Những con đường lạ lẫm như vậy đang tồn tại hàng chục năm tại TP.HCM.
Đủ kiểu đường “không giống ai”
Đường Trường Chinh đang rộng 60m cho 12 làn xe lưu thông, nhưng đến đoạn từ giao lộ Cộng Hòa tới ngã tư Bảy Hiền thì mặt đường bị thu hẹp còn 15m. Trong đó đoạn ngã ba Bà Quẹo, từ đường Âu Cơ đến ngã tư Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú, quận Tân Bình) là trọng điểm kẹt xe thường xuyên ở TP.HCM. Vượt qua “cửa ải” ngã ba Bà Quẹo, vào đường Tân Kỳ - Tân Quý (rộng khoảng 12m), rẽ sang đường Lê Trọng Tấn lại nở phình ra 30m. Thế nhưng trên đường Lê Trọng Tấn có một đoạn dài khoảng 550m bị “thắt eo” (đoạn nối giữa quận Tân Phú và quận Bình Tân), mặt đường chỉ rộng 7m, đủ cho hai làn xe.
Khoảng 550m đường Lê Trọng Tấn (đoạn thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) chưa được mở rộng. |
Đường Vành Đai Trong (quận Bình Tân) thì “phình bụng” với mặt đường rộng 60m, nhưng hai đầu đường bị bít do nhà dân chưa giải tỏa khiến con đường thênh thang này có rất ít xe chạy.
Đất làm đường bị lấn chiếm
Trong đơn phản ảnh, các hộ dân ở phường 25, quận Bình Thạnh cho biết do chưa có đường D2 nối dài nên các xe phải lưu thông tạm vào đường D9 về Thanh Đa - Bình Quới, làm đường này thường xuyên hư hỏng. Trong khi đó, đường D2 chưa được đầu tư đoạn nối đến bán đảo Thanh Đa, hiện bị nhiều doanh nghiệp lấn chiếm đất xây dựng quán nhậu, quán cà phê, bán vật liệu xây dựng, sân bóng đá...
Khác với những con đường trên, ở quận Bình Thạnh lại có đường “đầu to, đít teo”. Đó là đường Chu Văn An có mặt đường rộng đến 20m cho bốn làn xe lưu thông. Nhưng từ đoạn giữa đường Chu Văn An ra đường Nơ Trang Long dài khoảng 500m mặt đường thu hẹp còn 4-5m. Cũng ở quận Bình Thạnh, tệ nhất là đường D2, đi từ đường Điện Biên Phủ đến đường Ung Văn Khiêm thì vướng giải tỏa và tắc đường. Theo quy hoạch, đường này sẽ được nối thông đến bán đảo Thanh Đa.
Lý do
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn hoàn thành vào năm 2009, nhưng chừa lại một đoạn dài 550m (rộng 7m) vì đây là đoạn đường thuộc dự án xây dựng cầu Bưng (cũng do khu này làm chủ đầu tư) bắc qua kênh Tham Lương. Do phải chờ một chủ đầu tư khác thực hiện dự án nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát nên dự án cầu Bưng chưa triển khai thi công được. Tháng 7/2012, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thẩm định dự án xây dựng cầu Bưng, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch vốn.
Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM còn cho biết, dự án mở rộng đường Trường Chinh đoạn ngã ba Bà Quẹo và khu vực đường Tân Kỳ - Tân Quý chưa triển khai mở rộng vì đang chờ dự án đền bù giải tỏa của tuyến metro số 2 (Bến Thành, quận 1) - Tham Lương (quận 12). Khi dự án metro số 2 hoàn thành đền bù giải tỏa mới xúc tiến dự án mở rộng nút thắt cổ chai trên đường Trường Chinh.
Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM, cho hay ở 500m đoạn đường Chu Văn An bị “thắt eo”, đơn vị được giao mở rộng trước một đoạn dài 200m (đoạn trước mặt Trường Cán bộ TP.HCM). Dù đoạn đường này có được mở rộng thì vẫn còn 300m nối ra đường Nơ Trang Long bị “tắc tị” và tuyến đường Chu Văn An chưa giải quyết được. Còn việc xây dựng tuyến đường D2 vẫn chưa có lối ra, bởi khu đất làm đường D2 nối dài đến cầu Kinh Thanh Đa đã được giao cho một đơn vị kinh doanh nhà khác làm chủ đầu tư.
Nhiều thiệt hại
Một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM nói cần nhanh chóng thi công mở rộng đường Lê Trọng Tấn đoạn “thắt eo” dài 550m nhằm góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông cho nút giao thông An Sương và giảm áp lực giao thông cho đường Trường Chinh. Hiện nay đường Lê Trọng Tấn thưa thớt xe chạy, trong khi đường Trường Chinh cùng chạy song song lại quá tải.
Gần 100 hộ dân ở phường 25, quận Bình Thạnh nằm trong khu quy hoạch bờ sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết từ năm 2010 đến nay đã phản ảnh đến các cấp thẩm quyền việc chậm triển khai xây dựng đường D2 nối dài khiến người dân trong khu vực đi lại rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Cường, một người dân, cho biết lúc đầu dự án giao cho Công ty Phát triển nhà quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư, sau đó cấp thẩm quyền yêu cầu giao cho một công ty bất động sản tư nhân làm chủ đầu tư. Đến nay việc triển khai xây dựng các công trình trong khu dân cư này và công trình làm đường D2 nối dài tiếp tục bị đình trệ.
Theo một chuyên gia về giao thông, các công trình đường D2, Chu Văn An và Vành Đai Trong xây dựng dở dang vì nằm trong các dự án xây dựng khu đô thị mới, do địa phương hoặc công ty kinh doanh nhà đất làm chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư này chỉ quan tâm đến xây dựng nhà ở mà không lo làm đường. TP đã có “bài học” khi giao cho một doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư khu dân cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám (quận 1 - quận Bình Thạnh), nhưng cầu Hoàng Hoa Thám chỉ dài hơn 100m mà làm hơn chục năm trời không xong. TP phải rút lại công trình này, giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM thì cầu Hoàng Hoa Thám mới được hoàn thành vào năm 2010, vốn đầu tư từ 19 tỷ đồng tăng lên tới 155 tỷ đồng.