Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chiêu lừa thường gặp khi đi thuê phòng

Ép khách thuê đặt nhiều tiền cọc, lật ngược những thỏa thuận ban đầu, thu thêm hàng loạt phí… là những cách nhà chủ moi tiền người đi thuê.

Sau bài chia sẻ của bạn Trương Minh Phụng về chiêu lừa mới khi thuê phòng trọ, hàng loạt độc giả của Zing.vn cũng lên tiếng về những việc mình đi thuê phòng và bị lừa. Những câu chuyện dù khác nhau về người cho thuê, thời gian, địa điểm, song nhóm đối tượng lừa khách thuê phòng đều có chung công thức.

Trước hết, họ dán thông báo cho thuê phòng trên cột điện gần các trường đại học, cao đẳng với thông tin hấp dẫn để thu hút người đi đường. Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, khách thuê sẽ được giới thiệu những căn phòng đẹp, rộng, thoáng cùng hàng loạt yếu tố thuận lợi như giá rẻ, toilet sạch sẽ, giá điện, giá nước mềm, chổ để xe an toàn… Thậm chí, có nơi còn miễn phí cả Internet và cáp xem ti vi.

Ảnh: Một Thế Giới

Khi khách đồng ý thuê phòng, người này sẽ yêu cầu khách đặt cọc với số tiền khá cao. Đổi lại, người này sẽ ghi giấy nhận đặt cọc cùng các khoản thỏa thuận. Vài ngày hay khi đến hẹn, khách thuê trở lại để ký hợp đồng, sẽ gặp một người khác với hàng loạt cách khiến khách thuê “bỏ của chạy lấy người”.

Đưa ra hàng loạt yêu sách mới

Dù cầm trên tay giấy đặt cọc có ghi rõ tất cả thỏa thuận của người nhận đặt cọc, song khi khách đến nhận phòng, người cho thuê sẽ đưa ra hàng loạt khoản tiền khác nhau yêu cầu khách phải đóng. Thông thường, những khoản ấy gồm tiền gửi xe, tiền mặt bằng, tiền điện nước... Thậm chí, có nơi còn bắt đóng... tiền đăng ký tạm trú với công an phường.

Nếu may mắn không bị yêu sách trước khi dọn về, thì sau đó, bạn cũng có thể phải "cuốn chiếu bỏ chạy" với hàng loạt chiêu vòi tiền của chủ nhà. 

Một bạn đọc kể, theo thỏa thuận ban đầu, tiền nước là 70.000 đồng một người. Đến tháng thứ hai, chủ nhà kêu ca là hóa đơn tiền nước tăng, mọi người góp chút đỉnh để chủ đỡ thiệt và thu 100.000 đồng/người. Tháng tiếp theo, cũng chiêu đó, chủ nhà yêu cầu mỗi người đóng 150.000 đồng/tháng. Nếu bức xúc, bạn sẽ bị "mời" đi chỗ khác sống, mất khoản tiền cọc hoặc phải đóng tiền bồi thường.

“Mình thuê phòng cho nhỏ em là sinh viên năm nhất. Sau khi bị lừa mất 1 triệu thì cũng có phòng. Ở tạm được nhưng sau vài ngày, họ bắt đóng tiền gửi xe là 300.000 đồng/tháng. Vài ngày sau lại bắt đóng tiền cáp 100.000/đồng đồng dù em mình không có ti vi. Sau đó đóng thêm 100.000 đồng tiền internet, dù em mình xài 3G, rồi 100.000 tiền đăng ký gì đó. Ở được 20 ngày thì đòi tăng tiền phòng từ 800 ngàn lên 1 triệu. Vậy là từ mức giá 800.000 đồng/ tháng ban đầu, sau hàng loạt khoản, đội lên đến 1,5 triệu/tháng. Sợ càng ở càng phát sinh thêm nhiều khoản khác, em mình đành bỏ tiền cọc, đi thuê phòng khác”, một bạn đọc chia sẻ.

Đưa đến phòng khác giá cao

Khi khách làm căng nhất định đòi được phòng, một số đối tượng sẽ hứa hẹn dẫn đến nơi khác, điều kiện tốt hơn. Song những nơi được dẫn đến không chỉ xập xệ mà giá còn cao hơn. Vài lần như thế, khách thuê đâm nản, chủ động bỏ tiền cọc, đi kiếm phòng khác.

Phòng của côn đồ

Không rơi vào trường hợp như ở trên, song bạn đọc Ngân Quỳnh cũng “hú hồn” khi trở lại sau khi đặt cọc. Căn phòng bạn định thuê đầy những nam thanh niên xăm khắp người, ăn nói cộc cằn. "Trước viễn cảnh sống chung với lũ, mình rút trước cho an toàn", bạn nói thêm.

Cho địa chỉ ma

Ngoài trường hợp đặt cọc sau khi coi phòng và bị lừa, một số đối tượng còn nói với khách thuê mình là chủ của nhiều dãy phòng cho thuê. Khách cứ đặt tiền cọc, họ sẽ ghi giấy biên nhận. Khách mang giấy đến chỗ X, Y… sẽ có người sắp xếp phòng.

Bạn đọc Mỹ Hoa chia sẻ kinh nghiệm đau thương: “Khi tôi đi tới những địa điểm đó rồi đưa tờ giấy ra thì nhận được câu trả lời không có liên hệ, cũng như không biết về thông tin trên giấy. Tôi quay lại địa điểm cũ hỏi thì nhận được câu trả lời: 'Đây là dịch vụ'. Tôi đòi lại tiền cọc thì họ bảo: 'Chúng tôi đã giới thiệu chị tới địa điểm thuê phòng nên phải trả phí'. Tôi đành phải đi về mà biết rằng là mình bị lừa 300.000 đồng”.

Các bí kíp tránh bị lừa khi đi thuê phòng

Cách tốt nhất đối với các bạn sinh viên mới nhập học, hoặc lên thành phố thi đại học là hãy ở trong KTX của trường. Nếu các bạn có quen biết với các anh chị khóa trên, hãy nhờ họ tìm phòng hộ hoặc xin ở chung cho tới khi tìm được chỗ mới.

Trong trường hợp buộc phải thuê phòng, các bạn nên yêu cầu gặp thẳng chủ phòng trọ, khi trao tiền cọc phải có giấy viết tay cụ thể. Trong đó phải ghi một số thỏa thuận cơ bản như địa chỉ phòng, số phòng, tiền phòng cố định trong bao lâu không thay đổi, tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, sử dụng Internet. Bạn cũng cần hỏi rõ chi phí phát sinh. Một sinh viên tại TP. HCM khuyên: "Đó là quyền của các bạn, người đàng hoàng sẽ thông cảm, còn nếu người ta mập mờ hoặc tỏ ra bất hợp tác thì chắc chắn là lừa đảo".

Trong trường hợp người cho thuê phòng đã thu tiền cọc rồi đưa ra hàng loạt chiêu trò mà không trả lại tiền, bạn hoàn toàn có thể nhờ công an can thiệp. Để vụ việc có thể giải quyết nhanh chóng, bạn nên cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan như số nhà, giấy nhận đặt cọc, hình ảnh đối tượng cho thuê. Khi thực hiện những điều này, thậm chí bạn không cần lên công an phường trình báo, các đối tượng lừa đảo cũng sẽ chột dạ mà móc túi trả tiền cho bạn.

Đó là chiêu mà bạn Phan áp dụng. Bạn kể: "Tuy lúc đó rất sợ nhưng mình vẫn ‘tỏ ra nguy hiểm’ bằng cách ghi âm lại cuộc trò chuyện, chụp lại căn nhà, tờ hợp đồng. Sau đó, mình yêu cầu họ trả lại tiền cọc, nếu không trả mình sẽ báo công an. Thấy mình có vẻ mạnh miệng (tuy rất run, vì lúc đó toàn giang hồ), nên họ nhượng bộ trả lại mình 400.000 đồng, chỉ giữ lại 100.000 đồng trong số tiền cọc gọi là cho anh em uống cà phê".

An Huỳnh (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm