Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những con đường làm thay đổi diện mạo Sài Gòn năm 2013

Năm 2013, TP.HCM hoàn thành hàng loạt công trình nổi bật như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu Sài Gòn 2, các cây cầu vượt bằng thép, 20km đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây.

 Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Đại lộ Phạm Văn Đồng)

Tuyến đường có tổng chiều dài gần 13,7 km chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới Linh Xuân (Q.Thủ Đức), đi qua nhiều quận, huyện của TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD.
Sau 5 năm thi công, sáng 28/9, đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Bình Triệu, dài khoảng 4,7km, đã được đưa vào sử dụng.
Điểm nhấn của tuyến đường là cầu Bình Lợi dài 1,1km băng qua sông Sài Gòn với 2 vòm Nielsen rất ấn tượng, hội tụ những kỹ thuật tiên tiến nhất trong số các công trình cầu hiện nay. Hai vòm này được thi công tại Hàn Quốc và chở về Việt Nam lắp ráp.
Cầu Sài Gòn 2
Khởi công ngày 14/4/2012, với sự lao động liên tục, khẩn trương của gần 600 kỹ sư cùng công nhân, ngày 15/10, cầu Sài Gòn 2 chính thức đưa vào sử dụng, sớm 3 tháng so với kế hoạch.
Dự án có tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Công trình nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông tại cửa ngõ đông bắc của TP, đảm bảo tính đồng bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội (đường Võ Nguyên Giáp) đã được mở rộng.

Cầu được xây dựng song song và giống với cầu Sài Gòn hiện hữu, dài gần 1 km gồm 30 nhịp được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Mặt cầu rộng 23,5 m cho 5 làn xe lưu thông (gồm 4 làn ôtô và 1 làn xe máy), trong đó cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. 

 Những cây cầu vượt bằng thép trong nội ô

Năm 2013, TP.HCM tiếp tục xây thêm 4 cầu vượt thép tại các nút giao Lăng Cha Cả; bùng binh Cây Gõ, Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám...  Trong ảnh: Cầu vượt hình chữ Y bùng binh Cây Gõ (Q.11 và Q.6).
Cả 4 cây cầu đều đã hoàn thành vượt tiến độ, đưa vào sử dụng trong năm nay.
TP.HCM hiện có 6 cầu vượt thép được xây dựng với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng. UBND TP đã giao Sở GTVT nghiên cứu xây dựng thêm 1 cầu vượt thép ở ngã 6 Gò Vấp để giảm ùn tắc cho khu vực này.

Thông xe 20km cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu từ đại lộ Mai Chí Thọ qua Q.2, 9 (TP.HCM), H.Nhơn Trạch, Long Thành đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 55km với tổng vốn đầu tư 20.630 tỉ đồng. Dự kiến ngày 28/12, một phần đường (từ đường Vành đai phía đông - Q.9 đến quốc lộ 51, H.Long Thành, Đồng Nai) được thông xe. Nếu đi theo tuyến đường này đến Vũng Tàu thì thời gian di chuyển chỉ con 2 giờ thay vì 3 - 4 giờ nếu đi theo hướng xa lộ Hà Nội.
Trên đoạn cao tốc này có 2 hạng mục quan trọng là cầu cạn dài gần 10km...
Thông xe 2 cầu vượt trên tuyến quốc lộ 1
Ngày 30/8, công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO tổ chức khánh thành 2 cầu vượt trên tuyến Quốc lộ 1, gồm cầu vượt Quốc lộ 1 - Tỉnh lộ 10B và cầu vượt Quốc lộ 1 - Tỉnh lộ 10.  Trong ảnh: Cầu vượt Quốc lộ 1 - Tỉnh lộ 10 với tổng chiều dài 635m, rộng 24m, quy mô 6 làn xe.
Việc thông xe 2 cây cầu này thì sẽ không còn cảnh dòng xe nối dài hàng trăm mét chờ đèn tín hiệu giao thông qua Tỉnh lộ 10 và Tỉnh lộ 10B (Q.Bình Tân, TP.HCM).
Cầu vượt Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B có tổng chiều dài 886m, rộng17m, quy mô 4 làn xe.

Lê Quân

Bạn có thể quan tâm