Cuốn Hokusai của Johann Protais và Éloi Rousseau cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý về Katsushika Hokusai (1760 -1849) - một trong những bậc thầy tranh khắc gỗ ở Nhật Bản, tác giả của chục nghìn bức vẽ có giá trị như một bách khoa toàn thư minh họa nước Nhật dưới thời Edo. Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ và tác phẩm mang tính biểu tượng Sóng lừng ngoài khơi Kangawa. Ảnh: O.P. |
Sinh thời, Hokusai tự coi mình là một “ông già điên cuồng vì hội họa”. Ông cũng sử dụng khoảng 120 cái tên khác nhau. Việc ký nhiều bút danh như thế để thể hiện tất cả bước phát triển về phong cách vẽ, cũng như tư duy của ông. Trong ảnh là tranh chân dung Hokusai do Keisai Eisen thực hiện. Nguồn: wikimedia. |
Vào những năm 1830, Hokusai đã sử dụng thế mạnh sáng tác tuyệt diệu và hư ảo của mình để thực hiện loạt tranh Một trăm câu chuyện ma (Cent Histoires de fantômes). Trong ảnh là bức tranh Hồn cô hầu Okiku chui lên từ giếng nước. Okiku vốn làm công tại dinh thự của một Samurai tên Tessan Aoyama. Cô đã vô tình làm vỡ một trong mười chiếc đĩa mà chủ nhân yêu quý nên bị trừng phạt. Tessan Aoyama đã chặt ngón tay của cô rồi bắt trói, nhốt vào phòng tối. Trong lúc uất ức, tuyệt vọng, Okiku đã tìm cách trốn thoát rồi gieo mình xuống một giếng nước cũ. Sau đó, hồn ma của Okiku báo oán mỗi khi đêm về, khiến nhiều người kinh hoàng, sợ hãi. Nguồn: wikipedia. |
Trong ảnh là bức họa Nữ quái Warai Hannya. Hokusai đã vẽ một nữ quỷ xuất hiện bên khung cửa sổ với nụ cười ma quái, tay cầm đầu của một đứa trẻ xấu số. Nữ quỷ trong tranh là sự kết hợp của hai kẻ đáng sợ, đó là Yamauba và Hannya. Theo truyền thuyết, Yamauba từng là con người nhưng sau hóa thành yêu quái, thường xuất hiện với ngoại hình như một bà lão tốt bụng sống trên núi hoặc trong những túp lều bên đường. Ở thời xa xưa, Yamauba còn bắt cóc và ăn thịt trẻ con. Còn Hannya vốn là nữ nhân phàm trần nhưng vì tổn thương, đau khổ do bị phản bội trong chuyện tình cảm mà sinh lòng căm hận rồi hóa thành yêu nữ báo thù. Nguồn: wikipedia. |
Trong ảnh là bức họa Con ma Kohada Koheiji với cái đầu lâu rùng rợn khi vẫn còn ít thịt và tóc quấn quanh, xương bàn tay lộ ra đè tấm màn xuống để nhìn kẻ thù với đôi mắt trắng dã đáng sợ. Tương truyền rằng Kohada Koheiji là một diễn viên kịch Kabuki, sống ở thời Edo. Khi sự nghiệp diễn kịch dần khởi sắc, Kohada đã lấy người con gái mình yêu là Otsuka làm vợ. Tiếc thay cô ta không yêu chàng mà lại dan díu mập mờ với Adachi Sakuro. Họ cùng nhau lên kế hoạch sát hại Kohada Koheiji. Adachi đã mời Kohada đến đầm lầy Asaka câu cá và gã đã dìm chết chàng xuống làn nước lạnh giá. Kohada khi chết đi đã hóa thành oan hồn và mỗi khi đêm về, anh lại đến tìm hai kẻ độc ác đã hãm hại mình. Nguồn: wikipedia. |
Ảnh bức họa Con ma Oiwa-san. Hokusai đã phác họa một gương mặt quỷ dị nhập vào chiếc đèn lồng được dùng trong lễ hội Obon. Đèn lồng này như một sự kết nối với linh hồn, làm tăng thêm vẻ ma quái, huyền bí của Oiwa-san.Chuyện kể rằng nàng Oiwa có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với samurai Tamiya Iemon. Hắn là một kẻ xấu xa, đã ám sát cha nàng rồi lừa dối vợ mình và còn hứa sẽ báo thù kẻ giết chết cha vợ. Sau đó hắn ngoại tình và dùng độc dược hủy hoại dung nhan của Oiwa-san, khiến cô đau khổ, uất ức mà cầm kiếm tự sát. Về sau, oan hồn của Oiwa-san đã bám theo Iemon khiến hắn hóa điên. Nguồn: wikipedia. |
Bức họa Nỗi ám ảnh cho thấy một con rắn quấn quanh một tấm bia tưởng niệm (theo truyền thống được đặt trên bàn thờ tại nhà của người quá cố). Trong thời Edo Nhật Bản, những con rắn trong các câu chuyện kinh dị thường là linh hồn của những người phụ nữ đã chết vì ghen tuông, oán giận hoặc khinh bỉ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người ta tin rằng tinh thần ám ảnh được thể hiện ở đây là chính nghệ sĩ Hokusai, tiên tri về nỗi ám ảnh của ông đối với nghệ thuật của mình ngay cả sau khi ông qua đời. Nguồn: wikipedia. |