Hình ảnh xúc động của lực lượng nhân viên y tế, bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng |
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip vị bác sĩ cùng hòa giọng hát với các bệnh nhân lớn tuổi bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Các nữ y tá cắt tóc cho nhau trước khi đi vào cuộc chiến. Các đoàn bác sĩ từ Hà Nội, TP.HCM lên đường tăng cường giúp Đà Nẵng chống dịch…
Tất cả hình ảnh đó khiến chúng ta không khỏi lặng người xúc động. Và cũng từ những hình ảnh đó có rất nhiều dòng cảm xúc tri ân các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã được viết ra bởi các tác giả của cuốn Cô Vy tự sự - gió và tình yêu vẫn thổi.
Hình ảnh xúc động của lực lượng y tế. Ảnh: Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. |
Lê Vũ Trường Giang thuộc thế hệ 8X, đang sống và làm việc tại TP. Huế. Bài viết trong sách: Đường tới bình minh.
“Những ngày này Đà Nẵng căng mình chống dịch Covid-19, và cách 99 ngày trước đó, ở một nơi khác “những chiến binh áo trắng” đêm ngày làm việc không ngừng nghỉ để chiến đấu với dịch bệnh.
Những hình ảnh bác sĩ ngủ tạm trên tấm carton sau ca trực, những bát mì ăn vội, dở dang, những đôi mắt phờ phạc sau đêm trắng, cũng đủ làm ta xót xa...
Hôm nay đây và nhiều ngày về sau nữa hình ảnh của những chiếc áo blouse bước vội trong đêm nơi lang bệnh viện luôn hằn sâu trong ý nghĩ của mỗi người dân để mỗi lần nghĩ về, thêm lạc quan và vững tin".
Như thuộc thế hệ 8X, sống và làm việc tại Hà Nội. Bài trong sách: Tặc lưỡi với em Vi, phải mà mình đừng trầm lặng quá!; Cô-vít, Cô-vi, í ì i.
“Cách đây không lâu, tôi từng đọc thấy trong một cuốn ngôn tình hình ảnh một người cha làm bác sĩ dắt đứa con gái 8 tuổi đến gửi cô chủ nhiệm chăm sóc để mình yên tâm bước vào cuộc chiến chống đại dịch SARS. Khi ấy, tôi nghĩ, đó là chuyện của văn chương, nghệ thuật.
Không ngờ, chỉ thời gian ngắn sau, tôi đã thật sự thấy những cảnh huống tương tự ngoài đời thực, trong cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết với virus SARS-COV-2 hiện nay. Và tôi chợt hiểu, thiên thần là có thật!
Chỉ có điều, những thiên thần đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta … Nhưng, giờ đây, họ đang phải mặc lòng để tất cả lại sau lưng, độc lập, kiên cường đứng nơi đầu ngọn sóng, tranh thủ từng phút giây chiến đấu với kẻ thù vô hình…
Để khi tỉnh dậy, lại dành trọn vẹn tâm tư cho nhiệm vụ chung. Gánh nặng trên vai có thể sẽ khiến họ kiệt sức. Nhưng tôi tin, sẽ không ai gục ngã. Vì họ là những thiên thần. Mà, thiên thần thì thường bất tử.
Cảm ơn những thiên thần, đã lặng thầm hi sinh những khoảng trời riêng, để đem lại cho chúng ta hy vọng về một cuộc sống bình yên rồi đây sẽ nhanh trở lại".
Tống Phước Bảo bút danh Trúc Thiên, thuộc thế hệ 8X, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Bài trong sách: Ngày với mình, luôn bắt đầu bằng nụ cười; Chẳng ai có thể buồn chán mãi; Lòng thương trọn vẹn.
“Họ cũng như chúng ta, cũng có một mái gia đình, để về an trú trong những ngày giông bão. Nhưng họ chọn cách đương đầu với sóng gió. Họ chẳng thể biết thời gian sẽ bó buộc họ bao nhiêu lâu.
Nhưng họ biết mình gánh trên vai hy vọng của cả một đất nước. Hành động cám ơn thiết thực nhất chính là chúng ta cùng họ chiến đấu. Đeo khẩu trang, rửa tay, và tự ý thức khai báo nếu đã đi qua vùng dịch bệnh.
Họ trao cho chúng ta hy vọng bên trong cổng bệnh viện. Chúng ta trao cho họ sự đồng hành bên ngoài cổng bệnh viện. Chung sức chính là thứ giúp mọi người có thể cùng nhau an nhiên đi qua những ngày giông bão này.”
Nhiên hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Bài trong sách: Không có cổ tích ở Sapa.
“Mấy hôm nay, khi tình hình dịch bệnh lại nóng lên thì những hình ảnh y, bác sĩ xung phong và “tuyến lửa” Đà Nẵng, những chiến sĩ biên phòng ăn mì tôm, lương khô thay cơm ngồi co ro dưới manh áo mưa giữa rừng thiêng nước độc quyết bám chốt ngăn người nhập cảnh trái phép, những tình nguyện viên ngày đêm phục vụ người bệnh, người cách ly… cũng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông.
Chính những con người thầm lặng mà kiên cường ấy đã giúp cho chúng ta có những giây phút bình yên giữa những ngày bão tố của toàn nhân loại.
Cảm ơn những người hùng thầm lặng, những con người hi sinh hạnh phúc riêng nguyện đứng nơi đầu ngọn gió. Cảm ơn các bạn đã lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, đoàn kết và niềm tin giữ con người với con người để gió và tình yêu luôn thổi mãi trên dải đất hình chữ S thân yêu".
Phan Đức Lộc hiện sống và làm việc tại Nghệ An. Bài trong sách: Viết trong căn phòng gối chăn quên hơi ấm.
“Đêm qua, lướt Facebook, bắt gặp hình ảnh gương mặt một nữ điều dưỡng bị hằn lên dọc ngang vết sưng tấy do đeo khẩu trang quá lâu khi thực hiện nhiệm vụ, bỗng thấy chạnh lòng thương chị và đội ngũ các y, bác sĩ đang ngày đêm vắt kiệt sức lực trong công cuộc chống dịch Covid.
Lòng cứ ám ảnh bồn chồn mãi không sao chợp mắt nổi. Nhìn lại mình, đôi lúc chủ quan, ra đường còn không mang cả khẩu trang vì ngại ngột ngạt giữa ngày hè nóng nực.
Chợt nhận ra, nhiều khi, một giây lơ là, bất cẩn cũng có thể khiến bản thân trở thành gánh nặng của hệ thống y tế đang oằn mình lo cho hàng trăm bệnh nhân không may bị mắc Covid khác.
Đến việc đeo một cái khẩu trang thôi mà mình còn thấy mệt, thế mới thấm thía những tấm gương lặng lẽ tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống “giặc” Covid khó khăn, vất vả và nguy hiểm nhường nào!
Xin được gửi một lời xin lỗi sâu sắc và một lời tri ân chân thành nhất đến đội ngũ các y, bác sĩ đang miệt mài cống hiến vì đất nước - những chiến binh áo trắng dũng cảm, kiên cường”.