Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chuyến bay đầy rác, bẩn thỉu ở Mỹ

Thực trạng này cũng gây ra một cuộc tranh luận về việc các tiếp viên hàng không hay hành khách phải chịu trách nhiệm cho đống lộn xộn trên chuyến bay.

Trong đoạn video được quay trên chuyến bay từ Quần đảo Canary tới London (Anh) gần đây của hãng hàng không Ryanair, ống kính lia khắp sàn bên dưới 2 hàng ghế của hành khách, cho thấy tấm thảm đầy những vụn bim bim.

“Phi hành đoàn nói với chúng tôi rằng họ không dọn dẹp giữa các chuyến bay”, tài khoản này cho biết.

Ở video khác, trên một chuyến bay ở Australia của hãng hàng không Qantas, một hành khách dùng tay đập mạnh vào ghế và một đám bụi trắng dày đặc bốc lên.

du lich anh 1

Vụn bim bim rơi đầy trên sàn trên chuyến bay của Scott. Ảnh: ScottandSals.

Du lịch thời Covid-19 rất hỗn loạn và gây bức bối, New York Times nhận định. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng tương đối sạch sẽ khi nhiều hãng hàng không cam kết thực hiện biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt ngay từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều hành khách cũng chủ động tự lau chùi khu vực ngồi của mình vì cảnh giác cao với virus.

Thế nhưng, trong tuần qua, lần lượt 2 video về khung cảnh bẩn thỉu trên máy bay được chia sẻ rộng rãi, làm dấy lên lo ngại về hình ảnh khoang hành khách sạch sẽ sẽ sớm biến mất như quy định đeo khẩu trang hậu đại dịch.

Scott (23 tuổi, Essex, Anh), người đăng tải video trên chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Ryanair, cảm thấy khó chịu với thái độ của phi hành đoàn.

du lich anh 2

Ghế hành khách đầy bụi trên chuyến bay gần đây của hãng hàng không Qantas.

Nói với New York Times, anh cho biết “rác ở khắp mọi nơi”. Ngoài bim bim rơi vãi trên lối đi, anh còn thấy đồ uống đổ trên sàn và thứ có vẻ là bãi nôn.

Các tiếp viên hàng không không chỉ nói với anh rằng dọn dẹp không phải nhiệm vụ của họ, mà còn từ chối đề nghị lau chùi khu vực ngồi của Scott.

Thế nhưng, khi đăng tải video đó lên các kênh mạng xã hội, anh ngạc nhiên khi thấy nhiều trong số hơn 2.000 bình luận tỏ ý bảo vệ tổ bay, như “Họ chỉ có 25 phút trên mặt đất thôi nên đừng đổ lỗi cho họ, hãy trách những người vô ý thức để lại rác”, “Nếu vé máy bay của tôi loại giá rẻ, tôi không ngại đống bừa bộn đó”...

Mặt khác, chính sách của hãng hàng không về việc dọn dẹp có phần chưa rõ ràng. Tháng 5/2020, Michael O’Leary, giám đốc điều hành của Ryanair, nói với The Times rằng hãng không có thời gian để dọn dẹp giữa các chuyến bay và chỉ làm sạch sâu chỉ một lần/ngày.

Trong khi đó, một phát ngôn viên cũng của hãng này viết rằng: “Máy bay của chúng tôi được làm sạch mỗi lần hạ cánh”.

Thực tế cho thấy nhiều hãng đã từ bỏ tiêu chuẩn làm sạch được thiết lập trong thời gian đại dịch. Khi Covid-19 mới bùng phát, hầu hết hãng hàng không cam kết thực hiện biện pháp vệ sinh toàn diện và nghiêm ngặt.

Thế nhưng, lời hứa này dần mai một vì nhiều lý do liên quan tới chi phí, sự bất tiện và khoa học.

du lich anh 3

Tiếp viên hàng không không có trách nhiệm làm sạch, hút bụi hay lau chùi. Ảnh: Laurent Gillieron/EPA.

Ví dụ, tháng 6/2020, hãng United Airlines cho biết sẽ khử trùng các cabin bằng cách phun sương tích điện giữa mỗi chuyến bay. Tới tháng 7/2021, hãng nói với The Points Guy rằng họ đã chuyển sang cách khử trùng khác chỉ 1 lần/tuần.

Đầu năm, hãng JetBlue đã ngừng đưa đội vệ sinh chuyên nghiệp để làm sạch bàn ăn giữa các chuyến bay, một hoạt động mà họ bắt đầu thực hiện kể từ mùa xuân năm 2020, theo một tiếp viên hàng không của hãng.

Tương tự, tháng 8/2020, hãng Southwest cho biết họ đã ngừng khử trùng tay vịn và dây an toàn giữa các chuyến bay.

Tất nhiên, thu dọn rác trên sàn máy bay khác với việc dùng chất hóa học khử virus. Một số hãng hàng không như American Airlines đưa đội vệ sinh vào giữa mỗi chuyến bay, hãng hàng không cho biết. JetBlue chỉ làm vậy đối với các chuyến bay đến từ nước ngoài.

Trong các chuyến bay nội địa, hãng này, cũng như Southwest, sẽ dựa vào việc tổ bay đi thu gom rác, dọn dẹp nhẹ nhàng trong khi hành khách còn đang trên máy bay.

Nhìn chung, các tiếp viên hàng không chỉ có trách nhiệm tạo cơ hội cho hành khách vứt rác ngay trên chuyến bay, không phải hút bụi hay lau chùi. Đó là nhiệm vụ của đội chuyên thực hiện vệ sinh - những người có thể không xuất hiện liên tục do sự điều phối của hãng, theo New York Times.

“Các tiếp viên hàng không không phải người giúp việc”, Nicole D. Lawson, một tiếp viên hàng không đến từ bang New Jersey (Mỹ), khẳng định.

Trào lưu 'dậy sớm để thành công' trên TikTok bị chỉ trích

Chuyên gia sức khỏe cảnh báo về một số rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khi người trẻ tìm mọi cách, kể cả hy sinh giấc ngủ, để hoàn thành "chu trình 5-9".

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm