Những cổ đông 'tháo chạy' khỏi Sacombank
Chỉ trong vòng 15 tháng, từ chỗ được đăng ký mua vào tới cả chục triệu đơn vị, cổ phiếu Sacombank được bán mạnh với giá trị cả ngàn tỷ đồng.
Ngày 17/12, cổ đông cá nhân lớn thứ hai của Ngân hàng Sacombank (STB) là ông Trầm Trọng Ngân bất ngờ đăng ký thoái hết 48 triệu cổ phiếu sau chưa đầy 5 tháng nắm giữ. Đây được xem là động thái mới nhất từ phía các cổ đông của nhà băng này, sau 1 năm liên tục thoái vốn, trái ngược với việc tranh mua trước thời điểm cuối năm ngoái, khi cuộc chiến giành quyền kiểm soát Sacombank còn đang nóng với tin đồn thâu tóm.
Kéo dài suốt 1 năm qua nhưng dường như chuỗi thoái vốn của cổ đông STB chưa dừng lại. |
Vào thời điểm tháng 2/2012, thị trường ngân hàng ồn ào bởi thông tin Ngân hàng Eximbank (EIB) đòi bầu lại Hội đồng quản trị Sacombank. Đến khoảng giữa tháng 4, tin Sacombank có thể sáp nhập với Phương Nam, một ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều Sacombank và quy mô vốn điều lệ cũng chưa bằng một phần năm lại làm rúng động sàn chứng khoán. Thế nhưng, ngoài lần mua vào 8 triệu cổ phần của STB của ông Trầm Trọng Ngân vào tháng 7/2012, động thái của hầu hết các cổ đông của nhà băng này đều là bán tháo cổ phiếu STB. Người nhiều thì thoái hết, người ít thì bán đủ để giảm lượng nắm giữ vốn xuống dưới 5%, đồng nghĩa với việc không cần công bố thông tin khi muốn bán tiếp.
Mở đầu hành trình thoái vốn năm 2012 là 3 tổ chức và cá nhân được coi là "người nhà" của cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành. Trái với động thái đăng ký mua vào ồ ạt trong những tháng cuối năm 2011, vào thời điểm cận kề ĐHCĐ Sacombank dự kiến tổ chức vào tháng 4/2012, cả Bourbon Tây Ninh (công ty của mà vợ ông Đặng văn Thành làm chủ tịch), ông Chang Hen Jui (chồng bà Huỳnh Quế Hà - Phó Chủ tịch Thứ nhất HĐQT Sacombank, và Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR - công ty con của STB) đã đăng ký thoái tới 58 triệu cổ phiếu nhà băng này, tương đương 5,4% vốn điều lệ ngân hàng.
Ngày 8/3, Temasek Holdings thông báo việc đã bán hết 21,9 triệu cổ phiếu Sacombank, tương ứng 500 tỷ đồng theo phương thức giao dịch thỏa thuận, nhưng không công bố bên nhận chuyển nhượng. Đây là tổ chức nước ngoài thứ hai sau ANZ thoái toàn bộ vốn khỏi STB trong vòng một năm.
Sau đó, đến tháng 6/2012, Ủy ban chứng khoán bất ngờ đưa thông tin xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Á Châu 60 triệu đồng do mua 21,9 triệu cổ phiếu STB, làm tăng lượng sở hữu lên 5% từ ngày 1/3 nhưng không tiến hành công bố thông tin. Sự trùng khớp về thời gian, số lượng cổ phiếu đã khiến thị trường đặt ra nghi vấn công ty có mối liên hệ với EIB này chính là tổ chức nhận chuyển nhượng từ Temasek Holdings, và cũng góp phần trong 51% cổ phần ủy quyền mà EIB công bố trước thềm ĐHCĐ của Sacombank. Đây cũng là thời điểm STB liên tiếp có những phiên giao dịch thỏa thuận trên 20 triệu cổ phiếu trong suốt 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, mà đỉnh điểm là ngày 5/6 với 51 triệu đơn vị.
Ngay sau đó, 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần của Sacombank là ông Trần Phát Minh, Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Exim và Đầu tư Tài chính Á Châu đều nhanh chóng bán bớt cổ phiếu STB với lượng đủ để kéo tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức bắt buộc công bố thông tin. Không những thế, việc giảm vốn này còn được 3 cổ đông trên thực hiện "chui", tức là không công bố trên Sở Giao dịch, mà chỉ có bản thông báo trên trang web của Sacombank.
Nếu kịch bản Trầm Trọng Ngân thoái vốn thành hiện thực và số cổ phần trị giá gần 1.000 tỷ đồng này (theo giá cổ phiếu STB ngày 17/12) được chia đều trên thị trường thay vì rơi vào tay các cổ đông cá nhân hoặc tổ chức của STB thì ông Đặng Văn Thành, cựu chủ tịch Sacombank sẽ trở thành cổ đông cá nhân lớn thứ 2 của nhà băng này, sau ông Trần Phát Minh. Trước đó, với việc ông Đặng Hồng Anh rút khỏi HĐQT Sacombank, gia đình họ Đặng đã không còn ai nắm giữ ghế tại nhà băng này sau gần 20 năm liên tục là Chủ tịch STB.
Hạ Minh
Theo Infonet