Những địa điểm quen thuộc: Nhiều địa điểm trong Sonic the Hedgehog lấy cảm hứng từ loạt trò chơi gốc. Quê nhà thiên đường của Sonic (Ben Schwartz) là màn chơi đầu tiên mang tên Green Hills Zone. Bông hoa mà cậu tặng cho dì Longclaw (Donna Jay Fulks) được dùng để đánh dấu điểm khởi đầu trong trò chơi. Cái tên Green Hills tiếp tục được sử dụng để đặt cho thị trấn mà chàng nhím xanh sinh sống khi đến Trái Đất. |
Chiếc hang trên đường Hill Top cũng dựa theo một màn chơi cùng tên. Vùng đất toàn nấm mà Sonic định hướng đến là Mushroom Zone. Ngoài ra, chi tiết này còn ám chỉ tựa game Super Mario Bros. - đối thủ trực tiếp của Sonic trên hệ máy Nintendo năm xưa. Còn thành phố San Francisco lấy cảm hứng từ màn City Escape trong Sonic Adventure 2 và bản mở rộng Sonic Adventure 2: Battle. |
Những kẻ thù lâu năm của Sonic: Đầu phim, Sonic buộc phải rời bỏ quê hương khi bị tấn công bởi một nhóm sinh vật có tên Echidnas. Chúng là đám kẻ thù lâu năm của chàng nhím siêu tốc, mà nổi tiếng nhất là Knuckles thuộc bộ tộc cùng tên. Tuy nhiên, những nhân vật xuất hiện trong phim dường như đến từ Nocturnus - bộ tộc luôn ôm mộng thôn tính Trái Đất thông qua chiếc nhẫn dịch chuyển của Sonic. |
Siêu năng lực của Sonic: Ban đầu, Sonic sở hữu siêu tốc độ lên đến gần 500 km/h. Về sau, sức mạnh của cậu ngày càng được tăng cường hệt như trong trò chơi. Chú nhím có thêm “tuyệt kỹ” Spin Dash, tức cuộn tròn thành một trái bóng để tấn công đối thủ. Ngoài ra, khi tích tụ nhiều cảm xúc, Sonic còn tạo ra và điều khiển các xung điện chạy khắp cơ thể. Tuy nhiên, năng lực này khá nguy hiểm nếu không thể kiểm soát. |
Vai trò của những chiếc nhẫn: Trong nhiều tựa game, nhiệm vụ của Sonic là thu thập những chiếc nhẫn. Cậu sẽ mất hết những gì đã tích trữ nếu tông trúng kẻ thù trên đường đi. Trong phim, những chiếc nhẫn thực chất có thể tạo ra cổng dịch chuyển giữa các thế giới. Giống trò chơi, Sonic cũng đánh rơi mất túi đựng nhẫn khi bị Tom (James Marsden) vô tình bắn trúng. |
Lấy cảm hứng từ The Flash và Quicksilver: Sonic nhanh chóng yêu thích những nhân vật có sức mạnh giống mình khi đến Trái Đất. Cậu mê đọc truyện về The Flash - siêu anh hùng sở hữu siêu tốc độ nhờ kết nối với Speed Force (Tốc Lực) của DC. Ngoài ra, Sonic the Hedgehog còn vay mượn một phân cảnh của Quicksilver - siêu anh hùng có năng lực tương tự đến từ Marvel - ở loạt phim X-Men. Trong đó, cả hai nhân vật đều “ngưng đọng thời gian” để xử lý đối thủ. |
Biệt danh của Sonic: Tại Green Hills, Carl Điên (Frank C. Turner) là người duy nhất cảm nhận được sự tồn tại của Sonic. Bức tranh vẽ chàng nhím của ông dựa trên bản phác thảo của một YouTuber từ năm 2010. Nhân vật “ăn theo” được đặt tên là nhím Sanic và trở thành một trong những ảnh chế nổi tiếng nhất về Sonic. Carl còn gọi Sonic là Blue Devil (Quỷ Xanh). Đây vốn là tên chiếc xe đua của chàng nhím trong Sonic Drift 2 (1995). |
Tiến sĩ Robotnik: Sau khi phát hiện ra nguồn năng lượng lạ khiến cả một vùng lớn mất điện, chính phủ Mỹ phái tiến sĩ Robotnik (Jim Carrey) đến điều tra sự việc. Nhân vật dần thay đổi để giống với nguyên tác. Cuối phim, Robotnik diện bộ quần áo bay màu đỏ đặc trưng trong trường đoạn chiến đấu với Sonic. Khi bị đẩy đến hành tinh nấm, gã trở nên điên loạn khi cạo trọc đầu và để ria mép. Trong một cảnh, Sonic gọi Robotnik là tiến sĩ Eggman. Đây là tên của gã phản diện trong lần đầu xuất hiện ở tựa game Sonic the Hedgehog (1991) của Nhật Bản. |
Gợi nhắc loạt phim Men in Black: Trong một cảnh phim, đồng nghiệp của Tom là Wade (Adam Pally) gọi nhóm người của tiến sĩ Robotnik là “Men in Black”. Cả hai đều là tổ chức bí mật của chính phủ được lập ra nhằm kiểm soát người ngoài hành tinh và diện trang phục màu đen. |
Gợi nhắc Thor (2011): Cảnh chiến đấu cuối cùng của Sonic the Hedgehog có nhiều nét tương đồng với phần phim đầu tiên về Thor (Chris Hemsworth) trong MCU. Khi đó, Thần Sấm mất hết sức mạnh và bị bộ giáp Destroyer đánh gục. Ngay khoảnh khắc quyết định, anh lấy lại được sức mạnh sấm sét nhờ búa thần Mjolnir. Trong khi đó, Sonic cũng rơi vào tình trạng tương tự và được phục hồi nhờ “sức mạnh tình bạn”. |
Trang phục của Sonic: Sonic bất tỉnh sau một lần bị tiến sĩ Robotnik săn đuổi. Lúc này, bạn gái của Tom là bác sĩ thú y Maddie (Tika Sumpter) đã giúp chàng nhím hồi sức. Khi bừng tỉnh, câu đầu tiên cậu nói là: “Gotta go Fast” - một dòng thoại quen thuộc trong game. Sau đó, Sonic được cháu gái của Maddie tặng cho đôi giày thể thao màu đỏ vốn luôn gắn liền với cậu. |
Những đoạn after-credits ý nghĩa: Trong đoạn after-credits đầu tiên, những cảnh hành động quan trọng trong phim được tái hiện theo phong cách 16-bit quen thuộc của loạt trò chơi nguyên tác. Sang clip thứ hai, một nhân vật phụ nổi tiếng trong loạt Sonic là Tails (Colleen Villard) xuất hiện. Chàng cáo là nhân vật dành cho người chơi thứ hai trong Sonic the Hedgehog 2 (1992), và sở hữu khả năng bay lượn bằng chiếc đuôi hệt như trong phim từ Sonic the Hedgehog 3 (1994). |
Nhân dịp Nhím Sonic đang được trình chiếu, Zing.vn cùng nhà phát hành gửi tặng độc giả các món quà độc đáo từ bộ phim: 1 balô, 5 giá đỡ điện thoại, 5 vòng đeo phát sáng.
Hãy trả lời chính xác câu hỏi sau rồi gửi đáp án về e-mail phimanh@zing.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn ngẫu nhiên các bạn có câu trả lời đúng để trao tặng vé.
Câu hỏi: Nguyên tác trò chơi Sonic the Hedgehog ra đời vào năm nào?
Độc giả vui lòng gửi e-mail trả lời trước 14h ngày 26/2 rồi ghi rõ số điện thoại, địa chỉ, số chứng minh nhân dân để ban biên tập có thể liên lạc và thông báo trúng vé.