.

Trên thực tế, Tháp London cũng có một bầy thú hoàng gia, nhưng không hề có chuyện tắm sư tử ở nơi công cộng. Trò lừa tiếp tục được lặp lại vào thế kỷ 19, khi không còn bất kỳ một con sư tử nào ở đây. 

Đánh cắp ngân khố Mỹ

Năm 1905, báo Đức Berliner Tageblatt đưa tin một băng cướp đã cuỗm sạch vàng bạc trong ngân khố Mỹ và những kẻ chủ mưu là một nhóm triệu phú.

Lập tức các tờ báo lớn ở châu Âu ào ào đăng theo mà không hề kiểm chứng nguồn tin. Cuối cùng, các biên tập viên là những người ê mặt nhất. 

Đảo quốc San Serriffe

Năm 1977, báo Anh Guardian phát hành phụ san 7 trang với nội dung giới thiệu địa lý và văn hoá của quần đảo San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ trên Ấn Độ Dương.

Phụ san này bán rất chạy, đem về cho Guardian một đống tiền. Kể từ đó, các doanh nghiệp ở Anh đánh giá ngày Cá tháng Tư là một dịp tốt để thúc đẩy quảng cáo. 

Hồi sinh voi ma mút

Gần 10 năm trước khi bộ phim Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) ra đời, chẳng ai nghĩ đến ý tưởng hồi sinh động vật đã tuyệt chủng. Vào ngày Cá tháng Tư năm 1987, tạp chí MIT Technology Review đưa tin một nhóm chuyên gia Nga đang tìm cách hồi sinh voi ma mút. 

Lập tức thông tin này trở thành đề tài nóng bỏng trên báo Mỹ Chicago Tribune và nhiều tờ báo khác, gây náo loạn dư luận. Mãi sau đó tất cả mới biết đó là trò đùa.   

Ngay ca thang tu anh 2
Hình ảnh thu hoạch mì ống mà BBC đăng tải trong ngày Cá tháng Tư. Ảnh: hoaxes.org

Thu hoạch mì ống

Trong bản tin ngày 1/4/1957, hãng BBC đưa tin nông dân Thuỵ Sĩ mở hội ăn mừng một mùa vụ mì ống spaghetti bội thu nhờ mùa đông không lạnh và một loài sâu mì ống bị tiêu diệt.

BBC còn đăng một đoạn video dàn dựng, quay cảnh nông dân kéo các sợi mì từ cành cây xuống. Rất nhiều người đã tin sái cổ. Chiêu trò của BBC được đánh giá là quả lừa thành công nhất trong lịch sử Cá tháng Tư.

Nixon tái tranh cử tổng thống

Ngày 1/4/1992, chương trình Talk of the Nation trên đài phát thanh Mỹ NPR đưa tin cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (cầm quyền từ năm 1969 đến1974) tuyên bố tái tranh cử tổng thống.

"Tôi không làm gì sai cả", giọng Nixon vang lên từ máy thu thanh. Nhiều thính giả bị lừa và gọi tới đài phản đối đầy giận dữ. Nhưng đó chỉ là cú chọc ghẹo xuất sắc của NPR và một diễn viên đã giả giọng Nixon.

Lời khuyên đánh vợ trên Playboy

Vào ngày Cá tháng 4 năm 2000, tạp chí Playboy phiên bản Romania đăng bài viết với tựa đề "Làm thế nào để đánh vợ mà không để lại sẹo trên cơ thể".

“Hãy táng vợ bạn thật mạnh vào. Bạn sẽ thấy vợ bạn muốn được đánh thêm”, Playboy viết. Nhưng trò đùa này đã gây sự phẫn nộ lớn, đặc biệt từ nữ giới Romania. Sau đó ban lãnh đạo Playboy quốc tế đã phải lên tiếng xin lỗi.  

Ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ đâu?

Cá tháng Tư được cho là bắt nguồn từ câu chuyện dân gian ở Anh với ngôi làng toàn người ngốc, dìm cá chết đuối, nhốt chim trong lồng không nóc, nhưng lại lừa được nhà vua.

 



Hoàng Anh (Theo Washington Post)

Bạn có thể quan tâm