Ngày 17/9, vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh livestream công khai 18.000 trang sao kê từ tài khoản cô kêu gọi đóng góp ủng hộ miền Trung năm 2020. Công Vinh nói trang cuối cùng, tức khi kết thúc đợt từ thiện ngày 23/11 là hơn 177 tỷ đồng. Và anh cho hay toàn bộ số tiền này đã được rút ra để trao cho người dân. Qua sao kê, anh cho biết số tiền trong tài khoản tính đến tháng 2/2021 là hơn 4 triệu đồng.
Các luật sư nhìn nhận việc vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh sao kê số tài khoản chưa chứng minh được sự minh bạch. Có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ sau những tờ giấy biên nhận cũng như quá trình giải ngân số tiền hơn 177 tỷ đồng.
Khó minh bạch được việc giải ngân qua sao kê
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Công ty Luật Infinity Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho rằng Thủy Tiên - chủ tài khoản - có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản. Tuy nhiên, thông tin trong sao kê mới chỉ chứng minh được dòng tiền mạnh thường quân đóng góp vào và dòng tiền Thủy Tiên rút ra. Sao kê chỉ giúp những người gửi tiền cho Thủy Tiên kiểm tra số tiền họ chuyển có vào tài khoản không.
Thủy Tiên đến ngân hàng sao kê vào chiều 16/9. |
Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng việc nữ ca sĩ chỉ sao kê tài khoản sau nhiều ồn ào cho thấy cô thiếu sự tự giác, công khai, minh bạch. Theo ông, việc sao kê ở thời điểm này là chậm và không có nhiều ý nghĩa để chứng minh việc sử dụng tiền từ thiện đúng mục đích, đúng đối tượng.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường. |
Ông nói: "Sao kê chậm là điều không nên với các cá nhân, tổ chức làm từ thiện. Nếu xác định làm từ thiện, Thủy Tiên hay bất cứ cá nhân nào cũng nên công bố thông tin minh bạch ngay sau khi kết thúc chương trình. Với Thủy Tiên, cô ấy làm theo các giai đoạn thì có thể minh bạch được ngay sau từng giai đoạn. Việc sao kê online hàng ngày, hàng tuần cũng có thể thực hiện được, không cần thiết phải đến ngân hàng".
Theo luật sư, minh bạch trong từ thiện còn thể hiện ở việc giải ngân, phân phối tiền ra sao. Vì thế, 18.000 trang sao kê của Thủy Tiên không thể chứng minh được điều đó.
Luật sư nhận định trong các giao dịch rút tiền của Thủy Tiên đa số thực hiện rút tiền mặt với số tiền lớn. Tiếp đó, cô thực hiện phát tiền cho người dân. Tuy nhiên, ở hai giai đoạn này đều không có cơ quan, đơn vị thứ ba giám sát.
"Tôi nghĩ cần có thêm quy định về việc phải có sự giám sát của cơ quan thứ ba khi cá nhân, đơn vị quyên góp được số tiền lớn. Thực tế, Thủy Tiên tự làm các giai đoạn. Đến địa phương phát tiền, cơ quan, chính quyền ở đây cũng không thể kiểm soát được. Như vậy cơ chế giám sát không có", ông cho biết thêm.
Qua xem xét các biên bản xác nhận từ địa phương nơi đoàn Thủy Tiên đến cứu trợ, luật sư nhận định một số giấy tờ xác nhận có giá trị chứng minh không cao, chưa thuyết phục.
Chẳng hạn, trong biên bản xác nhận của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị ngày 12/11 ghi đoàn của Thủy Tiên phát cho số dân ở Hải Lăng và Triệu Phong là "gần 20.480 hộ" và số tiền phát "khoảng 33,4 tỷ đồng". Ông cho rằng biên bản xác nhận phải là con số chính xác. Vì vậy, biên bản ghi số tiền và số hộ dân như vậy khá mơ hồ.
Không những thế người ký giấy xác nhận chưa đúng thẩm quyền vì không nêu rõ chức danh. Trong phần ký chỉ có tên Đào Mạnh Hùng, mà không biết ông giữ chức vụ gì.
Tương tự, biên bản ghi nhận tại Quảng Ngãi vào ngày 21/11, đoàn Thủy Tiên hỗ trợ người dân 14 tỷ đồng, người ký văn bản cũng không hề có chức danh.
Một vấn đề khác trong sự minh bạch từ thiện của Thủy Tiên, luật sư cho rằng đa số là văn bản nguội, nghĩa là biên bản xác nhận nơi địa phương mà nữ ca sĩ tới cứu trợ thường thực hiện sau khi cô tới phát tiền. Điều này sẽ giảm phần nào tính chính xác, rõ ràng của giấy xác nhận.
Giấy xác nhận cứu trợ người dân còn nhiều sai sót
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Phó phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng các giấy tờ (bao gồm giấy viết tay và giấy xác nhận, thư cảm ơn, biên bản…) mà phía Thủy Tiên, Công Vinh đăng tải đều có sai sót hoặc chi tiết khó hiểu.
"Việc phát tiền cứu trợ không được cơ quan chức năng nào lập danh sách cụ thể tại thời điểm giao nhận tiền mà chỉ có mặt chứng kiến Thủy Tiên phát tiền hỗ trợ. Thậm chí có người được nhiều, có người được ít, có người bị xúc phạm đến mức trả lại", luật sư cho hay.
Thủy Tiên cho biết sau này sẽ không kêu gọi từ thiện. |
Luật sư đánh giá nhiều văn bản được ban hành và xác nhận thiếu khách quan. Ví dụ, Giấy xác nhận của Mặt trận Tổ quốc huyện Đại Lộc, ngày ký là 22/11/2020, nhưng ngày ghi xác nhận lại là 22/12/2020.
Với văn bản xác nhận của Mặt trận Tổ quốc xã Hương Phong (Thừa Thiên Huế), ngày trên văn bản là 19/1/2020 nhưng ngày căn cứ để thống kê thiệt hại lại là 15/11/2012 (8 năm trước).
Trong văn bản xác nhận của Mặt trận Tổ quốc xã Quảng An (Huế), mỗi hộ dân được phát một triệu đồng, tổng cộng có 2.632 suất quà và số tiền là 2.616.500.000 đồng. Như vậy, nếu đem chia số tiền cho số suất quà thì mỗi hộ chỉ được khoảng hơn 900.000 đồng.
Luật sư Hùng nhận định: "Các biên bản, giấy xác nhận, thư cảm ơn của địa phương chưa phản ánh được sự thật khách quan về tính chính xác, minh bạch trong việc phân phối các khoản tiền cứu trợ của Thủy Tiên".
Anh cũng cho rằng việc Thủy Tiên sao kê 18.000 trang chưa thể hiện được sự minh bạch trong quá trình từ thiện. "Vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện. Khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ. Như vậy, mới minh bạch được dòng tiền rút ra và sử dụng", luật sư nói.