Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu chuyện cảm động trong năm 2013

Lời trăng trối của bé gái trước khi chết trong bão Haiyan, Giáo hoàng ôm hôn "người mặt quỷ" là những câu chuyện làm tan chảy trái tim độc giả trong năm nay.

Lời cuối của bé gái chết vì bão Haiyan

Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines vào ngày 8/11 khiến bao gia đình mất người thân, mất nhà cửa. Gia đình cô giáo Bernadette Tenegra ở Tacloban cũng là nạn nhân của siêu bão mạnh nhất năm.

Một người đàn ông bế trên tay con gái bé nhỏ xấu số của mình sau khi siêu bão hủy diệt thành phố Tacloban. Ảnh: Inquirer.

Trước khi siêu bão đổ bộ vào Philippines, gia đình cô Tenegra cũng đã chuẩn bị. Tuy nhiên, mọi người trong nhà đều nghĩ Haiyan giống như những cơn bão khác mà gia đình từng chứng kiến. Bão đến với sức mạnh khủng khiếp. Nó cuốn phăng nhà cửa, người chồng và một người con gái của Tenegra. Chồng và đứa con còn lại của cô mất tích. Trong khi đó, người con gái nhỏ nhất của Tenegra cùng nhiều vật khác trôi theo dòng nước lũ.

Tenegra thấy con gái út gặp nạn và cố nắm lấy con. Cô liên tục nhắc con bấu chặt vào để cô kéo lên. Thế nhưng bé buông tay và bị những thanh gỗ ngổn ngang trong bão đâm vào người. Trước khi qua đời, bé nói: “Mẹ cứ đi nhé. Mẹ hãy bảo trọng”.

“Tôi cố gắng bò tới và kéo con lên. Thế nhưng con bé quá yếu. Nó buông tay và tôi không thể làm gì”, Tenegra kể trong nước mắt.

Lời nói của cô con gái bé bỏng trước lúc qua đời mãi mãi như nhát dao cứa vào tâm can người mẹ. Cô đau xót, thương con, xúc động và bất lực.

Siêu bão lớn nhất thế giới cướp sinh mạng của hơn 5.000 người, san phẳng nhiều nhà cửa, công trình. Nhiều người sống sót sau bão không thể tin hậu quả mà bão gây nên đối với họ. Tất cả giống như một cơn ác mộng.

Trưởng đoàn đàm phán biến đổi khí hậu Philippines bật khóc

Sau khi siêu bão Haiyan càn quét Philippines, trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của nước này, ông Yeb Sano, đa đọc bài phát biểu đầy xúc động tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở thành phố Warsaw, Ba Lan. Ông đã bật khóc khi nói về những mất mát, đau thương mà Philippines phải trải qua và kêu gọi hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Ông Naderev "Yeb" Sano lau nước mắt sau khi phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ba Lan hôm 11/11. Ảnh: Business Insider.

Toàn bộ đại biểu trong hội nghị xúc động và nhiều người không ngăn được nước mắt. Ông Sano cho biết, ông đang chờ đợi thông tin về người thân và tuyên bố tuyệt thực cho tới khi các đại biểu tìm ra một hành động thiết thực nhằm giảm khí thải.

Trở về nhà sau 23 năm bị bắt cóc

23 năm sau khi xa lìa gia đình bởi do hành động bắt cóc của kẻ bất lương, Luo Gang đã tìm thấy cha, mẹ ruột ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), trong niềm vui khôn tả của anh và những người thân.

Mẹ ruột Luo Gang ôm chầm con trai sau 23 năm xa cách. Ảnh: BBC.

Năm 1990, khi Luo Gang mới 5 tuổi, một người đàn ông và một phụ nữ đã bắt cóc cậu và bán cho một gia đình ở vùng núi tỉnh Phúc Kiến.

Gia đình mới đặt tên cho cậu là Luo Gang. Ban đầu, cậu bé suy nghĩ rất ngây thơ rằng cậu chỉ tạm thời ở với gia đình mới. Sau này, cậu sẽ tìm về nhà bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, thời gian sau, Luo nhận ra rằng có thể cậu sẽ không còn cơ hội đoàn tụ với cha mẹ ruột. Vậy nên hàng đêm, Luo bắt đầu cố nhớ lại những việc đã diễn ra và hy vọng một ngày nào đó cậu sẽ tìm được cha, mẹ ruột.

Về phần bố mẹ đẻ của Luo, họ rất đau buồn vì mất con. Họ phát tờ rơi và đăng tin trên báo tìm cậu. Cảnh sát địa phương bất lực với trường hợp bắt cóc này và cậu bé Huang Jan vẫn bặt vô âm tín.

Năm tháng trôi qua, nguồn tài chính cạn kiệt nên cha mẹ Huang đành sống chung với nỗi đau mất con.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Luo trở thành lính cứu hỏa. Lúc này, khát vọng trở về nơi chôn rau cắt rốn càng mãnh liệt hơn nữa. Qua các website, Luo lần ra manh mối về quê hương, về cha mẹ đẻ của mình.

Bố, mẹ, em trai Luo vui mừng vì gặp lại người thân. Mẹ cậu đã khóc nức nở. Cả làng đón cậu bé mất tích năm nào trở về.

Giáo hoàng ôm hôn “người mặt quỷ”

Khi Giáo hoàng Francis ôm và hôn người đàn ông có hình hài dị dạng trước hàng nghìn người vào hôm 6/11, tim người đàn ông đập rất nhanh và ông cảm thấy dường như nó rời khỏi cơ thể. Hình ảnh ấy khiến hàng nghìn người trực tiếp chứng kiến và hàng triệu triệu trái tim độc giả trên thế giới xúc động.
Đức Thánh cha đặt tay lên đầu người đàn ông rồi nhắm mắt cầu nguyện. Ảnh: EPA.
Buổi giảng đạo của Giáo hoàng Francis diễn ra tại quảng trường Thánh Peter ở thành phố Roma, Italy như thường lệ vào buổi chiều ngày 6/11. Khi Giáo hoàng tạm ngừng diễn thuyết, bỗng nhiên một người đàn ông với vô số mụn trên mặt và cơ thể tiến về phía Đức Thánh cha và xin ngài ban phước lành. Không hề do dự, Giáo hoàng ôm con chiên bất hạnh và hôn vào mặt ông. Sau đó, ngài đặt tay lên đầu người đàn ông rồi nhắm mắt và cầu nguyện.

"Người mặt quỷ" mà Giáo hoàng ban phước chính là Vinicio Riva, 53 tuổi và mang quốc tịch Italy. Ông mắc bệnh u xơ thần kinh khiến các khối u mọc khắp người. Khuôn mặt biến dạng của Riva khiến ngay cả các bác sĩ cũng kinh sợ nhưng Đức Thánh cha đã không hề tỏ ra ngần ngại khi ngài ôm, hôn ông trước hàng nghìn giáo dân.

Người bệnh chia sẻ: “Tôi cảm thấy như đang ở trên thiên đàng khi Giáo hoàng Francis ban phước lành. Bàn tay Đức Thánh cha chạm vào người tôi rất nhẹ nhàng. Ngài cười rạng rỡ. Điều làm tôi cảm động nhất là ngài không do dự khi ôm tôi. Bệnh của tôi không lây nhưng ngài không biết điều đó. Ngài vuốt ve khuôn mặt tôi và lúc đó, tôi cảm nhận được tình yêu thương mới khiến Ngài làm như vậy. Tôi hôn tay Giáo hoàng khi ngài sờ đầu, xoa những khối u. Sau đó, ngài ôm tôi thật chặt và hôn vào mặt tôi. Đầu tôi ngả vào ngực ngài. Cánh tay ngài ôm vòng lấy tôi. Khoảnh khắc ấy kéo dài chỉ một phút nhưng tôi cảm giác như bất tận”.

Hai tuần sau khi ban phước cho người đàn ông bất hạnh, mắc căn bệnh quái ác, Giáo hoàng tiếp tục ôm hôn một người đàn ông có khuôn mặt biến dạng. Giống với “người mặt quỷ” Vinicio Riva, “người không mặt” cũng trò chuyện cùng Giáo hoàng trước khi được ngài ôm hôn và cầu xin sự che chở của Chúa.

Từ khi trở thành người đứng đầu Vatican, Giáo hoàng Francis liên tục gây bất ngờ cho công chúng bởi những hành động giản dị và khác thường. Ngài từng rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, tặng tiền cho một người phụ nữ tại Rome sau khi kẻ gian lấy ví của bà trên xe bus, gọi điện thoại tới những tín đồ đang tuyệt vọng để động viên, mời những người vô gia cư ăn bữa tối tại quảng trường Thánh Peter.

Hai trẻ sơ sinh gặp lại nhau sau 60 năm bị trao nhầm

Hai người đàn ông 60 tuổi gặp gỡ nhau sau khi xét nghiệm DNA cho thấy họ bị trao nhầm cho mẹ của nhau khi vừa chào đời cách đây 60 năm.

Ông Martino Kerremans và ông Jan Koevoets gặp nhau sau 60 năm bị trao nhầm mẹ. Ảnh: Erik Peeter.

Martino Kerremans và Jan Koevoets chào đời cách đây 60 năm tại bệnh viện Ignatius. Sau đó các bác sĩ đã trao nhầm các bé cho hai bà mẹ.

Ông Kerremans chào đời ngày 3/2/1953. Khi mẹ ông còn sống, bà thường nói nửa đùa nửa thật rằng bà nhận nhầm con. Sau khi bà qua đời, Kerremans quyết định tìm ra sự thật. Sau khi ông Kerremans xét nghiệm DNA hồi tháng trước cùng với hai chị, kết quả cho thấy 3 người không cùng huyết thống. Tờ báo Omroep Brabant đã vào cuộc để tìm ra gia đình thực sự của Kerremans.

Antoon Koevoets, người vẫn nghĩ Jan Koevoets là em trai ruột, tình cờ thấy ảnh của Kerremans trên báo. Ông Antoon Koevoets thấy người đàn ông kia giống ông đến lạ thường. Vì thế, ông thuyết phục Jan Koevoets (sinh ngày 4/2/1953) xét nghiệm DNA. Kết quả cho thấy, Jan Koevoets và hai chị gái của Martino Kerremans có cùng huyết thống.

Jan Koevoets chia sẻ sau khi tìm được gia đình thật: “Tôi vẫn luôn cố gắng mỉm cười trước mọi chuyện. Tuy nhiên, lần này thực sự rất khó. Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi, tôi vẫn mong muốn chuyện này không xảy ra”.

Bệnh viện nơi hai trẻ sơ sinh chào đời cách đây 60 năm đã đổi tên. Họ gửi lời xin lỗi vì sai sót của họ trong quá khứ.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm