Nhiều công ty đăng tuyển các công việc kỳ lạ với mức lương cao nhằm trám vào những chỗ khuyết tạo ra do công nghệ mới. Nhiều chức danh được duy trì và phổ biến rộng rãi, nhiều chức danh khác chỉ mang tính hài hước, đặc thù ở vài công ty nhất định.
Giám đốc Lắng nghe (Chief Listening Officer)
Giám đốc Lắng nghe là chức vụ xuất hiện gần đây cùng với sự phát triển của mạng xã hội.
Chức năng của vị trí này là tìm hiểu những điều được bàn tán liên quan đến công ty trên mạng xã hội, thống kê và phân tích những tin tức đó. Họ chịu trách nhiệm kiểm tra tất cả các trang phổ thông như Twitter, Facebook, thậm chí là các cuộc hội thoại âm thanh.
Beth LaPierre - Giám đốc Lắng nghe đầu tiên trên thế giới. Ảnh: The Drum. |
Năm 2011, Beth LaPierre trở thành người đầu tiên mang chức danh này, bà chịu trách nhiệm lùng sục mọi trang web, bao gồm Facebook, Twitter, YouTube, các trang blogs và cả diễn đàn khách hàng để tìm tất cả các lời bàn tán liên quan đến công ty Eastman Kodak.
Sau đó, bà sẽ thống kê và chia sẻ các dữ liệu này đến các phòng ban khác, nhiều công ty khác cũng dần học tập và đăng tuyển. Theo SimpleHired, mức lương trung bình của chức danh này tại Mỹ là 175.000 USD/năm.
Chuyên viên chơi thử game (Video game tester)
Chuyên viên chơi thử game nghe qua là một chức danh hấp dẫn và đơn giản, khi nhiệm vụ của họ là tìm ra các lỗi trước khi game được tung ra.
Tuy vậy, công việc thực tế phức tạp hơn nhiều, công việc chơi thử game cũng cần nhiều quy trình khác nhau tùy vào yêu cầu, theo Software Testing Help. Các kỹ năng yêu cầu không chỉ là ngồi xuống và chơi game, các chuyên viên cần có kiến thức nhất định về phần cứng, cơ chế hoạt động của máy tính, smartphone và các máy chơi game khác. Tất nhiên, kiến thức và kinh nghiệm về game là không thể thiếu.
Chơi thử game không phải công việc hấp dẫn như tên gọi. Ảnh: Evening Magazine. |
Nhiều công ty còn yêu cầu ứng viên có khả năng tìm ra logic lỗi trong mã trò chơi, và kiểm tra thêm lần nữa sau khi được sửa.
Đa số các chuyên viên tại Mỹ làm việc dưới dạng lao động tự do, với mức lương từ 10-30 USD/h.
Người truyền bá công nghệ (Technology Evangelist)
Chúng ta thường quen thuộc với những người chờ chực để sở hữu chiếc iPhone mới nhất, sau đó dành hàng tháng trời để chỉ ra những điểm được nâng cấp so với phiên bản trước.
Mike Boich - nhà truyền bá công nghệ tại Microsoft có lương lên đến 124.000 USD/năm. |
Bên cạnh những người làm việc này vì đam mê, các công ty lớn cũng có chức danh chính thức nhằm quảng bá sản phẩm với tên gọi “Người truyền bá công nghệ”. Theo Glassdoor, có đến 32 nhân viên mang chức vụ này tại Microsoft.
Hai “người truyền bá công nghệ” nổi tiếng nhất có lẽ là Mike Boich từ Microsoft và Guy Kawasaki từ Apple. Mức lương của Mike Boich là trên 124.000 USD/năm, theo công bố từ Microsoft.
Nhà tiên tri kỹ thuật số (Digital Prophet)
Công ty dịch vụ Internet AOL cũng sáng tạo chức danh mang tên “Digital Prophet”, người đầu tiên và duy nhất hiện tại mang chức vụ này là David Shing, hay “Shingy”.
Thực tế, các công ty khác cũng có những vị trí tương tự với tên khác nhau, công việc của họ là sự pha trộn giữa những “nhà truyền giáo” và “giám đốc sáng tạo” trong các đội marketing.
David Shing mang chức danh độc nhất vô nhị trên thế giới, nhưng dường như hiệu quả công việc không thực sự tương xứng. Ảnh: Techworld. |
Khá khó để hình dung công việc này, Shingy chia sẻ với trang NewYorkers: “Nhiệm vụ của tôi là theo dõi sự thay đổi của tương lai trong toàn bộ thế giới online. Tôi bay khắp thế giới để tham dự các hội nghĩ, nghe ngóng xu hướng truyền thông và tìm ra chiến lược thích hợp cho thương hiệu của mình trong môi trường đó”.
Năm 2002, AOL chỉ có hơn 25 triệu người dùng, hiện tại họ chỉ còn hơn 2,5 triệu. Shingy gọi đó là “quá trình chuyển đổi của công ty”.
David Shing được trả hơn 100.000 USD mỗi năm, dù nhiều người nghi ngờ khả năng của ông.
Dạy ngôn ngữ cho máy tính (Computational Linguist)
Đây là chức danh của các chuyên gia lập trình máy tính cao cấp, vững chuyên môn về cả trí tuệ con người lẫn trí tuệ nhân tạo. Nhiệm vụ của họ là xây dựng các chương trình cho phép Siri (hoặc các trợ lý ảo khác) trả lời một cách hài hước hoặc thông minh khi được hỏi những câu bất ngờ. Nói cách khác, họ phải “dạy” cho các cỗ máy trí thông minh và sự hài hước của con người.
Đằng sau mỗi câu trả lời hài hước của Siri là cả một đội ngũ chuyên viên. Ảnh: Mashable. |
Nhiều công ty như Telia hay IBM thuê các vị trí này với mức lương khoảng 100.000 USD mỗi năm.
Nhà thiết kế thời trang 3D (3D-Printed Clothing Designer)
Đây là chức danh mới xuất hiện gần đây khi các công nghệ in 3D ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều công ty thời trang đăng tuyển chức danh này.
Họ sẽ thiết kế các mẫu mã đủ tầm cỡ để xuất hiện trên các sàn diễn tại Milan hoặc New York, đồng thời tìm các thiết kế cho phép in ra nữ trang, phụ kiện và thậm chí là đồ tắm.
Máy in 3D đang mang lại luồng gió mới cho thời trang thế giới. Ảnh: Shapeway. |
Công việc này cũng yêu cầu người thực hiện phải nắm vững kiến thức về vật liệu, mẫu mã và khả năng hoạt động của máy in 3D được trang bị. Nó được mô tả là công việc “yêu cầu thành thạo sử dụng máy móc”.
Kiến trúc sư Thực tế tăng cường (Augmented Reality Architect)
Công việc của các kiến trúc sư Thực tế tăng cường là tạo ra các phiên bản “mở rộng” của thực tế, tạo ra một “bản nháp thực tế” để chỉnh sửa bởi các máy tính.
Công nghệ mới tạo ra nhiều lợi thế trong thiết kế, nhưng đồng thời cũng yêu cầu cao hơn với người làm kỹ sư. Ảnh:ISSUU. |
Công việc của họ sẽ là then chốt cho nhiều ngành giải trí tương lai như game, phim ảnh, hoặc các ngành đặc thù hơn như trị liệu tâm lý; họ được đánh giá sẽ thay đổi cách chúng ta xây dựng, quan sát mọi thứ.
Facebook, Microsoft đang thuê nhiều kỹ sư cho công việc này, nhưng chưa công bố mức lương chính thức.
Thiết kế thành thị thông minh (Smart City Urban Planner)
Dù thành phố thông minh vẫn còn là tương lai khá xa, nhiều công ty quy hoạch, thậm chí nhiều thành phố lớn như Amsterdam, Barcelona cũng bắt đầu tuyển dụng chức danh này.
Nhiệm vụ của họ không chỉ là thiết kế những thành phố thân thiện với môi trường, họ phải tính toán cả lưu lượng giao thông, thiết kế các mảng không gian, thậm chí chuẩn bị cho các phương án dành cho công nghệ tương lai, chẳng hạn phân luồng cho xe bay.
Một bản thiết kế thành phố Detroit, Mỹ trong tương lai. Ảnh: AOArchitect. |
Thử thách ở chỗ, họ phải tìm ra những quy hoạch hoạt động tốt với tất cả công nghệ tương lai, dù chưa ai biết đó sẽ là những công nghệ gì.
Yêu cầu của công việc này cũng không đơn giản, theo thống kê của Đại học Kỹ thuật Catalan, Tây Ban Nha, các ứng viên cần có kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch địa chính, nắm được hoạt động của các cơ quan liên quan và có bằng cấp trong các lĩnh vực Kinh tế, Địa Lý, Môi trường…. Ngay sau đó, họ còn cần trải qua các khóa huấn luyện đặc biệt trước khi bắt tay vào việc.