Như cái lò và ca từ phản cảm của nhạc Việt đang là vấn đề được công chúng quan tâm những ngày qua. Giữa vô vàn ý kiến tranh cãi, có người thắc mắc tại sao Khắc Hưng lại sáng tác một ca khúc phản cảm đến vậy.
Anh từng có nhiều sản phẩm được khen ngợi. Đặc biệt, trước đó, tác giả Sau tất cả hẳn đã có bài học từ rất nhiều ca khúc với nội dung tương tự nhưng bị chỉ trích thậm tệ, điển hình Nắng cực, Oh My Chuối…
Như cái lò
Đây là sản phẩm tiếp theo gây xôn xao thị trường âm nhạc Việt của nhạc sĩ được mệnh danh là hit maker (người tạo hit) Khắc Hưng.
Sản phẩm này nhận 19.000 lượt dislike (không thích), cao gần gấp đôi like (thích). Trong khi đó, hầu hết bình luận đều là chê trách, bày tỏ sự thất vọng, thậm chí nặng nề “ném đá” ê-kíp thực hiện.
Phản ứng này đủ cho thấy Khắc Hưng đã có một sản phẩm được chú ý nhưng theo hướng thảm họa, hay nói cách khác, đây là bước lùi sau thời gian anh có nhiều bản hit, thậm chí giành giải Cống hiến.
Như cái lò có nhiều điểm khiến người xem thất vọng về cả ca từ và MV. Chưa kể, sản phẩm này dính nghi án đạo nhạc, ý tưởng MV và vũ đạo từ Bass Down Low của Dev. Bởi thế, phản ứng gay gắt khán giả dành ca khúc cũng là điều dễ hiểu.
Nắng cực
Ở trường hợp Khắc Hưng, ê-kíp của anh gồm nhiều người trẻ, thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội. Họ hẳn sẽ không thể không hiểu tiêu đề bài hát nhạy cảm đến mức nào.
Thực tế, việc các nhạc sĩ đặt tên ca khúc theo trào lưu trên mạng xã hội, kể cả đó là trào lưu xấu đã rất phổ biến ở Vpop. Nắng cực cũng vấp phải tranh cãi ngay khi ra mắt.
Như cái lò và Nắng cực không chỉ có tiêu đề nhạy cảm, mà còn bị chỉ trích khi đưa tiếng thở hổn hển vào đoạn đầu bài hát. Thêm nữa, Nắng cực do Phạm Toàn Thắng, Trúc Nhân, Thảo Nhi thể hiện, ba cái tên đều là những nghệ sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao.
Bởi thế, khi cả 3 thể hiện ca khúc, điều khiến khán giả tiếc nuối hơn cả chính là sự dễ dãi hòa mình vào dòng nhạc thị trường của những nghệ sĩ vốn được kỳ vọng sẽ bằng cái tôi mà phát triển âm nhạc Việt.
Oh My Chuối
Trong thời điểm Vpop cạnh tranh khốc liệt, việc đặt tiêu đề và sáng tác ca khúc theo hướng phản cảm, gây sốc cũng là cách để ca sĩ gây chú ý. Lợi dụng tâm lý tò mò của cư dân mạng, những ca khúc này dễ nhận được chia sẻ lớn trong thời gian đầu ra mắt. Oh My Chuối từng chứng minh điều đó.
Thế nhưng, ca khúc do Sĩ Thanh thể hiện với những ca từ, hình ảnh thô thiển, dung tục cũng chứng minh thêm một điều. Đó chính là những ca khúc kiểu này nhanh nổi cũng chóng tàn.
Khi mới ra mắt vào tháng 7/2014, Oh My Chuối bị chỉ trích dữ dội, thậm chí, nhiều người đánh giá đây chỉ là sản phẩm rẻ tiền. Đáp lại phản ứng tiêu cực của người xem là thái độ hờ hững của Sĩ Thanh. Cô cho biết đây chỉ là sản phẩm tặng fan nên không quá bận tâm đến lời khen chê.
Tuy nhiên, theo lẽ thường tình, quà tặng thì càng cần phải trân trọng, đầu tư chỉn chu. Trong khi đó, MV này lại quá phản cảm.
Không chỉ âm nhạc mà phần hình ảnh của Oh My Chuối cùng bị "ném đá". |
Deck The Halls
Angela Phương Trinh trước khi tham gia Glee cũng từng tỏ ra thích thú với lĩnh vực âm nhạc. Cô thực hiện nhiều sản phẩm, bất chấp việc giọng hát còn kém, khó nghe.
Trong sự nghiệp âm nhạc ngắn ngủi và mờ nhạt của Angela Phương Trinh, Deck The Halls phát hành dịp Giáng sinh 2013 gây chú ý hơn cả. Tuy nhiên, cũng giống những trường hợp kể trên, ca khúc nổi tiếng theo lối tiêu cực bởi những hình quá phản cảm của nữ diễn viên sinh năm 1995.
Trong MV, cô liên tục xuất hiện với trang phục áo hở hang, quần ngắn cũn cỡn và nhảy nhót một cách gợi cảm, táo bạo. Chưa kể, việc máy quay liên tục bắt vào những bộ phận cơ thể nhạy cảm của Angela Phương Trinh cũng khiến người xem khó chịu.
Deck The Halls với hình ảnh hoàn toàn không phù hợp với không khí giáng sinh, trong khi phần âm nhạc mờ nhạt, thậm chí Angela Phương Trinh phát âm tiếng Anh không chuẩn, MV đã phải nhận lời chê bai, phản ứng dữ dội từ dư luận.
Nói dối
Nói dối hẳn đã trở thành ca khúc "kinh điển" trong số những sản phẩm âm nhạc bị chỉ trích nhảm nhí, phản cảm ở Vpop. Ca khúc do Phương My thể hiện bằng chất giọng léo nhéo, khó nghe. Trong khi đó, nội dung cũng đơn điệu với những câu hát, đặc biệt là cụm từ "nói dối" lặp đi lặp lại.
Đặc biệt, gây sốc hơn cả chính là lối ăn mặc kỳ quái với bộ tóc giả cùng cặp mắt kính màu hồng che gần hết khuôn mặt của Phương My.
Ngoài những ca khúc kể trên, Vpop còn nhiều sản phẩm gây tranh cãi ngay khi ra mắt vì phản cảm. Ví dụ, Da nâu của Phi Thanh Vân, Đừng yêu em của Lê Kiều Như hay Tự sướng do Mai Khôi thể hiện…
Với tâm lý ham nổi giữa thời điểm làng nhạc bão hòa, "vàng thau lẫn lộn" có lẽ nhiều ca sĩ sẽ còn sáng tác những ca khúc tương tự, bất chấp tranh cãi, phản ứng từ người nghe.
Nghệ sĩ có tự trọng sẽ trân trọng mỗi sản phẩm mình ra mắt. Bởi sản phẩm ở một khía cạnh nào đó chính là gương mặt của nghệ sĩ.