Buộc thai phụ nhìn tượng anh hùng để sinh con dũng cảm
Chính quyền thành phố Sparta, Hy Lạp. buộc các thai phụ nhìn tượng anh hùng mỗi ngày để sinh con dũng cảm. Ảnh minh họa: Blogspot.com |
Vào thời cổ đại, học thuyết giả khoa học về ấn tượng của mẹ lưu truyền rộng rãi ở châu Âu. Theo học thuyết đó, trong quá trình phát triển, thai nhi chịu ảnh hưởng từ những thứ bà mẹ thấy. Với người cổ đại, đó là điều hiển nhiên như sự tồn tại của thần Zeus và các nữ thần. Vì thế, các nhà nước cổ đại cũng ban hành luật hà khắc về việc mang thai.
Thành phố Sparta, Hy Lạp, là nơi thi hành luật nghiêm ngặt nhất. Để tránh thế hệ sau trở thành kẻ vô dụng, tầng lớp cai trị đã thông qua một đạo luật buộc phụ nữ mang thai dành thời gian cố định mỗi ngày để nhìn chằm chằm vào bức tượng các vị anh hùng và những người đàn ông nam tính. Họ cho rằng chính sách này giúp trẻ em trong thành phố mạnh mẽ và can đảm hơn.
Đây không phải là trường hợp duy nhất lý thuyết về ấn tượng của mẹ ảnh hưởng đến luật pháp cổ. Vào thế kỷ XIII, người dân thành Rome đồn đại rằng một phụ nữ đã sinh ra đứa trẻ giống như gấu. Ngay lập tức, Đức Giáo hoàng Martin IV ra lệnh phá hủy tất cả tượng và các hình ảnh về gấu vì ông sợ trẻ con có hình dạng giống gấu sẽ xuất hiện khắp thành, The Guardian đưa tin.
Chi ngân sách để khuyến khích thanh niên tìm bạn đời và sinh con
Chính phủ Nhật Bản chi hàng triệu USD để khuyến khích thanh niên hẹn hò, tìm bạn đời và sinh con. Ảnh minh họa: Blogspot.com |
Năm 2014, tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Cả nước rơi vào cuộc khủng hoảng dân số khi các chuyên gia dự báo đến năm 2050, dân số sẽ giảm 30 triệu người. Đầu năm 2014, chính phủ quyết định chi 30 triệu USD vào chương trình hẹn hò và ghép đôi cho thanh niên.
Kết quả, họ bơm hàng tỷ yên vào các sáng kiến như konkatsu, chương trình do chính phủ tổ chức để giới trẻ gặp gỡ vì mục đích kết hôn và sinh con. Một số chính quyền địa phương thành lập cơ quan hẹn hò. Tỉnh Ibaraki thậm chí còn khuyến khích những người độc thân tự nguyện đăng ký thông tin cá nhân vào kho dữ liệu chung để nhân viên chính phủ giúp họ tìm bạn đời thích hợp.
Nhật Bản không phải là nước châu Á duy nhất gặp vấn đề về tỷ lệ sinh. Năm 2012, Đài Loan công bố kế hoạch mà theo đó, chính quyền sẽ trợ cấp cho các công ty lớn để họ tổ chức “ngày hẹn hò” cho nhân viên, The Guardian đưa tin.
Cấm xây kiểu căn hộ cho người độc thân nhằm tăng tỷ lệ sinh
Chính phủ Singapore cấm các công ty xây dựng thiết kể kiểu căn hộ dành cho người độc thân để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp. Ảnh minh họa: Blogspot.com |
Tương tự Nhật Bản và Đài Loan, Singapore đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Gần đây, chính phủ chi 1,5 tỷ USD vào các biện pháp nhằm cải thiện tỷ lệ sinh thông qua mọi phương tiện cần thiết. Họ đầu tư một phần ngân sách vào các phim hoạt hình giáo dục cung cấp lời khuyên về cách tán tỉnh và tránh tình huống khó xử khi hẹn hò. Chính quyền địa phương cũng phát “sổ tay hẹn hò” cho phụ nữ độc thân.
Ngoài việc tuyên truyền công khai, người ta đồn rằng Singapore còn sử dụng các biện pháp tinh vi hơn để tăng tỷ lệ mang thai. Theo BBC, thời gian gần đây, Ủy ban Tái phát triển Đô thị đã ra lệnh cấm các công ty xây dựng thiết kế kiểu căn hộ dành cho người độc thân. Thay vào đó, họ sẽ xây dựng những căn hộ dành cho gia đình hoặc hai người. Các nhà chức trách hy vọng không gian sống rộng sẽ thúc đẩy chủ nhà nhanh chóng tìm người ở chung.
Phụ nữ mang thai ngoài giá thú phải ngồi tù
Luật pháp Qatar quy định những người mang thai ngoài giá thú phải ngồi tù đến một năm. Ảnh minh họa: Wordpress.com |
Pháp luật Qatar về việc thực thi các chuẩn mực đạo đức rất nghiêm khắc. Họ có thể tống những người đồng tính luyến ái vào tù, vụt roi vào cơ thể người say rượu ở nơi công cộng. Người lao động người nước ngoài làm việc tại đây thường vướng vào pháp luật vì những quy định mà họ không thể ngờ. Trong những quy định đó, các quy định về việc mang thai đáng sợ nhất.
Theo luật pháp Qatar, những người có một đứa con ngoài giá thú có thể ngồi tù đến một năm. Quy định này đặc biệt nghiêm khắc đối với người nước ngoài. Người ta ước tính khoảng 100 phụ nữ nước ngoài ngồi tù mỗi năm vì sinh con khi chưa kết hôn. Vì thế, pháp luật buộc phụ nữ phải sinh con tại bệnh viện để tránh trường hợp họ sinh con trái phép tại nhà và giấu nó, Doha News cho hay.
Phụ nữ nước ngoài hầu như không thể tự ý rời khỏi Qatar. Theo luật nhập cư, những người nước ngoài muốn làm việc tại đây phải có người bảo trợ và chỉ về nước khi họ cho phép. Tuy nhiên, một số người bảo trợ trợ cấm người lao động về nước khi đang mang thai. Ngoài ra, phá thai là hành động bất hợp pháp ở Quatar. Vì thế, ngồi tù là lựa chọn duy nhất của phụ nữ mang thai ngoài giá thú.