Ngày đầu tháng Tư hàng năm là ngày nhập học của các trường ở Nhật Bản. Lúc này hoa anh đào đang mãn khai, trời hãy còn lạnh nhưng khô ráo. Thầy hiệu trưởng bắt đầu khai giảng năm học bằng câu nói quen thuộc: “Hoa anh đào trước cổng trường đã nở rộ rồi, chào đón các con đến với trường Takaido Daini…”.
Giờ này năm ngoái, Trangchan đi học lớp 1. Trangchan còn bé quá, mới mấy hôm trước còn ngồi ngất ngư trên ghế sau xe đạp của bố đến mẫu giáo. Sao con có thể tự đi cả quãng đường dài thế? Xe cộ trên đường thì sao? Nhỡ người lạ dụ đi mất? Nhỡ lạc đường? Nhỡ bị bắt nạt? Rồi nào cặp sách nào túi đựng giày, khăn ăn…Đồ đạc quá nặng?
“Chị có thể đi bên cạnh bé trong một hai ngày đầu tiên”, thầy chủ nhiệm Noda nói với tôi ngay trước cửa lớp 1-3 của Trangchan, chắc do thấy khuôn mặt của tôi nhiều băn khoăn. Sau này tôi hiểu “đi bên cạnh” có nghĩa là không mang vác gì hộ con nhé, để con tự làm hết nhé.
Và tôi đã nghỉ làm, đi bên cạnh con, cả lúc đi học và lúc con về, nhưng chỉ hai ngày như vậy.
Ngày đầu tiên đi học
Buổi đi học đầu tiên, con xuống đường ngơ ngác. Vai đeo Randoseru (cặp chống gù của học sinh Nhật Bản), bên ngoài cặp bao tấm phủ màu vàng cam ghi “Học sinh lớp 1”. Chiếc mũ con đội cũng màu cam.
Các bé lớp 1 xếp hàng chuẩn bị ra về, thầy hiệu trưởng đứng sau dõi theo các em. Ảnh: NVCC. |
Sau này tôi mới biết dù học trường công hay trường tư, học sinh lớp 1 cũng có “đồng phục” vàng chóe này. Để làm gì? Để trên đường các em đi học, các phương tiện giao thông từ xa nhận biết rõ rằng có các em nhỏ, mà chú ý an toàn. Đoạn đường từ nhà tôi đến trường của Trangchan chắc rộng khoảng 7 mét, không có vỉa hè. Tận mắt tôi có lần (vào một ngày hè) chứng kiến 5 chiếc ôtô nối đuôi nhau đi với tốc độ “đi bộ”, vì trước mắt có 4-5 cô cậu nhóc đang vừa nhảy chân sáo, vừa nhặt xác ve và trêu nhau. Không một chút sốt ruột, không một tiếng còi xe xin đường.
Trangchan còn được trang bị một còi báo hiệu cài bên cặp. Giấy hướng dẫn ghi rằng, nếu gặp nguy hiểm, chỉ cần giật còi, nó sẽ rú lên âm thanh chói tai báo cho mọi người biết. Tôi đã từng giật nhầm máy báo động khi đừng trước một siêu thị nhỏ. Và kết quả là mọi người trong siêu thị chạy hết ra xem Trangchan làm sao, cho đến khi tôi tắt được chiếc máy và hai mẹ con rối rít xin lỗi. Chắc có lẽ tiếng còi này không mấy khi bị bật lên.
Bắt đầu lên học lớp 1, học sinh Nhật Bản không ngủ trưa. Trangchan cùng các bạn ăn tại trường (thực đơn các bữa ăn do quận duyệt), rồi tự lau dọn bàn ăn, vệ sinh lớp, học thêm cho đến khoảng 3 giờ thì về nhà.
Trangchan được hướng dẫn đi theo nhóm các bạn cùng đi về hướng đó, có các anh chị lớp trên cùng đi. Dọc đường, còn có các tình nguyện viên mà thường là những người về hưu hướng dẫn các em qua đường an toàn.
Tình nguyện viên hướng dẫn Trangchan và các bạn trong buổi đầu đi học một mình. Ảnh: NVCC. |
Lũ trẻ mặc sức tung tăng “trong khuôn khổ”.
Chúng bắt những con châu chấu nhỏ. Hái hoa dại tung lên người nhau. Chạy theo những con bướm. Trangchan dường như được cậu bạn Yamamotocun rất quý mến. Chúng chỉ nhau xem con vật nhỏ xíu nhảy trên lá rau cải. Con tôi có những người bạn mới.
Chúng ghé vào nhà văn hóa quận. “Cháu chào các cô chú. Cháu muốn uống nước”. – “Xin mời xin mời”, cô nhân viên còn rất trẻ chỉ tay ra phía vòi nước (ở Nhật Bản có những nơi công cộng lắp vòi nước uống trực tiếp).
Sau này tôi được biết, con còn được hướng dẫn đâu là những cửa hàng hoặc phòng khám ở dọc đường (có dán hình con mèo ngộ nghĩnh), con có thể ghé vào lánh nạn hoặc nhờ giúp đỡ bất kỳ khi nào: động đất, bị ai đó theo dõi, bắt nạn…
“Con có mệt không? Con đói không? Có buồn ngủ không”. Bao nhiêu câu tôi hỏi con sau buổi học đầu tiên. “Không, Tanoshi" (rất vui). Con bé trả lời.
“Không mang đồ ăn vặt mẹ nhé, không tiền tiêu vặt, không vòng tay hay bất kỳ trang sức gì, nên mẹ để cái nhẫn này ở nhà cho con”, nó nhắc.
Tan học sớm, muốn cùng đi chơi với bạn, Trangchan luôn về nhà, cất cặp sách, báo bố mẹ rằng con đi đâu. Trangchan và bạn thường chọn công viên nhỏ gần nhà để cùng chơi với nhau. Đúng 5 giờ chiều, “loa phường” sẽ nhắc nhở các em đã đến giờ về nhà bằng bản nhạc nhẹ đại ý “đã đến giờ rồi, chúng mình về nhà thôi, ba mẹ đang đợi, bữa cơm tối nóng hổi…”.
Sau buổi học thứ hai
Thầy giáo chủ nhiệm ghé vào nhà tôi. Trong tuần đầu tiên, thầy ghé vào từng nhà các em học sinh, để chào hỏi, và quan trọng là để biết nhà học sinh phòng khi cần đến trong trường hợp khẩn cấp.
Thầy đến cùng với một người bạn biết tiếng Anh, trong trang phục vô cùng thoải mái áo phông quần sooc, nhưng với thái độ vô cùng nghiêm túc: Thầy hỏi Trangchan có tính cách gì đặc biệt, thích ăn gì và ghét gì (con bé không ăn được rau), có bị dị ứng món gì, có năng khiếu nghệ thuật gì, đặc biệt thích môn gì, trong trường hợp xảy ra động đất, gia đình mình sẽ hẹn nhau ở đâu (ở nhà, ở trường hay ở nơi sơ tán), phụ huynh có lo lắng gì cần hỏi…
Học sinh luôn đi thành hàng lối bên đường. Ảnh: NVCC. |
Tôi đi làm trở lại, vì cảm nhận con được quan tâm thật tốt.
Sau vài ngày đi học, Trangchan dường như lớn hẳn lên. Con đã biết ăn rau; biết nói to lời cảm ơn và xin lỗi, biết đi mua dầu ăn ở cửa hàng dưới nhà và từ chối nhận kẹo của một bà cụ thân thiện nhưng xa lạ; biết nhờ bác quản gia gọi điện cho bố khi quên chìa khóa vào nhà; biết từ chối mở cửa cho người giao hàng vào nhà và không nghe tiếp điện thoại của người lạ gọi đến.
Trangchan nhắc mẹ không dàn hàng trên đường; Biết tuân thủ quy định nơi công cộng: “Mẹ không được nói to trên tàu… Ghế này là ghế ưu tiên mẹ ạ… Cần xếp hàng ở chỗ này...”
Trangchan đã cùng các bạn đến đồn cảnh sát nộp lại một xu yên (200VNĐ) các con nhặt được trên đường. “Chú ấy khen chúng con rất ngoan mãi”.
Đừng mất cảnh giác
Sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong việc bảo vệ an toàn cho các con vô cùng lớn, đến mức khiến những người không biết tiếng Nhật như gia đình tôi làm phiền các anh chị người Việt ở nơi làm rất nhiều. Nhưng sau này tôi mới thấy quan trọng như thế nào.
Những học sinh lớp 1 tự đi tàu điện đến trường là cảnh quen thuộc ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Trường của Trangchan lập ra "bản đồ nguy hiểm” - liệt kê các khu vực trẻ em nên tránh và tìm nơi giúp đỡ. Trường thường xuyên gặp phụ huynh và cảnh sát khu vực để thảo luận các vấn đề an ninh; thường xuyên báo cho phụ huynh và học sinh cảnh giác khi phát hiện đối tượng lạ xuất hiện quanh trường.
Bên cạnh diễn tập chống động đất, chống hỏa hoạn, còn có diễn tập với giả định có kẻ xấu đột nhập vào trường…
Trường luôn nhắc phụ huynh “chúng ta cùng không được lơ là cảnh giác”.
Những giấy tờ cảnh báo, những cuộc thảo luận giữa nhà trường và hội phụ huynh luôn là thách thức với người nước ngoài không giỏi tiếng Nhật. Nhưng nếu bỏ lỡ, có thể chúng ta đang coi thường an toàn của con mình.