Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ca bệnh chưa rõ nguồn lây ở TP.HCM

Sau 20 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, từ 18/5 đến nay, TP.HCM phát hiện cùng lúc nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây.

Ngày 18/5, TP.HCM bước vào đợt bùng phát mới với cùng lúc nhiều ổ dịch, đa biến chủng. Đặc biệt, hai chùm ổ dịch mới được phát hiện tại thành phố đều chưa thể truy nguồn gốc lây nhiễm.

Chùm ca bệnh liên quan bà chủ quán bánh canh ở quận 3

Ngày 20/5, chùm ca bệnh không rõ nguồn lây đầu tiên của thành phố được phát hiện khi bà Đ.T.T. (chủ quán bánh canh O Thanh, hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vì có triệu chứng viêm đường hô hấp.

Cùng ngày, hai con gái sống cùng nhà với bệnh nhân này cũng được phát hiện dương tính với nCoV. Bốn ngày sau (24/5), cháu ngoại của bà T. cũng được xác định mắc Covid-19.

Người thứ 5 trong chuỗi lây nhiễm này là con gái của bà T. (cách ly tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do đang điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối).

Đến sáng 27/5, chùm ca mắc Covid-19 có thêm một người là chị Đ.T.H. (F1 của bà chủ quán bánh canh). Ngành y tế TP.HCM vẫn đang tích cực truy vết và tìm kiếm nguồn lây của chùm ca bệnh này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, kết quả giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân tại quận 3 nhiễm biến chủng Anh (B.1.1.7). Biến chủng này đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam, đã lây lan ra các tỉnh khu vực miền Trung.

O dich Covid-19 chua ro nguon lay tai TP.HCM anh 1

Công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, quận 9 cũ) được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế chưa phát hiện nguồn lây của chuỗi lây nhiễm này. Vị lãnh đạo này thông tin trong gia đình có một người từng đi Đà Nẵng từ tháng 2. Tuy nhiên, người này có kết quả âm tính với nCoV. Hiện, ngành y tế rà soát những người trong gia đình để xác định thời gian nhiễm bệnh của các bệnh nhân, xem xét khả năng họ mới bị lây nhiễm từ người đi Đà Nẵng hay không.

Giả định thứ hai được đặt ra là những bệnh nhân này bị lây từ chính các đoàn khách tới quán. Công an TP.HCM cho biết quán ăn này từng tiếp các đoàn khách từ Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung.

44 bệnh nhân liên quan nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp

Dịch Covid-19 tại TP.HCM tiếp tục căng thẳng khi tối 26/5, thành phố phát hiện chùm ca bệnh liên quan Hội Thánh Truyền giáo Phục hưng (địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp).

Ba bệnh nhân đầu tiên của chùm lây nhiễm này là chị N.T.K.C. (38 tuổi, ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) và cặp vợ chồng (ở phường Thạnh Lộc, quận 12).

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC), cho biết qua điều tra dịch tễ, ngành y tế tình cờ phát hiện được điểm chung của 3 người này là cùng sinh hoạt trong nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp.

Sau khi có triệu chứng viêm hô hấp, đau họng, sốt và mất khứu giác, những người này tới khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và được phát hiện dương tính với nCoV.

Đến sáng 28/5, tổng số người nhiễm nCoV liên quan nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp đã lên tới 44 trường hợp. Đặc biệt, các F0, F1 trải dài 16 quận, huyện của TP.HCM, gồm TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.

Ngoài ra, theo công bố của Bộ Y tế, Long An cũng ghi nhận một trường hợp có kết quả dương tính trong chùm ca bệnh này là người đàn ông 45 tuổi có địa chỉ tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Ông làm nghề đầu bếp tại khách sạn 5 sao ở quận 1, TP.HCM, tiếp xúc gần BN6282 (phụ bếp, hội viên Hội Thánh Truyền giáo Phục hưng).

O dich Covid-19 chua ro nguon lay tai TP.HCM anh 2

Lấy mẫu toàn bộ dân xung quanh ổ dịch Hội thánh Phục hưng ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định đây là "ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng nhất từ trước đến nay". Chuyên gia này nhấn mạnh thành phố cần có biện pháp tương xứng thông qua việc khoanh vùng, truy vết. Bởi chúng ta vẫn chưa nắm chắc rằng nguồn lây nhiễm đến đâu. Hiện tại, dịch lây lan rất rộng, các F0, F1, F2 và người liên quan phân bố khắp 16 quận, huyện.

Trước diến biến mới, chính quyền TP.HCM triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch nhanh, mạnh mẽ. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu siết chặt thêm việc hạn chế các dịch vụ không thiết yếu để chống dịch. Sân bay Tân Sơn Nhất dừng đón người nhập cảnh từ ngày 27/5 đến hết ngày 4/6.

Từ 0h ngày 28/5, các nhà hàng ăn uống ngừng hoạt động, cơ sở lưu trú không được nhận khách mới... Hoạt động spa, làm đẹp, phòng khám, thẩm mỹ, du lịch... tập trung trên 10 người cũng bị tạm dừng. Các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn, uống, thức ăn đường phố không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát hiện cặp vợ chồng dương tính với nCoV

Ngoài ra, tối 27/5, TP.HCM phát hiện thêm một thai phụ dương tính với nCoV, chưa rõ nguồn lây. Bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, cho biết nữ bệnh nhân T.T.N.H., 30 tuổi, mang thai 10 tuần, ngụ tại quận Tân Phú.

O dich Covid-19 chua ro nguon lay tai TP.HCM anh 3

Một khách sạn tại TP.HCM bị phong tỏa tạm thời do liên quan ca mắc Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh nhân đến khám lúc 10h26 ngày 27/5 do triệu chứng đau, rát họng 2 ngày. Thai phụ không có yếu tố dịch tễ hay đi về từ vùng dịch. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR lúc 16h cho thấy người này dương tính nCoV. Theo thông tin ban đầu, người này không liên quan ổ dịch trong nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp.

Sáng nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thông tin người chồng của thai phụ này cũng có kết quả dương tính với nCoV.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định trong tình huống nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây như hiện nay, việc truy lùng nguồn gốc F0 vẫn cần thiết.

"Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt nặng. Việc tìm được F0 giúp chúng ta đánh giá được mức độ đi xa thế nào của SARS-CoV-2. Nếu không, chúng ta xử lý như ổ dịch mới bùng phát, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm diện rộng để ngăn chặn dịch lây lan, như các chiến dịch từ trước đến nay Việt Nam đã áp dụng", ông nói.

Theo vị chuyên gia này, chiến lược xét nghiệm nhanh giúp ngành y tế kiểm soát dịch tễ và đánh giá nguy cơ trong cộng đồng.

Tại TP.HCM, F2 có phải cách ly tập trung không?

Tôi bay từ Hà Nội vào TP.HCM và phát hiện mình thuộc diện F2, tôi có phải cách ly tập trung không?

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm