Ngày nay, với sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ như máy tính, smartphone..., hầu như ngày nào chúng ta cũng tiếp xúc, thao tác với bàn phím (trên các thiết bị này). Với máy tính chúng ta có bàn phím vật lý, còn smartphone đó là những bàn phím ảo. Vậy lịch sử ra đời của bàn phím như thế nào? Quá trình phát triển ra sao? Chúng ta hãy điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bàn phím ở bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu.
Câu chuyện về bàn phím QWERTY
Hiện nay, bàn phím QWERTY là kiểu bàn phím rất phổ biến, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, mục đích thiết kế ra bàn phím QWERTY không hướng tới việc giúp người dùng đánh máy nhanh. Thay vào đó, QWERTY chỉ là giải pháp để giúp cho các đòn bẩy của máy đánh chữ không bị tắc bằng cách tách xa các chữ cái được sử dụng thường xuyên.
Một thiết kế bàn phím khác thay thế cho QWERTY được phát triển vào năm 1930, bởi tiến sỹ August Dvorak. Thiết kế này có mục đích giúp người dùng giảm thiểu việc họ phải với ngón tay quá xa giữa các phím bấm khi gõ, cải thiện tốc độ gõ. Bàn phím này có tên gọi Dvorak Simplified Keyboard và được cấp bằng sáng chế năm 1936 tuy nhiên nó không thu được thành công như mong muốn.
Bàn phím công thái học
Nói đến bàn phím công thái học, người ta thường nói đến công ty PCD Maltron. Họ đã phát triển bàn phím này từ 1977. Nhiều model được thiết kế để giảm thiểu các tổn thương khi sử dụng bàn phím trong thời gian dài, cũng như để hỗ trợ người khuyết tật.
PCD Maltron còn thiết kế các mẫu bàn phím 3D có thể vừa khít với bàn tay của người dùng. Có bàn phím còn cho phép dùng với 1 tay như chúng ta thấy ở ảnh trên. Và mẫu bàn phím dùng với 1 tay này vẫn còn được bán cho đến tận ngày nay.
Bàn phím không dùng phím nổi
Người dùng thường quen với các bàn phím có phím bấm nổi có phản hồi xúc giác khi gõ. Tuy nhiên vào thập niên 80, người ta cũng chấp nhận sử dụng 1 loại bàn phím dùng màng để nhập liệu có tên "membrane". Phím "membrane" còn có khả năng chống nước và bụi, cũng như giá thành rẻ. Nhiều model máy tính di động như Sinclair ZX81 đều sử dụng loại phím này. Ngày nay, bàn phím membrane vẫn được dùng trên một số sản phẩm thương mại nhưng trên máy tính thì nó gần như đã biến mất.
Bàn phím không dây Freeboard
Sau khi thu được thành công ở mảng PC cho doanh nghiệp, IBM tiếp tục có những đầu tư để thâm nhập thị trường PC cho người dùng phổ thông. Họ tung ra chiếc PCjr vào năm 1984, và một trong những thành phần chính của mẫu PC này là chiếc bàn phím không dây Freeboard, tiền thân của bàn phím Bluetooth ngày nay. Freeboard dùng 4 cục pin tiểu AA và kết nối với máy tính thông qua giao tiếp hồng ngoại. Bàn phím sử dụng kiểu phím dạng chiclet tương tự như bàn phím mà Apple dùng trên Macbook hiện nay.
Bàn phím có thể chuyển đổi layout
Vào năm 1984, Apple tung ra chiếc máy tính IIc, 1 mẫu máy tính cá nhân di động. Model này được đi kèm 1 bộ chuyển cho phép người dùng chuyển đổi qua lại giữa bàn phím QWERTY mặc định và bàn phím Dvorak Simplified Keyboard.
Bàn phím dùng cho đồng hồ
Vào thập niên 80, máy tính bắt đầu thu nhỏ lại dưới hình dạng của những chiếc đồng hồ. Mẫu Data 2000 và UC-2000 của Seiko là những sản phẩm như vậy. Chúng có thể lưu trữ được 2.000 kí tự trong bộ nhớ của mình. Tuy nhiên, máy vẫn cần phải có một bàn phím rời để nhập liệu. Và cả hai chiếc đồng hồ trên đều được bán kèm bàn phím để bạn có thể dùng khi cần đến.
Bàn phím truyền thống
Model M là dòng bàn phím dành cho doanh nghiệp do IBM phát triển năm 1985. Bàn phím này có trên 100 phím bấm và có thiết kế được đánh giá là rất hoàn thiện, đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Cơ chế lò xo trên Model M giúp các phím nảy trở lại sau mỗi lần nhấn, đồng thời phát ra tiếng lạch cạch mà chúng ta đã rất quen thuộc ngày nay. Ngoài ra người dùng cũng có thể thay thế các phím bấm một cách dễ dàng.
Bàn phím tối giản
Trái ngược với Model M, mẫu bàn phím Happy Hacking Keyboard tập trung vào các nhu cầu nhập liệu cơ bản, với chỉ 60 phím bấm. Được PFU Limited ra mắt vào năm 1996 và do Fujitsu sản xuất, mẫu bàn phím này có thiết kế tối ưu cho môi trường UNIX cùng chất lượng gia công tốt. Các model Happy Hacking Keyboard sử dụng 1 lớp màng để nhận diện thao tác của người dùng. Về sau chúng chuyển sang dùng 1 switch điện dung với 1 cục cao su dưới mỗi phím để cung cấp phản hồi xúc giác.
Bàn phím biến hình
Để giúp cho việc gõ phím trên các máy PDA dễ dàng hơn, hãng Think Outside đã phát triển 1 trong những mẫu bàn phím full-size đầu tiên có khả năng gập lại được với tên gọi Stowaway. Tương tự như các dock bàn phím ngày nay, Stowaway kết nối trực tiếp với máy PDA, giúp người dùng thoải mái nhập liệu với các phím bấm được giãn cách tốt. Khi không sử dụng, bạn có thể gập nó lại thành 1 khối nhỏ gọn có thể cầm trong lòng bàn tay.
Bàn phím vô hình
Năm 2002, 1 startup ở thung lũng Silicon là Canesta muốn phát triển 1 công nghệ bàn phím mới giúp tăng thêm tính di động của nó. Họ muốn loại bỏ bàn phím vật lý, và sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phát ra bàn phím ảo. Nó có thể theo dõi chuyển động ngón tay cũng như những cú chạm phím của người dùng thông qua 1 cảm biến có kích thước tương đương 1 hạt đậu.
Về sau, startup này cấp bản quyền công nghệ trên cho Celluon, 1 công ty của Hàn Quốc. Celluon đã tích hợp bàn phím mới vào nhiều thiết bị như evoMouse, Prodigy iPhone, Magic Cube. Sang 2010, Canesta được Microsoft mua lại nhằm phát triển công nghệ nhận diện thao tác tự nhiên của cơ thể người dùng.
Bàn phím ảo nổi
Cả bàn phím vô hình lẫn bàn phím ảo thông thường đều có chung nhược điểm là thiếu phản hồi xúc giác. Mặc dù bàn phím ảo trên các thiết bị di động ngày nay cũng có thể phát ra phản hồi rung, cũng như có những tiếng lách cách phát ra từ loa khi gõ, hay bàn phím vô hình cũng có thể phát ra âm thanh; tuy nhiên nhìn chung chúng không thể so sánh được với bàn phím vật lý.
Hãng Tactus muốn giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển 1 bề mặt có thể tạo ra các phím nổi khi gõ phím, hay còn gọi là bàn phím ảo nổi. Khi không dùng đến, các "Tixels" (tactile pixel, hay điểm ảnh xúc giác) này sẽ tự động biến mất để trở lại trạng thái phẳng trên màn hình.
Bàn phím chuyên dụng
Với một đối tượng người dùng khác nhau, nhà sản xuất thường phát triển 1 mẫu bàn phím chuyên dụng riêng được tối ưu cho đối tượng đó. Ví dụ như bàn phím tối ưu cho dân văn phòng, cho lập trình viên. Ngày nay, với sự phát triển của game, các công ty sản xuất bàn phím cũng tung ra những mẫu bàn phím chuyên dành cho game thủ. Ví dụ như mẫu Mad Catz S.T.R.I.K.E. 7 ra mắt năm 2012, cho phép game thủ bổ sung thêm phím bấm, gắn thêm các "module" như bàn phím số, miếng đệm tay và thậm chí là cả màn hình LCD.