Chiến thuật “tắt đèn” không làm khó được Việt Nam
Sau khi tung nhiều chiêu không ăn thua, ngày 28/5, Trung Quốc sử dụng chiến thuật mới. Đêm đến, các tàu quân sự tắt hết đèn, thả trôi tự do nhằm gây nguy hiểm cho các tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến thuật này không làm khó được lực lượng Việt Nam. Trả lời Zing.vn, ông Hà Lê - Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết, “chúng ta hoàn toàn chủ động”.
Dù bị dẫn dụ vào nhiều chiêu bài mới của tàu Trung Quốc nhưng lực lượng Việt Nam không hề nao núng. Ảnh: Tuổi trẻ |
“Ngoài việc quan sát bằng mắt thường, chúng ta còn phải quan sát bằng các thiết bị khác nữa. Vì họ thay đổi chiến thuật như vậy, nếu mất cảnh giác, ta sẽ bị động nhưng vì đã nhìn ra chiến thuật này nên các tàu Việt Nam không vấp phải nhiều khó khăn”, ông Hà Lê chia sẻ.
Nhân bản chiến thuật “ruồi bu”
Sự xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc trong ngày 3/6 là một sự thay đổi chiến thuật: chiến thuật “ruồi bu”. Theo Tuổi Trẻ, hàng trăm tàu cá Trung Quốc được điều đến vùng biển Hoàng Sa và về hướng giàn khoan Hải Dương 981.
Các tàu cá này không thực hiện việc đánh bắt, đồng loạt tiến đến phía các tàu Việt Nam chừng một hải lý thì vây quanh tạo thành vòng cung khép kín, khiến việc di chuyển của các tàu Việt Nam có phần khó khăn hơn những ngày trước.
Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, việc xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc là một sự thay đổi chiến thuật, bao vây, gây khó khăn cho tàu chấp pháp Việt Nam; dùng các tàu cá giả dạng để cho rằng ngư dân Trung Quốc đồng tình với nhà nước, biến tranh chấp chủ quyền thành vấn đề dân sự hòng thay đổi hình thức đấu tranh; nếu có va chạm thì lại vu vạ là tàu chấp pháp Việt Nam đâm tàu cá...
Chiến thuật này từng được Trung Quốc áp dụng trong việc tranh chấp với Nhật ở vùng đảo Senkaku.
Bị soi đèn pha, phun vòi rồng, Việt Nam không “lóa” mắt
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, đêm 4/6, rạng sáng 5/6, Trung Quốc lại dùng thủ đoạn mới nhằm triệt hạ các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Theo đó, Trung Quốc cho một tàu dùng đèn pha rọi vào tàu Việt Nam để tàu khác phun vòi rồng, hú còi. Mong muốn của Trung Quốc khi sử dụng chiến thuật này là làm cho lực lượng kiểm ngư “lóa”, không nhìn thấy xung quanh, các tàu Trung Quốc cũng dễ dàng phun vòi rồng. Tuy vậy, lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn không nao núng và quyết tâm bám trụ đến cùng.Ngoài hành động ngăn cản, đâm va, trong ngày, tàu cá Trung Quốc cùng các tàu khác cố tình tìm cách vu cáo lực lượng kiểm ngư đâm vào họ.
Tàu Việt Nam vòng tránh an toàn trước chiến thuật “khóa đuôi, áp sát”
Ngày 4 - 5/6, các tàu Trung Quốc tiếp tục đưa ra chiến thuật mới là mở đường để tàu chấp pháp của Việt Nam có thể dễ dàng vào gần hơn với giàn khoan Hải Dương 981 sau đó tổ chức khóa đuôi để tiếp cận tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Cụ thể, khi ở hướng Nam Đông Nam với khoảng cách khoảng 7,5 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981, tàu CSB 4032 của Việt Nam liên tiếp bị hai tàu của Trung Quốc chặn phía trước và một tàu kéo ép phía sau.
Sau đó, tàu kéo của Trung Quốc tiến gần ép sát tàu CSB 4032 của Việt Nam với khoảng cách gần 30 m.Trước sự vây ép của các tàu Trung Quốc, tàu CSB 4032 và các tàu Kiểm ngư đã cơ động vòng tránh để đảm bảo an toàn.
Tàu Trung Quốc liên tục đưa tàu Việt Nam vào trong thế bao vây, khóa đuôi áp sát. Ảnh: Cảnh sát biển |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chiến thuật mới này của Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, Trung Quốc muốn đánh bật toàn bộ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển chủ quyền. Hôm 5/6, Trung Quốc lại tiếp tục tăng tàu quân sự ở phía tây nam giàn khoan, tỏ ra sẵn sàng đối đầu với tàu Việt Nam.
Ngoài các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư được huấn luyện và có kinh nghiệm, theo Chuẩn Đô đốc, các tàu cá phải hết sức cảnh giác: ban đêm đánh cá phải treo đèn, nên đi theo nhóm, ít nhất là ba tàu một cụm. Cố gắng quan sát để phát hiện tàu Trung Quốc từ xa. Buổi tối, ngư dân nên ngồi sát xuống mũi tàu, quan sát sát mặt nước, có thể nhìn được những chấm đen xa vài km. Nếu tàu của họ không bật đèn thì lại có bằng chứng về một thủ đoạn thâm độc khác. Khi phát hiện tàu Trung Quốc đến gần gây hấn phải gọi ngay tàu khác đến cứu.
"Cuộc đấu tranh này dự kiến còn kéo dài. Tôi nghĩ ngoài việc kiên trì đấu tranh như hơn một tháng qua, Việt Nam cần chuẩn bị các phương án và hình thức đấu tranh khác mạnh mẽ hơn, liên kết chặt chẽ hơn với quốc tế, nhất là các nước láng giềng ở biển Đông", ông Lê Kế Lâm khuyến cáo.