Tử vì nghề
“Xứ sông nước nhiều người cũng bởi quá nôn nóng muốn kiếm tiền triệu nhờ loài cá này mà phải bỏ mạng nơi biển sâu hoặc sống trong tình trạng thực vật rồi.
Nhớ mãi hè năm 2012, ông Tám Hơn ở Bến Tre vì cứ mải miết theo đuổi một đàn cá hô hàng chục con mà không để ý sự thay đổi của dòng nước nên phải bỏ mạng ngay trên dòng sông Tiền. Xác ông Tám mấy ngày sau khi gặp nạn mới tìm thấy ở hạ nguồn con sông. Tiền bạc cả đấy nhưng không phải cứ muốn là bắt được đâu”, Trần Công Long, một trong những thợ săn cá hô nổi tiếng trên sông Tiền bộc bạch.
Cá hô là một loài cá đặc biệt sinh sống trên sông và chỉ có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Loại cá này có giá trị kinh tế cao nhưng lại rất hung dữ. Bởi vậy, những tay thợ săn mới vào nghề luôn phải dè chừng nếu không muốn xảy ra rủi ro. Thực tế đã chứng minh điều này.
Ông Long kể tiếp: “Dòng sông Tiền hiện chỉ còn đoạn chảy qua Tiền Giang và Đồng Tháp là còn nhiều cá hô nhất nên các thợ săn khác cũng đổ về đây đánh bắt. Năm 2011, vào khoảng tháng 10, khi đàn cá hô di cư về, nhiều tốp thợ săn ở Cà Mau cũng lên đây săn.
Ngư dân đánh bắt được cá hô nặng gần 100kg . |
Trong lần đó, anh Chín Chung bị cá hô quẫy cho dập cả lá lách, vào bệnh viện đa khoa Cần Thơ cấp cứu hàng tuần liền mới khỏi. Hiện Chín Chung vẫn mang dị tật trên người và không còn khả năng lặn sông để giăng lưới săn cá như trước nữa. Còn sự mất tích bí ẩn ngay dưới lòng biển sâu của anh Tạ Văn Năm ở Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng trở thành nỗi băn khoăn và ám ảnh của nhiều thợ săn cá hô, bởi thường ngày anh Năm là người thông thạo việc săn bắt loài cá này trên sông.
Bạn của anh Tạ Văn Năm là anh Đức thổn thức kể: “Hôm đó trời tối đen như mực. Thường những khi thời tiết như thế không ai đi săn loài cá này vì rủi ro xảy ra rất cao. Tuy nhiên, cậy mình có bản lĩnh nên anh Năm vẫn quyết định mò mẫm giăng lưới.
Do lưới lâu ngày đã mục nên đàn cá hô dễ dàng đâm thủng, dìm cả anh Năm cuốn theo dòng nước. Chúng tôi nổ ghe máy đi tìm ngay trong đêm nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Đến nay đã gần 2 năm trôi qua. Có lẽ xác anh ấy cũng trôi theo bọt biển. Đó cũng là bài học đau xót cho các thợ săn cá hô”.
Lột xác cũng nhờ cá, mạt vận cũng vì cá
Mỗi con cá hô hiện nay bán sỉ có mức từ 3-5 triệu đồng, vì thế nhiều người dân miền sông nước đã đổi đời nhờ loài thủy quái này. Đứng giữa căn nhà khang trang của mình, ông Trần Văn Tám ở Đồng Tháp trầm ngâm cho biết: “Đấy. Tất cả cơ ngơi này cũng nhờ 10 năm đi săn cá hô đấy. Trước kia cá hô nhiều chứ giờ đây cũng chẳng được mấy.
Năm 2007, nhóm thợ săn 4 người chúng tôi trung bình một mùa săn mỗi người được vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Một năm thường đi săn hai mùa. Đặc biệt giống thủy quái này nếu được săn vào ban đêm sẽ bắt được con cá to hơn. Các loại cá hô nhỏ thường đi kiếm ăn vào ban ngày. Hơn nữa, những con cá đực xuất hiện ban đêm thường được mua giá cao hơn nên chúng tôi chủ yếu săn bắt ban đêm”.
Ông Nguyễn Văn Thủy, ngay sát vách nhà ông Tám, cũng sắm đủ thứ và lột xác từ nghèo khó trở nên khá giả nhờ săn cá hô. Ông cho biết: “Nếu tính tổng giá trị cơ ngơi của chúng tôi cũng đến vài tỷ đồng rồi. Trước kia chỉ là mảnh đất trống hoang hóa với một căn nhà lụp xụp thôi. Trúng liên tục 5 mùa săn cá hô nên gia đình tôi đã đổi đời. Tuy nhiên cũng có mấy lần gặp nạn suýt chết nên khi cảm thấy tạm ổn định cuộc sống, tôi không bám theo cái nghề săn cá nguy hiểm này nữa”.
Cũng theo ông Thủy, giai đoạn hoàng kim nhất của nghề săn cá hô đã qua. Hiện chính quyền đã cấm săn bắt loài cá này vì cho rằng đó là loài cá quý không thể tuyệt chủng. “Nếu bây giờ người ta đi săn cũng là săn lén lút chứ không công khai như trước nữa, vì chính quyền đã có biện pháp bảo vệ loài cá này. Song, nếu là những thợ săn có tâm thì họ tuyệt đối không bắt các loại cá hô chưa trưởng thành, hoặc đang trong giai đoạn sinh nở. Cách nhận biết loài cá hô sắp đẻ trứng rất đơn giản, lúc đó những con cá cái bụng to lên một cách bất thường”, ông Thủy nói.
Nhiều người phất lên là thế, nhưng cũng có người nghèo mạt đi cũng bởi loài cá vàng này khi tin rằng sản vật là vô tận. Hối tiếc về những ngày sở hữu hàng trăm triệu trong tay, anh Hai Tuấn buồn bã nói: “Cũng bởi nghĩ cá hô sẽ chẳng bao giờ hết, muốn bắt lúc nào cũng được nên tôi cứ ăn chơi thỏa thích. Thậm chí hết mùa cá hô, tôi và nhiều người còn sẵn sàng cắm sổ đỏ nhà dất để lấy tiền đi du lịch và sắm xe đắt tiền vì nghĩ đến mùa cá hô lại đi săn và kiếm dễ dàng.
Nhưng có ai ngờ các mùa đánh bắt sau đó càng ngày cá càng ít. Rồi đến lúc chính quyền cấm đi săn, chỉ thỉnh thoảng vô tình bắt được một con thôi. Thế là các món nợ ngày càng kếch xù, khó có khả năng trả nổi nữa”.
Ông Chín Đức cũng than thở: “Tôi cũng chủ quan quá cứ nghĩ tiêu xài thoải mải, chỉ săn một mùa cá hô là kiếm được hàng trăm triệu. Nhưng bây giờ cấm rồi, chẳng biết kiếm kế gì mà sinh nhai nữa”.
Kinh nghiệm bảo toàn tính mạng của người đi săn vua các loài cá
Tuy có lệnh cấm nhưng dọc con sông Tiền, vẫn còn nhiều người đánh được cá hô. Thú vị hơn nữa khi xuất phát từ nghề cá này là từ những người Khơ Me. Ông Rơ Man, một người dân Khơ Me chính hiệu từng có gần 20 năm với việc săn bắt loài cá này cho biết: “Loại cá này phải biết được hướng nó đi. Khi săn bắt phải nắm rõ được đặc tính của nó, phải lật ngửa bụng nó lên nếu không muốn bị cá quẫy mạnh và đè vào người. Khi bị lật ngửa bụng, chúng thường khó lấy lại thế mạnh để chống trả thợ săn”.
Những người dày dạn kinh nghiệm ở đây cũng bật mí: “Muốn theo dấu được cá hô phải biết quy luật kiếm ăn. Cá hô thường rất kén chọn thức ăn. Thường các loại thực vật có mùi thối rữa chúng sẽ tránh xa. Cứ mỗi một tháng, cá hô đi kiếm ăn từ 3 đến 5 lần. Khi đi, chúng thường bơi theo những con nước dòng, thường là vào ngày cuối tháng. Mùa cá hô nhiều nhất vào tháng 5, nên người săn cá phải quan sát chúng thật kỹ thì mới có khả năng thành công”.
Cũng theo ông Rơ Man, quy trình cũng như các hoạt động của loài cá hô vẫn có những lúc bất thường. Sau mỗi trận bão lũ hay khi nước sông xuống quá thấp, sự di cư của bầy cá này thường đến sớm hơn bình thường. Bởi vậy nên nếu không nắm bắt được rõ thời tiết, rất khó để chinh phục loài cá này.
Đặc biệt, theo những người thợ săn gốc Khơ Me thì muốn khống chế loài cá hô một cách thuận lợi, tốt nhất nên đi bắt chúng vào những đêm sáng trăng. Ánh sáng từ ánh trăng rọi trên sông sẽ là một thứ hấp dẫn hơn bất kỳ loại thức ăn nào đối với loại cá này. Chúng ngoi lên hẳn mặt nước và sẽ dính ngay vào lưới.
Cá hô là loài cá to xác nhưng rất dại, khi bị mắc vào lưới, chúng cứ đâm đầu cho mắc sâu thêm chứ không biết luồn lách để tìm kẽ hở thoát ra như nhiều loài cá khôn ngoan khác. Khi tiến hành bắt loại cá này phải tập trung chú ý phần đuôi vì đây là nơi tập trung sức mạnh nhất của chúng. Trên sông Tiền, hầu hết các vụ bị cá hô vật chết đều từ chiếc đuôi của nó. Có người chỉ chú ý chụp đầu cá mà không chú ý phần đuôi đã bị chúng quất cho mù lòa đôi mắt.
Anh Trần Tuấn Nam, một thợ săn cá sành sỏi rút ra kinh nghiệm trong việc chế tác lưới để vây bắt cá hô cho rằng: "Những chiếc lưới dùng để bắt cá hô phải được kiểm tra thường xuyên. Hơn nữa, các mắt lưới cần bố trí cài thêm cả lưỡi câu để khi bị dính, cá sẽ giảm sức phản kháng và không phá thủng lưới. Hơn nữa, những chiếc lưới vây cá hô nên khâu hình bầu dục để có thể cuốn luôn phần đuôi của nó vào. Trong trường hợp thấy cá hô chưa đủ mệt, thợ săn không nên gỡ lưới ra để tránh mọi rủi ro cũng như những nguy hiểm có thể xảy ra".