Dịp rằm tháng Giêng, người dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại chuẩn bị mâm cỗ cao với những chú gà ngồi, đứng, bay... dâng lên bàn thờ dòng họ cầu mong một năm sung túc.
Mâm cỗ cao, với những con gà luộc có dáng thế độc đáo dâng lên bàn thờ dòng họ trở thành nét truyền thông của người dân Lộc Hà. Để tạo những thế gà đặc biệt, đẹp mắt đòi hỏi nhiều công phu nên con cháu trong dòng tộc phải chính tay làm nên.
Gà trên mâm cỗ người dân nơi đây đặc biệt hơn các vùng quê khác vì có nhiều dáng, thế đứng ngồi khác nhau, độc đáo như một cuộc thi.
Gà luộc được tạo thế bay, quỳ, đứng, vươn mình phía trước, cúi phía sau được người dâng cỗ lựa chọn kỹ lưỡng từ việc chọn gà, mổ gà và uốn nắn tư thế khi lên mâm cỗ phải dâng tổ tiên.
Tại nhà thờ phái 2 dòng họ Nguyễn Đình (xã Bình Lộc), rất nhiều thế gà được các chi trong dòng họ dâng tiến.
Từ thế gà ngồi, quỳ ngậm hoa, vươn cổ phía trước như đang cất tiếng gáy...
...đến thế gà dang rộng cánh, đứng thẳng ở thế bay, ưỡn người về phía trước như hóa thành chim phượng.
Hay gà leo cây tre, ngồi trên gốc chuối, miệng ngậm hoa.
Với những người dân nơi đây, làm gà cúng đẹp không chỉ bởi sự đam mê mà hơn hết là mong muốn có những lễ vật đẹp mắt, là sự thành kính dâng lên tổ tiên để cầu mong cho một năm sung túc.
Gà được chọn phải là những con có phần mào cao, đẹp, nặng từ 3 kg trở lên. Vết cắt ở cổ gà cúng càng nhỏ càng đẹp, luộc không quá chín, đứng đúng thế người làm, da gà vàng óng.
Để tạo được gà có thế đứng thẳng tắp không phải là chuyện dễ dàng. Để gà đứng được trên các mâm cỗ, người ta phải dùng những chiếc đinh dài đâm xuyên vào chân để nó có thể đứng vững. Do có sự khéo léo của người làm gà nên nhìn bên ngoài không phát hiện được chiếc đinh tạo thế
Ông Nguyễn Đình Quyền (54 tuổi, xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà) cho biết năm nào cứ đến rằm gia đình đều làm mâm cỗ đầy đủ xôi gà, hoa quả mang đến nhà thờ họ để dâng lên tổ tiên. "Gà của gia đình tôi đều theo thế đứng, dáng cao, đứng trên con rùa vàng được làm bằng gốc chuối sơn vàng. Năm nay dòng tộc làm đại lễ nên tôi làm 4 con cùng các loại bánh, mâm cỗ cao mang đến nhà thờ", ông Quyền nói.
Trên miệng hầu hết gà đều được gia chủ cho ngậm hoa hoặc trang trí đẹp mắt hơn. Trên cánh thường có chiếc đao bằng gỗ nhỏ tạo sự mạnh mẽ.
Từ sáng sớm nhiều người ở xa đã chuẩn bị mâm cỗ. Thứ quan trọng nhất là con gà đã được tạo dáng mang đến nhà thờ họ để đặt đúng vào vị trí bậc thứ đã được trưởng họ quy định từ trước.
Nhiều người ở gần thì đi bộ mang xôi, bánh chưng, bánh giày và mâm hoa quả sang trước. Người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ tự tay mang con gà đã được tạo thế kính cẩn mang qua nhà thờ họ đặt lễ.
Gia chủ mang lễ đến đặt phải uốn nắn lại chú gà đúng thế theo ý muốn, phía dưới là bánh chưng, bánh giầy, mâm ngũ quả và cau trầu. Những mâm cỗ sau khi tế lễ sẽ được người đứng đầu trong dòng họ bình xét và có trao món quà tinh thần.
Ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng họ Nguyễn Đình nhánh 2 cho biết cứ rằm là con cháu dòng họ lại mang mâm cỗ có gà, bánh mang đến nhà thờ. "Cứ 10-12 năm là dòng họ lại tổ chức đại lễ, làm trong 3 ngày từ yến tiệc đến khảo gia phổ (gia phả) và tế lễ vào ngày rằm. Đại lễ ngoài xôi gà thì còn có heo, bò, dê tùy theo điều kiện. Lễ xong các lễ vật chia cho con cháu trong họ hưởng lộc", ông Trung chia sẻ.
Bất chấp cái lạnh 16 độ C, hàng nghìn phật tử và khách thập phương vẫn đổ về chùa Phúc Khánh chiều và tối 23/2 để dự lễ khoá sao La Hầu cho bản thân và người thân trong gia đình.