Đường chân trời của Trái Đất, phía xa là Mặt Trăng trong bức ảnh do Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chụp ngày 21/1. Đó là lúc ISS di chuyển qua bờ biển phía nam Argentina, ở độ cao khoảng 438 km so với Đại Tây Dương. Ảnh: NASA. |
Hình ảnh Mộc tinh được JunoCam chụp vào ngày 25/2 ở độ cao khoảng 70.800 km. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), lỗ đen bên trái là bóng của Ganymede - một trong 4 mặt trăng (vệ tinh tự nhiên) lớn nhất quay quanh Mộc tinh. Ảnh: NASA. |
Ngày 7/3, vệ tinh Quỹ đạo Mặt Trời (Solar Orbiter) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chụp bức ảnh cận cảnh nhất về Mặt Trời bằng camera siêu cực tím. Theo CNN, hình ảnh hé lộ những chi tiết chưa từng thấy trước đây về vành nhật hoa, lớp khí quyển bao quanh Mặt Trời. Ảnh: NASA, ESA. |
Bức ảnh tự chụp cuối cùng của tàu đổ bộ Hỏa tinh InSight vào ngày 24/4. Đến 21/12, NASA thông báo kết thúc sứ mệnh InSight sau nhiều lần không thể liên lạc với tàu đổ bộ, có thể do cạn kiệt năng lượng khi bụi bám vào pin Mặt Trời. Ảnh: NASA. |
Ngày 19/4, trực thăng Ingenuity đã chụp những gì còn sót lại từ chiếc dù giúp tàu thăm dò Perseverance đáp xuống bề mặt Hỏa tinh vào tháng 2/2021. So với các thiết bị quan sát cũ hơn, Ingenuity cho chất lượng ảnh khá rõ nét. Ảnh: NASA. |
Phi hành gia Jessica Watkins của NASA ngắm nhìn Trái Đất từ ISS trong bức ảnh chụp ngày 5/5. Cô làm nên lịch sử khi trở thành phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân lên trạm vũ trụ. Ảnh: NASA. |
Cũng trong tháng 5, các nhà khoa học đã công bố ảnh đầu tiên của Sagittarius A* (Sgr A*), lỗ đen khổng lồ nằm ở trung tâm Dải Ngân hà. Hình ảnh gồm vòng tròn màu vàng cam, thể hiện độ phát sáng của các vật chất bao quanh Sgr A*. Ảnh: ESO. |
Bức ảnh được công bố ngày 26/5 cho thấy thiên hà xoắn ốc NGC 3631, cách Trái Đất khoảng 35 triệu năm ánh sáng, do nhà thiên văn học William Herschel phát hiện năm 1789. Ảnh: NASA, ESA. |
Nước đóng băng trên bề mặt Hỏa tinh cắt mặt đất thành những hình đa giác, tạo ra hiệu ứng kỳ lạ những đẹp mắt trong bức ảnh được NASA công bố ngày 26/6. Ảnh: NASA. |
Bức ảnh được JunoCam chụp ngày 5/7 cho thấy cảnh tượng thú vị gần cực Bắc của Mộc tinh, thể hiện các chi tiết phức tạp trong bầu khí quyển. Vòng xoáy xoắn ốc trên hành tinh là gió của những cơn bão. Ảnh: NASA. |
Vệt sáng của tên lửa SpaceX Falcon 9 trong đợt phóng ngày 14/7 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida). Chuyến bay mang theo tàu chở hàng Dragon đến ISS. Ảnh: NASA. |
Được công bố ngày 9/8, hình ảnh từ kính viễn vọng Gemini North cho thấy cặp thiên hà NGC 4567 (trên) và NGC 4568 (dưới) đang va chạm. Còn gọi là “thiên hà Bướm”, chúng sẽ hợp nhất để tạo thành một thiên hà trong 500 triệu năm tới. Ảnh: International Gemini Observatory. |
Tiểu hành tinh Didymos (trái) và mặt trăng Dimorphos, được chụp 2,5 phút trước khi tàu vũ trụ DART đâm vào Dimorphos. Diễn ra vào ngày 26/9, mục tiêu của sứ mệnh là thử nghiệm kỹ thuật mới của NASA nhằm chủ động thay đổi quỹ đạo quay của một hành tinh, ngăn chặn các vật thể vũ trụ có khả năng tàn phá sự sống trên Trái Đất trong tương lai. Ảnh: NASA. |
Hình ảnh của camera DRACO trên tàu vũ trụ DART chụp tiểu hành tinh Dimorphos trong 11 giây trước vụ va chạm (trái) và 2 giây trước khi va chạm (phải). Ảnh: NASA. |
Tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX được phóng vào ngày 5/10 cho sứ mệnh Crew-5. Đây là chuyến bay lịch sử khi phi hành đoàn gồm Nicole Mann, người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên du hành vũ trụ, phụ nữ đầu tiên chỉ huy một sứ mệnh của SpaceX. Ngoài ra còn có phi hành gia Anna Kikina, công dân Nga đầu tiên tham gia một sứ mệnh SpaceX. Ảnh: NASA. |
Những đám mây khí màu hồng và cam là tàn tích còn sót lại của vụ nổ siêu tân tinh Vela, được Đài thiên văn Nam châu Âu (European Southern Observatory) công bố ngày 31/10. Ảnh: ESO. |
2 tên lửa đẩy của Falcon Heavy, tên lửa mạnh nhất thế giới hạ cánh khoảng 8 phút sau khi phóng tại Cape Canaveral vào ngày 1/11. Falcon Heavy có thể tái sử dụng. Năm 2019, tên lửa này được phóng và trở về sau khi gửi vệ tinh của quân đội Mỹ lên vũ trụ. Ảnh: AP. |
Ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Orion vào 21/11, ngày đầu tiên của sứ mệnh Artemis I. Đây là chuyến bay đầu tiên cho sứ mệnh trở lại Mặt Trăng của NASA sau 50 năm. Tại thời điểm chụp ảnh, Orion cách Trái Đất khoảng 91.000 km, trong giai đoạn tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng. Ảnh: NASA. |
Hình ảnh được Orion chụp trong ngày thứ 20 của chuyến bay, cho thấy một phần Mặt Trăng bên phải. Ngày 11/12, tàu vũ trụ đã hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương, hoàn tất chuyến bay Artemis I. Ảnh: NASA. |
2022 cũng là năm kính viễn vọng James Webb vận hành. Một trong những hình ảnh đầu tiên của James Webb, được công bố giữa tháng 7 chụp cụm thiên hà NGC 3324 (Cosmic Cliffs) thuộc tinh vân Carina. Cách Trái Đất khoảng 7.600 năm ánh sáng, đây là một trong những tinh vân sáng và lớn nhất trên bầu trời, tồn tại nhiều ngôi sao khổng lồ. Ảnh: NASA, ESA. |
Ngày 22/8, ESA chia sẻ ảnh Mộc tinh chụp bởi camera hồng ngoại gần (NIRCam) trên James Webb. Hình ảnh cho thấy Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot - cơn bão rực lửa tồn tại hàng trăm năm), cực quang, các vành đai xung quanh cũng như Amalthea và Adrastea - 2 mặt trăng của Mộc tinh. Những đốm trắng nhỏ có thể là các thiên hà xung quanh Mộc tinh. Ảnh: NASA, ESA. |
Thiên hà Phantom (M74), nằm trong chòm sao Song Ngư, là dạng thiên hà xoắn ốc hay “xoắn ốc thiết kế lớn” (grand design spiral). Hình ảnh được chụp từ 2 kính viễn vọng Hubble và James Webb, dưới sự hợp tác của ESA và NASA, được công bố cuối tháng 8. Ảnh: NASA, ESA. |
Hình ảnh được công bố ngày 16/11 từ James Webb chụp một tiền sao trong L1527, đám mây khí có hình giống đồng hồ cát. Ảnh: NASA, ESA. |
Trong bức ảnh được chia sẻ ngày 30/11, kính viễn vọng James Webb đã chụp "Cột sáng thế" (Pillars of Creation). Đây là những đám mây khí hydro và bụi lạnh dày đặc trong Tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula) thuộc chòm sao Serpens, cách Trái Đất khoảng 6.500 năm ánh sáng. Khu vực này được đặt tên "sáng thế" bởi những đám mây khí vẫn hình thành sao mới. Ảnh: NASA, ESA. |
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...