Bên cạnh “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”, “Vua sư tử” hay “Train to Busan”, “Bố già” bản điện ảnh cũng chứa đựng nhiều cảm xúc về tình cha con của điện ảnh Việt Nam.
“Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”
Bộ phim “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc từ niềm vui đến nỗi buồn, đủ để người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về tình phụ tử. Lee Yong Goo (Ryu Seung Ryong) là người bị thiểu năng trí tuệ và ông có một đứa con gái nhỏ tên Ye Seung (Gal So Won, khi lớn do Park Shin Hye thủ vai). Trái ngược với bố, Ye Seung là đứa trẻ thông minh. Tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là kinh tế, nhưng hai bố con vẫn yêu thương và luôn bên nhau.
“Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ niềm vui đến những giọt nước mắt xúc động. |
Một ngày vì muốn mua chiếc cặp hình Sailor Moon mà Ye Seung yêu thích, Yong Goo vô tình bị vướng vào vòng lao lý vì tội danh giết người và xâm hại tình dục trẻ em. Ngay lập tức anh bị bắt giam và phải chịu hình phạt tử hình. Ở phòng giam số 7 - nơi Yong Goo dừng chân trước khi chịu án tử, hai bố con trải qua những ngày tháng hạnh phúc và kỳ diệu trong sự bao bọc của những bạn tù dễ mến.
Đằng sau những trận cười sảng khoái, bộ phim lấy đi không ít nước mắt của khán giả bởi câu chuyện đầy oan ức và tình cảm mà người bố thiểu năng dành cho con gái mình.
“Vua sư tử”
Bộ phim kể về một cậu sư tử con tên Simba. Simba được bố dạy dỗ, bảo vệ khỏi sự nguy hiểm của cuộc sống tràn ngập thủ đoạn ác độc. Điểm nhấn của bộ phim chính là khoảnh khắc trưởng thành của sư tử con - từ một đứa bé non nớt, sợ hãi mọi thứ cho đến khi dũng cảm đứng lên chống lại cái xấu.
Bộ phim “Vua sư tử” được nhiều bạn nhỏ yêu thích vì thông điệp gần gũi, các cảnh phim ấn tượng. |
“Vua sư tử” là hình ảnh về sự kế thừa của con trai với bố của mình. Tuy cách triển khai cốt truyện có phần đơn giản, chủ yếu hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi nhưng tình yêu thương của người bố luôn được thể hiện theo một cách kiên cường và mạnh mẽ.
“Train to Busan”
Trên chuyến tàu đi Busan, một người nhiễm dịch bệnh đã nhanh chóng lây cho nhiều người khác. Khoảnh khắc sinh tử đã góp phần lột tả những chi tiết nhân văn về lòng tin, sự hy sinh, giúp đỡ hay tính ích kỷ của con người.
Diễn xuất của hai bố con nhân vật chính trong “Train to Busan” đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem. |
Trước sự truy đuổi của những xác sống, trước hiểm nguy và cái chết luôn gần kề, người bố đã bảo vệ con gái được an toàn bằng mọi giá. Giây phút người bố nói lời vĩnh biệt và nhảy khỏi tàu tự vẫn để không lây bệnh con gái chính là khoảnh khắc xúc động nhất. Không chỉ chứa đựng cảm xúc gay cấn hồi hộp ở những pha truy đuổi nghẹt thở, sự hy sinh của người bố ở cuối phim khiến khán giả không thể kìm được nước mắt.
“Bố già” bản điện ảnh
“Bố già” bản điện ảnh là bộ phim xây dựng hình tượng người cha âm thầm hy sinh, yêu thương con nhưng lại không biết cách bày tỏ. Khác với những hình tượng người bố được khắc họa trong các bộ phim quốc tế, “Bố già” bản điện ảnh mang màu sắc rất Việt Nam. Trong phim, hình ảnh ông bố “gà trống nuôi con" chịu thương chịu khó, chắt chiu từng chút để mua đồ cho con mình khiến người xem cảm thấy quen thuộc, gần gũi. Tính cách bao đồng, phiền phức càng khiến nhân vật Ba Sang trở nên khác biệt và đời hơn.
“Bố già” bản điện ảnh đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc. |
"Bố già” chọn khắc họa hình ảnh đứa con trưởng thành với nhiều diễn biến tâm lý phức tạp. Bộ phim đẩy mâu thuẫn giữa cha con thông qua khoảng cách thế hệ, quan điểm, lẽ sống và dẫn đến hàng loạt cao trào. Chính khoảng cách về thế hệ đã khiến người bố trở nên đơn độc và khó hiểu trong mắt con cái. Thông qua việc tỏ bày nỗi niềm của nhân vật người con, bộ phim mở ra cơ hội để hai thế hệ học cách thông cảm lẫn nhau.
Không mượn những sự kiện hay biến cố để đưa ra bài học lớn lao, “Bố già” chọn chất liệu cuộc sống đời thường để dệt nên câu chuyện. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Bình luận