Những chiến tích của 'đặc nhiệm bốn chân' Hoa Kỳ
Nhảy dù, tìm kiếm bom mìn, hay thậm chí là lao vào khu vực nguy hiểm để bảo vệ cho “đồng đội”… chính là nhiệm vụ của những chú chó nghiệp vụ trong quân đội Mỹ.
Bị tấn công phục kích trong một lần làm nhiệm vụ ở Iraq, chỉ huy Dustin Lee đã được đồng đội 4 chân Lex hất ngã và nằm đè lên trong nỗ lực bảo vệ cho anh. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười với Lee khi những vết thương của anh quá nặng, cướp đi mạng sống của chàng trai Mỹ làm nhiệm vụ trên đất Iraq.
“Nó biết Dustin bị thương”, mẹ của Lee nói về Lex, chú chó nghiệp vụ chuyên tìm kiếm bom mìn của Lee ở chiến trường Iraq. May mắn hơn chủ, chú chó nghiệp vụ Lex đã vượt qua được các vết thương và trở thành một phần của gia đình Lee khi anh qua đời.
Chó nghiệp vụ cùng lính Mỹ nhảy khỏi máy bay. |
Bà Rachel, mẹ của Lee cho biết: “Khi biết tin Dustin hy sinh, một trong những điều đầu tiên tôi hỏi là về Lex bởi vì chúng vô cùng thân thiết. Cả hai đều gắn bó với nhau từ rất lâu”.
Lex là giống chó chăn cừu Đức, phục vụ trong Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Không chỉ là những chú chó, chúng thực sự là những người đồng đội vào sinh ra tử, sát cánh cùng các binh sĩ trên khắp các chiến trường. Chúng chính là những “đặc nhiệm 4 chân” trong quân đội Hoa Kỳ.
Tình cảm giữa binh sĩ Mỹ và những con chó nghiệp vụ. |
Theo Bộ Quốc phòng, có khoảng 2.700 con chó nghiệp vụ đang phục vụ trong quân đội Mỹ trên khắp thế giới. Khoảng 600 trong số những “đặc nhiệm 4 chân” này đang tham chiến ở nước ngoài bao gồm chiến trường Afghanistan, châu Phi và Kuwait. Chúng được sử dụng trong việc hỗ trợ tuần tra, phát hiện ma túy và chất nổ cũng như nghiệp vụ chuyên môn trong đó có việc góp mặt cùng đội biệt kích SEAL tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng năm năm ngoái.
Chúng thực sự là lực lượng đặc biệt vô cùng quan trọng trong những nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ. Đi tuần tra cùng lính bộ binh hay nhảy khỏi máy bay trong lòng lính dù, bơi cùng thủy quân… khiến những chú chó thực sự là những người đồng đội thân thiết của lính Mỹ. Chính vì lẽ đó, thuật ngữ “thiết bị” khi nói về chó nghiệp vụ trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang dần dần thay đổi. Debbie Kandoll, người sáng lập Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ khẳng định: “Những chú có này giống những người lính hơn là các thiết bị”.
Chó nghiệp vụ nhảy dù cùng lính Mỹ. |
Dù là một chuyên viên dân sự nhưng Kandoll lại đang giúp quân đội Mỹ đào tạo những “đặc nhiệm bốn chân” tinh nhuệ. Theo chuyên gia này ước tính, trung bình một chú chó nghiệp vụ sẽ giữ được mạng sống cho 150 binh sĩ. Như vậy, nếu một binh sĩ nào có thể làm được điều đó thì chắc chắn, anh ta sẽ được phong anh hùng và trở thành tâm điểm của báo giới trong một khoảng thời gian không ngắn.
Trên thực tế, chó nghiệp vụ đã được sử dụng từ Thế chiến I. Sau khi nhiệm vụ kết thúc, chúng được đưa về nhà. Tuy đóng vai trò và góp công rất lớn trong quân đội Mỹ nhưng cựu chiến binh Ron Aiello cho biết, hàng ngàn con chó nghiệp vụ đã bị Mỹ bỏ lại Việt Nam sau khi thất bại trên chiến trường. Trong số 4.900 con chó nghiệp vụ đã được lính Mỹ sử dụng, 1.600 con bị chết, số còn lại không có thông tin.
Một chú chó nghiệp vụ Mỹ khi phát hiện ra kẻ thù. |
Thực sự, thời điểm bấy giờ lính Mỹ chỉ coi chó nghiệp vụ là những công cụ giữ mạng trong chiến đấu. Tuy nhiên, năm 2000, cựu tổng thống Bill Clinton đã kí đạo luật cho phép những chú chó nghiệp vụ được đưa trở lại Mỹ sau khi nhiệm vụ kết thúc, thay vì bỏ lại phía sau như quá khứ. Những con chó thực sự được coi là chiến binh và thành viên của lục lượng vũ trang mang tên K-9. Nếu lập công, chúng cũng sẽ được trao huy chương như những người lính thực thụ.
Tuy nhiên, một vấn đề khác lại đang gây rắc rối cho các nhà lập pháp và quân đội Mỹ. Những chú chó nghiệp vụ chỉ được phép làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian kéo dài 9 năm trước khi giải ngũ. Như vậy, nếu những chú chó này đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài vào đúng thời điểm đó, chúng sẽ không được quân đội chi trả những chi phí để đưa về nhà. Và khoản tiền ước tính 2.000 USD để đưa mỗi con chó nghiệp vụ về nước đang làm dấy lên những tranh cãi.
Chú chó chơi đùa bên trên chiếc xe bọc thép khi không phải tham chiến. |
Không những vậy, các gia đình nhận nuôi những con chó này sẽ phải đối mặt với chi phí thú y khá lớn bởi chúng được huấn luyện khá đặc biệt trong quân đội. Sau khi nghỉ hưu, chúng sẽ thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề hậu chiến như viêm khớp, rối loạn căng thẳng hậu chiến và cả những vết thương tâm lí, khiến khó tìm được gia đình nhận nuôi.
Dù không còn bị bỏ lại chiến trường nhưng những chú chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ lại đang phải đối mặt với nguy cơ cô độc ngay chính tại nơi chúng được đào tạo để trở thành lực lượng đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ.
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn