Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang chia rẽ về cuộc khủng hoảng tại Syria, Mỹ và các nước đồng minh có thể tìm kiếm những cách thức khác để hợp pháp hóa những cuộc tấn công chống chính phủ Syria nếu họ chứng minh được rằng chế độ của Bashar al-Assad đã sát hại hàng trăm dân thường bằng khí độc vào tuần trước.
15 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quan điểm trái ngược nhau về Syria từ năm 2011. Nga, đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad, và Trung Quốc đã ba lần bác nghị quyết lên án và trừng phạt chế độ Assad. Nếu Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác "phớt" Hội đồng Bảo an và tấn công Syria, chắc chắn Nga sẽ nổi giận và gọi đó hành động phi pháp.
Song trước đây Mỹ từng can thiệp vào các xung đột mà không cần sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an – như cuộc chiến Kosovo năm 1999. Và họ có thể diễn lại kịch bản đó trong trường hợp Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: ABC. |
Richard Haas, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, bác bỏ ý kiến về việc phương Tây cần sự tán thành của Liên Hợp Quốc nếu họ muốn đánh Syria.
“Hội đồng Bảo an không phải là cơ quan duy nhất quyết định một hành vi là hợp pháp hay phi pháp. Nếu ai đó nói Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất quyết định tính hợp pháp thì quan điểm đó sẽ không được ủng hộ, bởi nó cho phép một nước bất kỳ trong Hội đồng Bảo an trở thành trọng tài để phân xử luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế”, ông phát biểu.
Tấn công vào Syria sẽ trở thành hành động hợp pháp nếu một liên minh quốc gia ủng hộ việc trừng phạt Assad để chứng minh rằng cộng đồng quốc tế sẽ không tha thứ cho hành vi sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Haas khẳng định. Liên minh đó có thể bao gồm các nước Ả rập. Họ sẽ nhận sự ủng hộ chính thức từ Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các tổ chức khác.
Các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu trích dẫn việc (NATO) từng thực hiện các chiến dịch dội bom để buộc Nam Tư rút quân khỏi Kosovo. Trong trường hợp đó, Mỹ đã "phớt lờ" vai trò của Liên Hợp Quốc để tránh sự phủ quyết của Nga.
Richard Gowan, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Đại học New York, nói rằng Liên đoàn Ả rập có thể tán thành tấn công quân sự nhằm vào Syria, hành động mà họ từng thực hiện với Libya vào năm 2011. Đây là một lợi thế đối với Washington.
Tổng thống Barack Obama luôn tỏ ra khác biệt với người tiền nhiệm George W. Bush về chính sách đối ngoại bằng cách cho thấy ông là người theo chủ nghĩa đa phương. Chắc chắn ông muốn dư luận coi việc can thiệp bằng vũ lực là hành động hợp pháp nếu Mỹ tấn công chế độ Assad. Song những lời bình luận gay gắt và cứng rắn về chính phủ Syria của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và việc hải quân Mỹ đang bố trí lại lực lượng trong Địa Trung Hải cho thấy có lẽ Obama sẽ quyết định tấn công Syria, bất chấp những trở ngại mà ông có thể đối mặt.
Hôm 26/8, Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng, đã lảng tránh khi phóng viên hỏi rằng liệu Obama sẽ tìm kiếm sự tán thành của Liên Hợp Quốc hay quốc hội Mỹ nếu ông quyết định tấn công Syria hay không. Carney chỉ nói rằng chính phủ Syria đã “vi phạm thông lệ quốc tế một cách rõ ràng khi họ sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường.
Bên cạnh sự ủng hộ của NATO và Liên đoàn Ả rập, ông Obama còn một số giải pháp khác để hợp pháp hóa đòn tấn công Syria.
Điều 51 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định “quyền tự vệ riêng rẽ hoặc tập thể của thành viên Liên Hợp Quốc nếu một cuộc tấn công vũ trang chống một thành viên Liên Hợp Quốc xảy ra”. Về lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel có thể yêu cầu Mỹ và các đồng minh hỗ trợ “tự vệ” do bạo lực từ cuộc nội chiến Syria đã tràn sang lãnh thổ của họ.
Ngoài ra, Liên Hợp Quốc còn có nghị quyết “Đoàn kết vì hòa bình” vào năm 1950, theo đó Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể triệu tập phiên họp khẩn cấp để giải quyết các vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh quốc tế khi Hội đồng Bảo an không thể quyết định do bất đồng giữa các thành viên thường trực. Nghị quyết này cho phép Mỹ và các nước đồng minh tránh những nỗ lực của Liên Xô cũ trong việc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn lực lượng của Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.Một số nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc nhận định rất có thể Mỹ sẽ không dùng nghị quyết “Đoàn kết vì hòa bình” hoặc tìm kiếm sự ủng hộ chính trị từ Đại hội đồng dưới dạng một nghị quyết không ràng buộc nhằm hợp pháp hóa việc tấn công quân sự vào Syria.
Mặc dù nghị quyết không ràng buộc của Đại hội đồng chẳng thể có giá trị pháp lý như sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, nó vẫn chứng tỏ một điều rằng phần lớn thế giới sẽ ủng hộ việc đáp trả vụ tấn công bằng khí độc – miễn là phần lớn trong 193 nước thành viên Đại hội đồng ủng hộ Mỹ. Mọi phiên bỏ phiếu về Syria của Đại hội đồng đều có thể mang đến kết quả mà Washington mong đợi, bởi phần lớn thành viên Đại hội đồng phản đối Tổng thống Assad.
“Trông đợi sự ủng hộ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là một lựa chọn đầy hứa hẹn với Mỹ”, Gowan bình luận.