Những bước tiến lịch sử của Hải quân Việt Nam
Được thành lập rất sớm từ ngày đầu lập quốc, nhưng phải tới những năm 1960, Hải quân nhân dân Việt Nam mới có những bước trưởng thành rõ rệt.
Vào ngày 19/5/1946, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã ký quyết định thành lập lực lượng Hải quân, tiếp đó đến ngày 10/9 cùng năm, Chủ tịch quân sự ủy viên hội Võ Nguyên Giáp ký quyết định đặt cơ quan chỉ huy Hải quân là hải đoàn do một hải đoàn trưởng phụ trách, bắt đầu xây dựng một đội tàu nhỏ làm nòng cốt cho Hải quân mới.
Tuy nhiên vào lúc đó, thực dân Pháp mưu đồ tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Nhận thấy khả năng không đủ duy trì lực lượng chống lại lực lượng Hải quân khổng lồ của Pháp, Việt Minh lúc đó đã tháo dỡ vũ khí, máy móc trên các tàu này và đánh chìm để không rơi vào tay quân xâm lược.
Đến ngày 8/3/1949, Phòng nghiên cứu Hải quân thuộc Bộ Tổng tham mưu được thành lập, vừa đảm đương 2 nhiệm vụ, nghiên cứu và đào tạo để chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu.
Ngày 7/5/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Cục Quốc phòng ven biển tạo cơ sở cho việc hình thành Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.
Từ đó về sau, ngày 7/5 được lấy làm ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam. Hải quân nhân dân Việt Nam lập chiến công đầu tiên vào ngày 31/07/1964 tàu khu trục USS-Maddox của Mỹ đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Trước hành động khiêu khích của tàu chiến Mỹ, Hải quân Việt Nam đã cử 3 tàu phóng lôi tốc độ cao ra ngăn chặn.
3 tàu phóng lôi cao tốc của Hải quân nhân dân Việt Nam ngăn chặn tàu khu trục USS-Maddox xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Các tàu phóng lôi cao tốc của Hải quân Việt Nam đã thành công trong việc buộc tàu USS-Maddox rời khỏi lãnh hải Việt Nam và bắn hạ một máy bay. Dù tàu chiến Mỹ đã cố tình xâm phạm lãnh hải Việt Nam với nhiều hành động khiêu khích nhưng họ lại rêu rao với thế giới rằng “tàu chiến của mình bị tấn công trên vùng biển quốc tế” để lấy cớ leo thang đánh phá miền Bắc.
Kỳ tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển
Những năm tháng Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam là tuần tra và bảo vệ vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải.
Một nhiệm vụ khác vô cùng quan trọng và nặng nề là thực hiện các hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam qua đường biển.
Những con tàu không số đã làm nên kỳ tích với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu. |
Vào năm 1959, trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho Quân giải phóng miền Nam.
Tháng 7/1959, tiểu đoàn vận tải biển 603 được thành lập tiền thân của lữ đoàn vận tải 125 thuộc Hải quân nhân dân ngày nay.
Các tàu vận tải này được ngụy trang như những tàu cá để vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam, các tàu vận tải này được gọi là “những con tàu không số”.
Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên bước ngoặt chiến lược trong việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Trong khi tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ bị Không quân Mỹ đánh phá ác liệt thì sự xuất hiện của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển đã giải tỏa được khó khăn đó.
Mỹ phát hiện ra tuyến vận tải chiến lược này của Hải quân nhân dân Việt Nam vào ngày 16/2/1965 tại vịnh Vũng Rô thuộc tỉnh Phú Yên khi một tàu vận tải 100 tấn của Lữ đoàn 125 đang chuyển vũ khí lên bờ.
Sau sự kiện Vũng Rô, Hải quân Mỹ đã triển khai chiến dịch Market time nhằm ngăn chặn sự chi viện vào miền Nam bằng đường biển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Mặc dù, Hải quân Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt khi phát hiện các tàu nghi ngờ là tàu vận tải nhưng với tinh thần sáng tạo, mưu trí cùng lòng dũng cảm, kiên cường cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số vẫn không ngại hy sinh gian khổ tiếp tục vận chuyển thành công nhiều chuyến hàng quan trọng vào miền Nam.
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn vận tải 125 ngày nay luôn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đảng, nhà nước và quân đội giao phó. Ảnh: QĐND. |
Từ năm 1959-1972, tuyến đường vận tải chiến lược này đã vận chuyển được hơn 96.000 tấn vũ khí, đạn dược và hơn 170.000 lượt cán bộ chiến sĩ cho chiến trường miền Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có thể vươn tới những nơi mà đường bộ không đến được. Tốc độ vận tải bằng đường biển cũng nhanh hơn, số lượng vũ khí chuyển được nhiều hơn, tiết kiệm cả về nhân lực và kinh phí so với đường bộ.
Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nhận định: “Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là sáng tạo chiến lược của đảng và nhà nước mà còn là một kỳ công chiến lược của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, một đại diện tiêu biểu cho sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ chiến sĩ và nhân dân”.
Nối tiếp truyền thống hào hùng của những con tàu không số ngày xưa, những người lính vận tải của Lữ đoàn 125 thuộc Quân chủng Hải quân ngày nay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vận tải chi viện đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
quốc việt
Theo Infonet