Trong vụ chiếc Ferrari 488 lao lên vỉa hè, tông bật gốc cây ở Long Biên (Hà Nội) ngày 24/7, Công an quận Long Biên đã ghi nhận các bên liên quan đến trình báo sự việc. Họ kiến nghị công an vào cuộc xác minh.
Vụ việc nhận được nhiều ý kiến tranh luận, bởi liên quan đến nhiều pháp nhân. Ngoài ra, người lái xe gây tai nạn không phải là chủ phương tiện mà được kỹ sư sửa chiếc xe (không có bằng lái) nhờ chạy thử trước khi bàn giao cho khách.
Ai phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn?
Sáng 21/7, ôtô Ferrari 488 GTB di chuyển trên tuyến đường mới ở khu vực ngõ 45, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên. Đến gần Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, chiếc xe mất lái, lao lên vỉa hè rồi tông gãy đổ 2 cây xanh.
Va chạm không gây thiệt hại về người, nhưng khiến chiếc ôtô nát đầu. Phương tiện trên hiện có giá sau thuế khoảng 15-20 tỷ đồng tùy phiên bản. Chủ xe cho rằng chi phí để sửa chữa ước tính hơn 6 tỷ đồng.
Siêu xe tông đổ 2 gốc cây bên đường. Ảnh: H.L. |
Chia sẻ với Zing, chủ chiếc Ferrari 488 GTB gặp sự cố là anh H. kể trước khi tai nạn, anh thuê ôtô cứu hộ chở siêu xe của mình đến cơ sở Volvo Hà Nội để thay dây curoa. Người này lý giải hãng Ferrari chưa có cơ sở ở Hà Nội, nên anh thường mang xe vào đây để bảo dưỡng.
Trong khi đó, tài xế điều khiển chiếc Ferrari là anh D. (nhân viên Volvo Hà Nội). Sau tai nạn, người trực tiếp điều khiển xe đã liên hệ để xin lỗi chủ phương tiện.
Tuy nhiên, anh H. cho rằng nhân viên đi xe của khách trong giờ làm việc, dưới sự giám sát và quản lý của những người đứng đầu garage, thì không thể chỉ có trách nhiệm của nhân viên này được.
Vì sao kỹ sư sửa xe lại nhờ người khác chạy thử?
Trong vụ việc này, người được đề nghị trực tiếp sửa chiếc Ferrari 488 sau tai nạn là anh T. (kỹ sư sửa xe). Anh này kể khi chủ xe Ferrari thông báo gặp sự cố trên đường, Ferrari Việt Nam đã nhờ anh T. đưa xe về bãi của Volvo Hà Nội để chờ nhân viên tới xử lý.
Sau đó, Ferrari Việt Nam nhờ anh T. trực tiếp sửa chiếc Ferrari. Kỹ sư này đã nhận lời mà không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội, rồi sửa chữa theo thỏa thuận cá nhân với Ferrari Việt Nam.
Sau khi sửa xong, anh T. không có bằng lái, nên đã nhờ anh D. (nhân viên Volvo Hà Nội) chạy thử trước khi bàn giao cho khách. Kỹ sư này cho biết việc sửa chữa cho Ferrari Việt Nam là thỏa thuận riêng của cá nhân kỹ sư này.
Sau vụ tông gốc cây, anh T. và tài xế điều khiển chiếc Ferrari 488 đã liên hệ chủ xe để xin lỗi, muốn được bồi thường, nhưng chủ xe từ chối lời đề nghị.
Theo một số luật sư, kỹ sư T. nhờ anh D. chạy thử xe, tức là đã ủy quyền cho nhân viên này khi đang thực hiện hợp đồng với Ferrari Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không được quy định trong hợp đồng giữa anh T. và Ferrari Việt Nam, nên trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T. và cuối cùng là Ferrari Việt Nam.
Ferrari Việt Nam và Volvo Hà Nội có phải bồi thường?
Trước những quan điểm chưa đồng nhất giữa chủ xe, kỹ sư T. và tài xế gây tai nạn, Volvo Hà Nội đã tạm đình chỉ công việc 2 người liên quan. Doanh nghiệp này giải thích đây là việc cá nhân giữa Ferrari, chủ xe Ferrari 488 và cá nhân nhân viên Volvo Hà Nội. Việc đưa xe Ferrari vào xưởng của Volvo Hà Nội không có hề có biên bản giao nhận xe và chào giá dịch vụ của Volvo Hà Nội.
Volvo Hà Nội cũng khẳng định không có bất kỳ thỏa thuận và hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari. Volvo hỗ trợ Ferrari bằng cách cho mượn địa điểm (cầu nâng) để Ferrari làm chương trình dịch vụ, còn các công việc đều do nhân viên kỹ thuật của Ferrari thực hiện với các khách hàng của Ferrari.
Zing đã liên hệ thêm với phía Ferrari Việt Nam, nhưng pháp nhân này chưa có phản hồi và hẹn lịch tuần tới trả lời các thắc mắc.
Chiếc Ferrari 488 được chở đến xưởng Volvo Hà Nội trước khi bị tai nạn. Ảnh: A.H. |
Điều khiến dư luận thắc mắc ở đây là việc anh H. nói hãng Ferrari chưa có cơ sở ở Hà Nội. Do đó, anh vẫn thường mang xe vào Volvo Hà Nội để bảo dưỡng theo đề nghị của hãng Ferrari. Như vậy, lãnh đạo Ferrari Việt Nam có biết và chấp thuận điều này.
Theo một số luật sư, nếu có căn cứ chứng minh kỹ sư T. nhận sửa xe mà không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội, việc sửa chữa là thỏa thuận riêng của cá nhân T. với Ferrari Việt Nam, thì pháp nhân liên đới bồi thường có thể thay đổi.
Cụ thể, nếu vụ việc xảy ra sau khi Ferrari Việt Nam giao cho anh T. sửa xe, thì trách nhiệm bồi thường thuộc về Ferrari Việt Nam. Sau khi bồi thường cho chủ xe, Ferrari Việt Nam có thể yêu cầu người có lỗi là kỹ sư T. hoàn trả lại số tiền này.
Theo luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 597 và Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Như vậy, nếu có căn cứ xác định nhân viên Volvo Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng xe theo chỉ đạo của công ty này, hoặc theo công việc công ty phân công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe Ferrari thuộc về công ty (pháp nhân) đó.
Còn luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích nếu vụ việc xảy ra sau khi Ferrari Việt Nam giao cho anh T. sửa xe, tức là kỹ sư đã thực hiện công việc sửa xe được pháp nhân là Ferrari giao. Do đó, trách nhiệm bồi thường thuộc về Ferrari Việt Nam. Sau đó, Ferrari Việt Nam có quyền yêu cầu kỹ sư T. hoàn trả lại số tiền mà pháp nhân đã bồi thường.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng anh T. đã ủy quyền cho nhân viên khác chạy thử xe dẫn đến xảy ra tai nạn. Vì vậy, cả anh T. và nhân viên chạy thử xe cùng Ferrari Việt Nam phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trong đó, trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T. và cuối cùng là Ferrari Việt Nam.