Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những công ty vũ khí hàng đầu thế giới

Phần lớn những "ông trùm" trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí toàn cầu là các công ty Mỹ với doanh thu hàng chục tỷ USD.

Theo National Intererst, sau Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trải qua giai đoạn tinh giản số lượng vào năm 1993. Washington cho rằng, ngân sách quốc phòng giai đoạn này không đủ so với số lượng công ty quá lớn. Tuy nhiên, đến nay, 4 trong số 5 công ty quốc phòng lớn trên thế giới vẫn là những công ty Mỹ, với doanh số thu bán hàng mỗi năm đạt hàng chục tỷ USD. 

Lockheed Martin (Mỹ) 

Máy bay chiến đấu F-35 Lightning 2 của Lockheed Martin. Ảnh: Business Korea
Máy bay chiến đấu F-35 Lightning 2 của Lockheed Martin. Ảnh: Business Korea

Trong thập kỷ qua, Lockheed Martin vươn lên trở thành công ty quốc phòng hàng đầu thế giới. Doanh thu mỗi năm của tập đoàn vượt mức 40 tỷ USD, tuyển dụng hơn 120.000 nhân viên. Công ty xâm nhập gần như mọi ngõ ngách của thị trường vũ khí toàn cầu. 

Lockheed sáp nhập với công ty Martin Marietta vào năm 1995 để hình thành Lockheed Martin. Trước đó, công ty Lockheed từng sản xuất nhiều vũ khí nổi bật thời Thế chiến II. Một trong những sản phẩm nổi bật như máy bay chiến đấu P-38 Lightning, sản xuất theo đặt hàng của quân đội Mỹ. Ngoài ra, công ty cũng nhận các đơn hàng về máy bay ném bom và chiến đấu cơ của những nước khác.

Trong khi đó, Martin Mariette đã tham gia thị trường vũ khí sớm hơn, từ thời Thế chiến I. Những sản phẩm nổi bật của giai đoạn này là máy bay B-26 Marauder và hàng loạt tên lửa cho không quân, lục quân Mỹ và NASA. 

Sau giai đoạn tinh giản, Lockheed chú trọng vào thế mạnh là ngành hàng không. Trước đó, những máy bay nổi bật khoảng thời gian Chiến tranh Lạnh gồm C-130, C-141, C-5, F-104 và F-117. 

Tuy nhiên, khi chính phủ thắt chặt ngân sách quốc phòng vào khoảng thập niên 70, Lockheed mất nhiều hợp đồng lớn và đối mặt với bê bối đưa hối lộ. Qua nhiều thập kỷ, Lockheed Martin vẫn trụ vững và phát triển nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Một số sản phẩm để tiếng vang của tập đoàn như máy bay chiến đấu F-22 Raptor và F-35. 

Boeing (Mỹ) 

Pháo đài bay B-52 do Boeing sản xuất. Ảnh: Wikipedia
Pháo đài bay B-52 do Boeing sản xuất. Ảnh: Wikipedia

Boeing đã nổi tiếng từ lâu với vai trò nhà sản xuất các máy bay ném bom hàng đầu. Thời Thế chiến I, Boeing tập trung vào dòng thủy phi cơ. Đến Thế chiến II, tập đoàn sản xuất những pháo đài bay B-17 Flying Fortress và B-29 Superfortress, hai loại máy bay ném bom chính chống lại quân đội đế quốc Đức và Nhật. 

Đến đầu giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Boeing cho ra đời các máy bay B-47 Stratojet và B-52 Stratofortness. Cũng như Lockheed, Boeing trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn vào đầu thập niên 1970. Sau đó, hãng cũng thu về nhiều hợp đồng ở mảng hàng không dân dụng.

Ngày nay, Boeing đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD từ hợp đồng với quân đội các nước. Các máy bay do Boeing sản xuất xuất hiện trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia. Năm 2011, Boeing chiến thắng một hợp đồng giá trị lớn để sản xuất phi đội máy bay tiếp dầu trên không thế hệ mới cho Không quân Mỹ.

BAE (Anh) 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: PA
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: PA

Tập đoàn BAE hình thành vào năm 1999, trên cơ sở sáp nhập hai công ty Marconi Electronic Systems và British Aerospace. Nhằm bảo đảm một chỗ đứng trong thị trường Mỹ, BAE đã mua lại cổ phần đáng kể trong các công ty đối tác Mỹ. Do vậy, nó có mối quan hệ đặc biệt với các khách hàng ở cả thị trường châu Âu và Mỹ. 

Cũng như Lockheed Martin, BAE xâm nhập phần lớn thị trường vũ khí toàn cầu. Công ty tuyển dụng khoảng 100.000 nhân viên, lợi nhuận gần 30 tỷ USD/năm. BAE tham gia vào hai dự án sản xuất chiến đấu cơ lớn là Eurofighter Typhoon và máy bay F-35. Công ty cũng phát triển xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe tăng Challenger 2 và nhiều vũ khí mặt đất khác.

Ngoài ra, BAE đóng nhiều tàu chiến cho Hải quân Hoàng gia Anh, bao gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Astute, tàu khu trục Type 45 và hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth. 

General Dynamics (Mỹ) 

Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon. Ảnh: Wikipedia
Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon. Ảnh: Wikipedia

Tiền thân của công ty General Dynamics là công ty Holland Torpedo Boat, hoạt động từ cuối thế kỷ 19. Lúc này, nó tập trung vào việc đóng tàu ngầm và các tàu nhỏ. Đến năm 1899, công ty Holland đổi tên thành Electric Boat. 

Sau một thời gian tập trung sản xuất cho hải quân, Electric Boat bắt đầu phát triển ở khối hàng không vào giai đoạn 1940 - 1950. Năm 1952, Electric Boat đổi tên thành General Dynamics, kiểm soát nhiều dự án vũ khí lớn như B-36 Peacemaker, B-58 Hustler, F-102 Delta Dagger và F-106 Delta Dart.

General Dynamics là công ty sản xuất máy bay tấn công chiến thuật F-111 Aardvark. Tuy nhiên, sản phẩm thành công nhất của công ty là F-16 Fighting Falcon, loại máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm của nhiều lực lượng không quân trên thế giới. 

Sau này, General Dynamics không còn tiếp tục chương trình F-16 nhưng nó vẫn đều đặn nhận các hợp đồng lớn. Lợi nhuận bán vũ khí hàng năm của công ty là 20 tỷ USD, tuyển dụng hơn 90.000 nhân công. Công ty cũng tiếp tục đóng tàu ngầm theo các đơn hàng, là nhà sản xuất chính của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia. 

Raytheon (Mỹ) 

Một tên lửa Tomahawk. Ảnh: Wikipedia
Một tên lửa Tomahawk. Ảnh: Wikipedia

Không như nhiều công ty quốc phòng lớn khác, Raytheon xây dựng việc kinh doanh dựa trên sản xuất các thiết bị riêng lẻ chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh. 

Công ty được thành lập năm 1922 với tên ban đầu là American Appliance Company, chủ yếu sản xuất đèn điện tử chân không. Suốt giai đoạn Thế chiến II, Raytheon trở thành công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất radar. Đến nay, đây vẫn là ngành giúp Raytheon thống lĩnh thị trường.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Raytheon bắt đầu tham gia sản xuất tên lửa và trở thành một trong những nhà cung cấp tên lửa chủ chốt của quân đội Mỹ. Kể từ thập niên 80, Raytheon đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ phòng thủ tên lửa. Những sản phẩm dấu ấn của công ty là tên lửa Tomahawk, Sparrow và hệ thống phòng thủ Patriot.

Các linh kiện do Raytheon sản xuất được nhiều nền quân đội ở châu Âu và châu Á đặt mua, giúp công ty đạt doanh số bán hàng hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

10 vũ khí làm thay đổi thế giới

Máy bay chiến đấu không người lái X-47B làm thay đổi cuộc chiến trên không, trong khi giới chuyên gia lo ngại các vũ khí siêu thanh có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới.

Những tàu sân bay uy lực nhất của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ đã và đang giữ vị trí số 1 thế giới nhờ lực lượng hùng hậu, trong đó có đội ngũ tàu sân bay tối tân và đông đảo nhất thế giới.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm