Những chuyện khác thường của Chúa đảo Tuần Châu
Bỏ 80 tỷ đồng lấp biển, xây đường khi kinh tế đang khủng hoảng - ông Đào Hồng Tuyển nổi tiếng với những dự án bị coi là "điên rồ".
Năm 1997, Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc Đào Hồng Tuyển lập ra một trong những dự án được coi là điên rồ nhất thời đó: Đầu tư 80 tỷ đồng mua đất để lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại sẽ được khai thác 98 ha đất trên đảo. Dự án khởi động đúng lúc kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, có thời điểm không thể huy động cũng như vay thêm vốn từ ngân hàng, bạn bè xa lánh do sợ ông vỡ nợ, phá sản. 3 năm sau, con đường ra đảo hoàn thành, trở thành biểu tượng chinh phục thiên nhiên của người Quảng Ninh lúc bấy giờ.
15 năm sau đó là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo".
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi hiện sở hữu bao nhiêu tài sản, ông Tuyển nói: "Giá đất ở đây là khoảng 14 triệu đồng/m2, chỉ cần bán 300 ha là sẽ có khoảng 2 tỷ USD". Chúa đảo Tuần Châu chia sẻ, để biến một trong những làng chài nghèo nhất Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX trở thành vùng đất "vàng ròng" như hôm nay, ông đã vượt qua "cả một rừng chông gai và một biển đau thương".
Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển ở lại TP HCM lập nghiệp. Công việc của ông trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Ông cho biết, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ. Căn nhà đó, sau khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại như một lời nhắc nhở bản thân về một thưở hàn vi.
Với ông Đào Hồng Tuyển, không dám nghĩ những điều điên rồ, động trời thì khó có thể thành công lớn được. |
Vào những năm đầu thập kỷ 90, Đào Hồng Tuyển mua lại những nhà xưởng từ chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón... Ông từng nắm tới 80% thị phần nước giải khát ở miền Nam và có một số sản phẩm nổi tiếng ở miền Bắc. Khi Coca và Pepsi đổ bộ vào Việt Nam, phần lớn nhà máy sản xuất nước giải khát của Đào Hồng Tuyển dừng sản xuất. Hiện nay một số sản phẩm của ông vẫn còn trên thị trường như nước khoáng Đảnh Thạnh, phân bón Bình Điền 2.
Chúa đảo Tuần Châu luôn tâm niệm, nếu không dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, thì sẽ khó có những thành công và thay đổi to lớn. "Tuần Châu, hòn đảo đất ấy, đã có hàng triệu năm nay rồi, tại sao lại đến tay tôi mới trở thành Tuần Châu như ngày hôm nay? Người Pháp cũng từng đến nhưng cũng chỉ vì con đường không dám làm, không có chuyên môn kỹ thuật để làm... Ở Việt Nam, ai là người đầu tiên dám mua những chiếc tàu hai ba tầng, rất đẹp, thiết kế và sản xuất tại Pháp, giá phòng ở không dưới 600 USD/ngày đưa khách đi Vịnh thưởng ngoạn không gian?", ông chủ của đảo Tuần Châu nói.
Trong thời gian bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới, ông Tuyển lệnh cho mỗi nhân viên phải nhắn ít nhất 100 tin bầu chọn, tiền cước phí sẽ được công ty thanh toán. Bản thân vị chủ tịch cũng gửi đi tới 110.000 tin nhắn qua 500 chiếc điện thoại khác nhau, và "đã nhảy lên vì sung sướng" khi Vịnh Hạ Long được vinh danh.
Đến nay, ông chủ đảo Tuần Châu đã có trong tay hòn đảo du lịch rộng 670 ha với đội 5 du thuyền hạng sang. Ngoài chức Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông còn sở hữu 18 công ty thành viên trải dài từ Bắc đến Nam với hàng vạn lao động, và ấp ủ ước mơ “mang một Tuần Châu thu nhỏ đặt vào lòng thủ đô” qua dự án Khu du lịch sinh thái Ecopark Tuần Châu.
Ông Đào Hồng Tuyển sinh năm 1954, từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số vào thời gian chống Mỹ. Hiện ông là Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.
Công trình đảo Tuần Châu của ông Tuyển hiện có khu vườn ẩm thực rộng khoảng 20.000 m2 với 14 khu nhà Ngọc Châu, Vườn Đào, Thuỷ Đình, Suối Thiên Thai cùng lúc có thể phục vụ cho 3.000 du khách. Hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4 sao có khoảng gần 1.000 phòng, cùng nhiều công trình đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam như câu lạc bộ cá heo, hải cẩu sư tử biển, câu lạc bộ biểu diễn cá sấu. Nơi đây từng 3 lần được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và các sự kiện lớn khác. Đào Hồng Tuyển cũng là một người nổi tiếng với các dự án quỹ từ thiện. Ông đã ủng hộ các vùng bị bão số 7 năm 2005 một căn biệt thự mới xây chưa sử dụng và được bán đấu giá 12 tỷ đồng, mua tấm thiệp giá 600 triệu đồng ủng hộ quỹ vì người nghèo và tặng 1 triệu USD cho quỹ giúp đỡ các cựu chiến binh đoàn tàu không số. |
Bài tiếp: Minh Him Lam - Người làm từ thiện lớn nhất Việt Nam
Hạ Minh
Theo Infonet