Một doanh nhân quốc tịch Anh đã lây nhiễm chủng mới virus corona cho ít nhất 7 người khác đã được giới chuyên gia gọi với cái tên "siêu lây nhiễm".
Theo các chuyên gia y tế, cơ thể con người có sự khác biệt trong khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm sang người xung quanh. Số liệu đã tồn tại trong 20 năm qua cho thấy tỷ lệ 20/80, tức một nhóm nhỏ người mang mầm bệnh có thể lây lan sang nhiều người hơn so với phần còn lại.
Có tồn tại "người siêu lây nhiễm" virus corona mới?
Câu trả lời là có thể có. Người thứ 3 được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới là doanh nhân ở độ tuổi ngoài 50. Ông này được cho là đã nhiễm virus trong quá trình tham dự một hội nghị ở Singapore.
Doanh nhân này sau đó đã tới Pháp, nơi ông có kỳ nghỉ cùng gia đình tại khu du lịch trượt tuyết ở Les Contamines-Montjoie.
5 người thân và bạn bè của ông này có mặt trong kỳ nghỉ, gồm một bé trai 9 tuổi, đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, sau khi người đàn ông này nhập viện ở Brighton với các triệu chứng cùng xét nghiệm nhiễm virus.
Les Contamines-Montjoie, nơi năm người quốc tịch Anh được chẩn đoán nhiễm virus. Ảnh: Sky News. |
Một người đàn ông khác cũng có mặt ở khu nghỉ dưỡng trở về nhà ở Mallorca, Tây Ban Nha. Người này sau đó xuất hiện triệu chứng và nhập viện tại thành phố Palma. Nhà chức trách Anh cho biết 4 công dân khác của nước này cũng cho xét nghiệm dương tính với virus corona, tất cả họ đều đã có mặt tại khu nghỉ dưỡng ở Pháp.
Trong số các đại biểu có mặt tại hội nghị ở Singapore nơi doanh nhân người Anh tham dự, nhà chức trách Singapore cho biết có 1 người đàn ông đến từ Vũ Hán, tâm điểm bùng phát virus corona tại Trung Quốc. Một số người khác đã trở về quê nhà từ hội nghị và được xác nhận đã đổ bệnh.
Vì sao con người lại trở thành "siêu lây nhiễm"
Có một số giả thuyết về nguyên nhân khiến 1 người trở thành "siêu lây nhiễm" dịch bệnh, tuy nhiên chưa có câu trả lời chính xác.
Một số ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở hệ miễn dịch của người siêu lây nhiễm. Hệ miễn dịch của người này có thể quá thiếu hiệu quả trong chống chọi với dịch bệnh, hoặc có thể cũng quá hiệu quả, làm cơ thể không xuất hiện triệu chứng, dẫn tới người này không đề phòng và truyền bệnh cho người xung quanh.
Tuy nhiên, khả năng "siêu lây nhiễm" được cho là có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm nhiễm lượng lớn virus ngay từ đầu, hoặc cùng một lúc mang nhiều hơn một mầm bệnh. Điều dường như chắc chắn là người ta sẽ không thể xác định được ai là người "siêu lây nhiễm" mầm bệnh.
Bệnh nhân nhập viện tại thành phố Vũ Hán. Ảnh: Straits Times. |
Lịch sử các ca "siêu lây nhiễm"
Hiện tượng siêu lây nhiễm đã được ghi nhận từ đầu thế kỷ 20, khi một phụ nữ mắc bệnh thương hàn đã lây nhiễm cho 51 người khác, dù không có triệu chứng phát bệnh.
Mới đây hơn, một học sinh tại trường trung học tại Phần Lan đã lây nhiễm bệnh sởi cho 22 người khác, dù 8 trong số đó đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Trong đại dịch Ebola, 2 người siêu lây nhiễm tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến 50 người khác mắc bệnh. Trong khi đó, người được cho là siêu lây nhiễm trong đại dịch SARS năm 2002-2003 được cho là có thể lây nhiễm virus cho khoảng 10 người khác.
Chính phủ Anh cho biết các biện pháp mới áp dụng, trong đó có bắt buộc người nghi nhiễm virus corona cách ly hoặc tự cách ly, tương tự với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đang được áp dụng khắp thế giới.
Sự xuất hiện những ổ dịch như tại khách sạn nơi tổ chức hội nghị ở Singapore hay khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại Pháp chỉ bởi một vài cá nhân cho thấy nguy cơ bất cứ loại mầm bệnh nào có thể lây lan ra toàn thế giới thông qua những người siêu lây nhiễm.
Và việc mầm bệnh có thể lây lan từ người sang người khi vật chủ không có biểu hiện bệnh lý càng làm dấy lên lo ngại.