Hoàng gia Anh tuần trước đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế vì tuyên bố từ bỏ tước vị hoàng gia của vợ chồng Hoàng tử Harry - Meghan, Công tước và Nữ công tước xứ Sussex. Sự kiện nhanh chóng chiếm trang nhất các mặt báo và được truyền thông Anh gọi là Megxit (lấy ý tưởng từ Brexit).
Cặp đôi thông báo trên Instagram rằng sẽ rút lui khỏi vai trò hoàng gia để có thể độc lập về tài chính trong khi sẽ phân chia thời gian giữa Vương quốc Anh và Bắc Mỹ.
Điện Buckingham ngày 18/1 tuyên bố Harry và Meghan sẽ không còn là “những thành viên có vai trò chính thức của Hoàng gia Anh”, không dùng tước hiệu “Royal Highness” (hoàng thân) đi kèm với tên và tự túc về tài chính.
Tuy nhiên, sự ra đi của vợ chồng Harry không phải lần đầu tiên xảy ra với một gia đình hoàng gia. Dưới đây là những thành viên đã từng rút lui khỏi gia đình hoàng gia châu Á, vì nhiều lý do.
Công chúa Ayako (Nhật Bản)
Công chúa Ayako sinh năm 1990 là con gái út của cố Hoàng tử Takamado - em họ cựu Nhật hoàng Akihito. Cô đã rời khỏi gia đình hoàng gia vào năm 2018 sau khi quyết định kết hôn với một thường dân, anh Kei Moriya, nhân viên công ty vận chuyển. Sau khi ký giấy kết hôn, Công chúa Ayako khi ấy 29 tuổi đã đổi tên thành Ayako Moriya.
Sau khi Công chúa Ayako ra đi, Hoàng gia Nhật Bản chỉ còn 18 thành viên, làm dấy lên lời kêu gọi sửa đổi quy định cấm phụ nữ lên ngôi Hoa cúc vì hoàng gia Nhật ngày càng neo người. Hiện tại, Nhật hoàng Naruhito không có con trai và hai người duy nhất trong danh sách kế vị là em trai ông, Thái tử Akishino, và con trai của vị thái tử, tức Hoàng tử Hisahito 13 tuổi.
Hôn lễ tháng 10/2018 là cái kết có hậu cho chuyện tình của Công chúa Ayako và Kei Moriya. Ảnh: AP. |
Công chúa Mako, cháu gái lớn nhất của cựu Nhật hoàng Akihito, dự kiến sẽ theo chân Ayako trong năm nay để kết hôn với mối tình đại học của mình, Kei Komuro, người làm việc cho công ty luật.
Công chúa Ubolratana Rajakanya (Thái Lan)
Ubolratana Rajakanya, 68 tuổi, từng có biệt danh “La Poupée” (búp bê), là con đầu lòng của nhà vua quá cố Thái Lan, Bhumibol Adulyadej, và hoàng hậu Sirikit. Bà được cho là có tư chất thông minh, đã tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng của Mỹ và lấy bằng thạc sĩ ngành y tế công tại Đại học California ở Los Angeles.
Năm 1972, công chúa Ubolratana bất ngờ từ bỏ thân phận hoàng gia để làm đám cưới với người bạn học ở MIT, Peter Ladd Jensen, một thường dân Mỹ. Bà lấy tên mới là Julie Jensen và định cư tại Mỹ cùng chồng. Song cuộc hôn nhân đổ vỡ vào năm 1998 và gần 3 năm sau, bà trở về sống ở Thái Lan.
Công chúa Ubolratana và cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: AP. |
Năm 2019, bà làm rung chuyển chính trường Thái Lan khi cố gắng tranh cử vị trị thủ tướng nhưng đã bị em trai, Quốc vương Maha Vajiralongkorn, ngăn cản.
Công chúa Nori (Nhật Bản)
Công chúa Nori, 50 tuổi, là con gái duy nhất của cựu Nhật hoàng Akihito. Năm 2005, bà kết hôn với Yoshiki Kuroda, nhà thiết kế đô thị 40 tuổi ở Tokyo và là bạn lâu năm của Hoàng tử Akishino.
Bà Nori không được nhận bất cứ khoản trợ cấp nào từ hoàng gia, tuy nhiên, chính phủ Nhật đã trả cho cặp đôi một khoản 1,29 triệu USD. Sau khi kết hôn, Công chúa Nori lấy tên là Sayako Kuroda.
Luật Hoàng gia Nhật Bản tước bỏ thân phận hoàng gia của người phụ nữ nếu họ kết hôn với một thường dân. Công chúa Nori cùng 2 chị em của cựu Nhật hoàng Akihito đã bị tước ngôi vị hoàng gia vì kết hôn với thường dân.
Công chúa Sayako (tên trong hoàng gia là Nori) và nhà thiết kế đô thị Yoshiki Kuroda có buổi hôn lễ ấm cúng, giản dị tại khách sạn Imperial, Tokyo. Ảnh: Getty. |
Manohara Odelia Pinot (Malaysia)
Người mẫu tuổi teen Indonesia chỉ mới 16 tuổi khi cô kết hôn với Hoàng tử của bang Kelantan của Malaysia, Tengku Muhammad Fakhry Petra, vào năm 2008.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, mẹ của Manohara nói với truyền thông Indonesia rằng con gái bà thực sự đã bị bắt cóc và lạm dụng thể xác và tinh thần bởi chồng.
Sự việc đã thu hút nhiều sự chú ý đến nỗi sau đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nêu nó ra trong cuộc họp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak lúc bấy giờ.
Vào tháng 5/2009, Manohara đã bỏ trốn khi cùng gia đình chồng đến Singapore và trở về Indonesia đoàn tụ với mẹ. Cô đã ly dị với hoàng tử vào cuối năm đó.
Manohara Odelia Pinot năm 2009 sau khi chạy trốn khỏi chồng, một hoàng tử Malaysia. Ảnh: AFP. |
Công chúa Taka (Nhật Bản)
Chị cả của Akihito, Công chúa Taka, đã kết hôn với một thường dân năm 1950, từ bỏ tước hiệu hoàng gia và rời khỏi hoàng gia Nhật Bản. Tên của bà sau đó được biết đến là Kazuko Takatsukasa.
Chồng bà, ông Toshimichi Takatsukasa, sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng giống như tất cả gia đình quý tộc Nhật Bản khác đã mất tước hiệu trong cuộc cải tổ Hiến pháp hậu chiến tranh.
Năm 1966, ông Takatsukasa được tìm thấy đã chết tại căn hộ của nhân tình Michiko Maeda, nữ tiếp viên hộp đêm ở Ginza. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc khí CO. Cái chết của ông làm dấy lên đồn đoán về vụ tự tử chung với tình nhân vì không được phép ly dị và tái hôn.
Công chúa Yori (Nhật Bản)
Giống như chị gái Taka, Công chúa Yori, chị thứ của Akihito, không được cha mẹ, Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Kojun nuôi nấng. Thay vào đó, hai chị em được nuôi dưỡng bởi các nữ quan tại cung điện dành riêng cho họ ở Tokyo.
Cô được một giáo viên Mỹ dạy dỗ trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau Thế chiến II và kết hôn với Takamasa Ikeda sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1952. Ikeda là hậu duệ trực tiếp của giới quý tộc cổ đại mà bà gặp trong một buổi trà đạo. Sau khi kết hôn, bà trở thành thường dân, được biết đến với cái tên Atsuko Ikeda.
Đôi vợ chồng chuyển đến tỉnh Okayama, nơi Takamasa gây dựng một trang trại gia súc sinh lời.
Năm 1988, bà kế vị chị gái Kazuko Takatsukasa làm Trưởng nữ tư tế (saishu) của Thần cung Ise.