Đánh lái né chốt, xuống xe đi bộ hay vội vàng đội mũ trước khi vào tầm quan sát của cảnh sát là những chiêu mà học sinh Hà Nội ứng phó với việc phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm.
|
Ngày 10/4, CSGT Hà Nội ra quân chính thức xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm với trẻ trên 6 tuổi, học sinh đi xe đạp điện tham gia giao thông. Ảnh: Anh Tuấn.
|
|
Trên các trục đường có nhiều trường học như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Hoàng Hoa Thám, Láng, Quang Trung (quận Hà Đông)... nhiều học sinh vô tư đầu trần trên xe đạp điện. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Các trường hợp ngồi sau xe máy không đội mũ cũng bị cảnh sát dừng xe. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Nữ sinh Nguyễn Hương Anh (lớp 12D4, trường THPT Việt Đức) bị cảnh sát dừng xe ngay sát cổng trường. Hương Anh cho biết, em đội mũ từ nhà nhưng khi tới ngã tư Quang Trung – Lý Thường Kiệt dừng đèn đỏ, còn cách trường chỉ vài chục mét nên đã tháo mũ ra. Ảnh: Anh Tuấn.
|
|
Theo Hương Anh, nhà trường đã thông báo với học sinh về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. "Nhưng hôm nay, em không nghĩ cảnh sát đứng ở cổng trường dừng xe", nữ sinh trường Việt Đức nói và bày tỏ sự lo lắng nếu thông tin vi phạm được gửi về trường. Ảnh: Anh Tuấn.
|
|
Tại chốt Lê Trọng Tấn - Quang Trung (quận Hà Đông), em Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo để mũ bảo hiểm trong giỏ xe. Khi cảnh sát hỏi tên và nơi học tập, nữ sinh từ chối trả lời. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Nhiều học sinh đã quay đầu xe khi thấy cảnh sát từ xa. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Hàng loạt nữ sinh ở một trường trung học ở quận Cầu Giấy đồng loạt dừng xe giữa đường, cách chốt CSGT chừng 100 m, vội vàng đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Phụ huynh cho con xuống giữa đường để tránh cảnh sát. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Thậm chí có nhóm học sinh còn kẹp 3 đi xe máy, người đội mũ người không. Thấy bóng cảnh sát, tài xế bẻ lái đi đường khác. CSGT Hà Nội cho hay, tỷ lệ vi phạm giữa nam sinh và nữ sinh là tương đương nhau. Ảnh: Hoàng Anh.
|
|
Người lớn ngồi lái không đội mũ bảo hiểm cũng bị cảnh sát dừng xe tại ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt. Cậu bé do sợ muộn học đã mếu máo khiến nhiều người đứng gần đó phải động viên, giải thích. Ảnh: Hoàng Hà.
|
|
Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội CSGT số 1 cho biết, tại điểm trường THPT Việt Đức, phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sáng 10/4, cảnh sát xử lý 9 trường hợp vi phạm trong đó 3 học sinh phải lập biên bản tạm giữ phương tiện và yêu cầu phụ huynh tới giải quyết. Hai trường hợp khác là phụ huynh chở học sinh không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà
|
|
Những học sinh bị tạm giữ xe được cảnh sát đưa tới trường học ngay sau đó. Các vi phạm chủ yếu là học sinh không đội mũ, đội mũ không đúng cách. Đa số các em đều biết về quy định nhưng không đội mũ hoặc mang mũ treo trên xe nhưng không đội. Ảnh: Anh Tuấn.
|
|
Hai học sinh Nguyễn Trường Thành và Nguyễn Trường Đạt (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) được CSGT đưa đến trường sau khi lập biên bản xử phạt. Theo Thành, ban giám hiệu nhà trường có nhắc nhở học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trước đó vài ngày. "Nhà em ở xa, buổi sáng sợ tới lớp muộn nên vội vàng và quên mũ", Thành giải thích. Còn Nguyễn Trường Đạt có mũ nhưng treo trên xe, không đội. “Em chưa biết về quy định phạt vi phạm học sinh không đội mũ bảo hiểm", Đạt nói. Ảnh: Anh Tuấn.
|
|
Sau khi được đưa đến tận cổng trường, Thành và Đạt trả lại mũ cho cảnh sát và bước vào lớp. Ảnh: Anh Tuấn.
|
Từ ngày 10/4, CSGT cả nước chính thức xử phạt phụ huynh, học sinh lái xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Theo quy định người từ 16 đến 18 tuổi được phép điều khiển xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện. CSGT sẽ phạt tiền đối với những người này khi vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, mức phạt không quá 1/2 mức tiền áp dụng với người thành niên.
Phụ huynh lái môtô, xe gắn máy chở con em (đủ 16-18 tuổi) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đạt chuẩn, không đúng quy cách khi tham gia giao thông thì ngoài phạt lái xe, người ngồi trên xe cũng bị phạt. Hành vi trên bị phạt 100.000 đến 200.000 đồng. Mức phạt này áp dụng đối với cả người điều khiển xe đạp điện (từ 16 đến 18 tuổi).
Học sinh 14-16 tuổi ngồi trên xe máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không cài quai đúng quy cách sẽ bị cảnh cáo (không phạt tiền).
Đại diện CSGT Hà Nội cho hay, với các học sinh chưa thành niên điều khiển xe đạp điện vi phạm luật giao thông, cảnh sát sẽ tạm giữ phương tiện và yêu cầu phụ huynh tới nộp phạt. Học sinh này sẽ được CSGT đưa tới trường học đúng giờ. Ngoài ra, hàng tuần, cảnh sát sẽ tổng kết gửi thông báo các vi phạm về Sở Giáo dục. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm thông báo về từng trường học và có biện pháp xử lý, giáo dục.